Công ty chứng khoán KB Việt Nam mới đây đã có báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2023 của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB).

Theo đó, lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm của VPB giảm 30,9%. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 17,1% YTD trong đó ngân hàng mẹ tăng trưởng 22,1% YTD. Thu nhập lãi thuần đạt 8.837 tỷ đồng, giảm 14,9% ; thu nhập ngoài lãi đạt 2.425 tỷ đồng, giảm 21,5% khiến TOI đạt 11.262 tỷ VND (giảm 16,4%). Trong kì, trích lập dự phòng đạt 4.950 tỷ đồng, giảm 23,7% theo quý và 8,7% theo năm.

NIM 9 tháng đầu năm đạt 5.49% giảm 21bps theo quý và 214bps theo năm do chất lượng tài sản đi xuống trong các quý gần đây cùng việc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ảnh hưởng đến lãi suất đầu ra bình quân trong khi chi phí vốn bình quân tăng do lãi suất huy động cao cuối năm 2022 đầu năm 2023. Tỷ lệ CASA có dấu hiệu phục hồi tốt, đạt 16,8%, tăng 184bps.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất đạt 5,74% (giảm 1,7 ppts) trong đó nợ nhóm 4 và 5 đều giảm mạnh lần lượt 54bps và 101bps. Trong kì, VPB tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đạt 5.867 tỷ đồng, tương đương với 4 quý trước đó.

Tuy nhiên chất lượng tài sản của ngân hàng mẹ vẫn chưa có sự cải thiện rõ ràng với tỷ lệ nợ xấu đạt 3,96%, tăng 8bps, chủ yếu ở nợ nhóm 4 tăng 31bps. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 dù đã giảm so với 2 quý tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao, đạt 7,59%. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 39,37%, khiến tạo áp lực trích lập dự phòng trong phần còn lại của năm cũng như năm 2024 tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, chất lượng tài sản của FE Credit được cải thiện mạnh mẽ với tỷ lệ nợ xấu ước tính đạt 18,98%, giảm 9,39 ppts. Trong đó nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều giảm mạnh lần lượt 3,84 ppts và 6,02 ppts. Theo quan sát của KBSV có khoảng hơn 4.000 tỷ đã được tất toán trong kỳ này. 

FE Credit (FEC) là công ty tài chính tiêu dùng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, FE Credit báo lỗ tới gần 3.000 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 144 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 15.917 tỷ đồng xuống còn 10.250 tỷ đồng.

NIM của công ty giảm về mức 16% từ mức 20,2% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ nợ xấu duy trì tăng nhẹ và đạt 30,3% tại cuối quý 2/20233. Dư nợ cho vay của FE cũng duy trì so với quý trước khi công ty quyết định giới hạn lại cho vay để tập trung hoàn toàn vào quá trình tái cấu trúc.

Hệ số Nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,02 lên 5,43 lần và dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 14,45% lên 23,41%. Nợ trái phiếu và Nợ phải trả của công ty lần lượt là 2.400 tỷ và 55.658 tỷ đồng. 
Theo ước tính của VnDirect, công ty này đã ghi nhận một khoản lỗ gần 2 nghìn tỷ trước thuế trong quý 2 năm nay, cao hơn một chút so với quý 1.

"Chúng tôi cũng cho rằng công ty sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ cho đến cuối năm nay, và kỳ vọng rằng công ty sẽ xử lý xong khoản lỗ chưa phân phối trong nửa cuối năm sau. Tựu chung lại, chúng tôi cho rằng FE vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng VPB có đủ nguồn vốn cũng như khả năng để tháo gỡ những khó khăn trong dài hạn, một khi ngành tài chính tiêu dùng cải thiện và các nỗ lực tái cơ cấu của ngân hàng thành công. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc sớm nhất trong năm nay và bắt đầu ghi nhận lãi trở lại từ năm 2024", VnDirect nhận định.