Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành hai sắc lệnh hành pháp quan trọng. Sắc lệnh đầu cấm TikTok tại Mỹ nhưng bị thẩm phán liên bang chặn lại và sau đó bị Tổng thống Joe Biden ra sắc lệnh thu hồi năm 2021.
Sắc lệnh thứ hai yêu cầu ByteDance thoái vốn ở Mỹ và xóa tất cả dữ liệu người dùng ở thị trường này. Sắc lệnh này vẫn còn hiệu lực và nội các chính quyền Biden hiện đang đàm phán về khả năng cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động ở Mỹ dưới sự giám sát chặt chẽ hơn trước về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư.
Dường như, ByteDance đã chuẩn bị sớm, đấu tranh để thay đổi “số phận” của mình tại thị trường Mỹ. Năm 2019, ứng dụng này đã thuê 30 nhà vận động hành lang để chống lại ý định cấm TikTok của ông Trump, chi phí khiêm tốn với hơn 200.000 đô la. Sang năm 2020, ByteDance thuê 47 chuyên gia lobby với tổng chi phí là 2,61 triệu đô la, gấp 10 lần chi phí của năm trước đó.
Trong hai năm 2021-2022, theo CNBC, chi phí lobby Washington mỗi năm của tập đoàn công nghệ Trung Quốc tăng hơn gấp đôi con số của 2020. Các số liệu của Nikkei tổng hợp đến ngày 31-1-2024 cho thấy, ByteDance chi 7,4 triệu đô la trong năm 2023, tăng 77%. Để so sánh, Nikkei nói Apple chi 9,9 triệu đô la cho lobby trong năm ngoái.
Dĩ nhiên, TikTok sẽ không dễ dàng chịu “bó càng” trước dự luật mà Hạ viện Mỹ sẽ biểu quyết vào tuần tới. “Đường dài mới biết ngựa hay”. TikTok đã bám trụ vững vàng và tăng trưởng gần gấp đôi lượng người dùng trong suốt bốn năm qua. Điều này chứng tỏ kế hoạch kinh doanh vững chãi, cứng rắn của lãnh đạo TikTok và ByteDance.
Hiện bộ đôi TikTok và ByteDance đang chạy nước rút trước ngày Hạ viện biểu quyết. Khả năng đảo ngược có thể xảy ra, bởi cả hai đã có ít nhất năm năm vận động hành lang tại Mỹ và hầu bao luôn mở rộng, đặc biệt là vào năm bầu cử tổng thống, như con số năm 2020 đã chứng tỏ.
Xem thêm: TikTok xoay xở thế nào trước lệnh cấm hoàn toàn tại Mỹ? (thesaigontimes.vn)