Mới đây, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (PXL) vừa báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Theo đó, nhà đầu tư mua toàn bộ cổ phiếu đợt chào bán này là CTCP Hạ tầng Gelex (công ty con của Tập đoàn Gelex).

Cụ thể hơn 93,4 triệu cổ phiếu đợt này được phân phối với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau thương vụ này, ước tính PXL thu về hơn 934 tỷ đồng, trong khi đó Hạ tầng Gelex đã tăng tỷ lệ sở hữu tại PXL lên 65% vốn điều lệ và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này.

Với đợt chào bán này, vốn điều lệ của PXL tăng từ 827 tỷ đồng lên hơn 1.761 tỷ đồng.

kcn-long-son-1740585071.png

-------------------

Về PXL, tiền thân là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí – IDICO Long Sơn được thành lập năm 2007. Các cổ đông sáng lập gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu CN Việt Nam (IDICO) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí (PTSC).

Công ty này là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn tại TP. Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 (tạm tính) là 11.759 tỷ đồng.

Với dự án này, sau khi có Giấy chứng nhận đầu tư, song song với việc triển khai và hoàn thành một số công việc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, PXL cũng đã ký kết các Văn bản thỏa thuận V/v cho thuê lại đất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu số 3 và với Công ty TNHH Kho ngầm Xăng dầu Dầu khí Việt Nam (PVOS) để đầu tư dự án Kho ngầm xăng dầu.

Tuy nhiên, đến ngày 14/10/2015, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1749/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, theo đó đã điều chỉnh thời gian xem xét đầu tư Nhà máy lọc dầu số 3 (hạng mục chính của KCN Dầu khí Long Sơn) qua giai đoạn sau năm 2030. Đây là nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến việc Dự án đến nay vẫn chưa được triển khai.

 Tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thế về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể năng lượng, giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến mở rộng/xây mới Tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu (1 - 3 dự án) với tổng công suất khoảng 15-20 triệu tấn/năm tại Khu vực Nam Trung Bộ/Đông Nam Bộ (Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu...) như vậy mục tiêu của Dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn là không thay đổi so với ban đầu.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã thông qua việc tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ từ 827,222 tỷ đồng lên 1.761,455 tỷ đồng để đảm bảo vốn đầu tư xây dựng dự án và năng lực tài chính theo quy định. Hiện Quy hoạch phát triển KTXH tỉnh BRVT thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở triển khai thực hiện dự án đầu tư và tăng vốn cho dự án.

Theo giới thiệu, trải qua nhiều năm hoạt động, PXL đã đạt được một số kết quả tích cực và khả quan trên các lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, Khu Đô thị và một số dự án bất động sản quan trọng khác tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An....

Được biết, trong giai đoạn chưa triển khai dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, PXL có triển khai dự án bất động sản chung cư Huỳnh Tấn Phát. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng góp vốn triển khai một số dự án khác như: khu dân cư thương mại Tương Bình Hiệp (tỉnh Bình Dương), dự án khách sạn Dầu khí Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh).