Ông chủ Tân Hoàng Minh chi hơn 1 tỷ USD mua lô đất 10.000 m2 ở Thủ Thiêm và sau đó bỏ cọc

Lô đất vàng cuối cùng được đấu giá ngày 10/12 thuộc về Công ty Ngôi Sao Việt, doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Mức giá "ông trùm" bất động sản này chi ra lên tới 24.500 tỷ đồng.

fb-img-1639150604019-1639151008-1639194637.jpg
Ông chủ Tân Hoàng Minh chi hơn 1 tỷ USD mua lô đất 10.000 m2 ở Thủ Thiêm

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt bắt đầu nhập cuộc với mức giá 9.000 tỷ đồng. Đây là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bất động sản Tân Hoàng Minh. Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này là người trực tiếp tham gia cuộc đấu giá và đưa ra mức giá. 

Ông Dũng thể hiện quyết tâm mua lô đất 3-12 khi đứng lên và liên tục đưa ra giá cao hơn mỗi khi có nhà đầu tư khác trả giá mà chưa cần đợi đấu giá viên mời đến lượt mình. Những phút cuối, cuộc đua chỉ còn lại hai nhà đầu tư gồm Ngôi Sao Việt và nhà đầu tư mang số thứ tự 13 là Công ty Cổ phần Capital One Financial. 

Tuy nhiên, trong khi đối thủ chỉ đưa giá với bước giá cao hơn 100 đến 200 tỷ đồng, ông Dũng thể hiện phong cách "phủ đầu" với bước giá 400-500 tỷ đồng. Ở lượt đấu thứ 69, Capital One Financial đặt mức giá 23.800 tỷ đồng. Lúc này, ông chủ Tân Hoàng Minh "tung đòn quyết định" khi ra giá 24.500 tỷ đồng, vượt xa mức giá của đối thủ. 

Cuối cùng, công ty của ông Đỗ Anh Dũng đã chính thức trở thành chủ nhân của lô đất vàng hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm với mức giá tương đương 1,1 tỷ USD, gấp 8 lần giá khởi điểm. Mức giá bình quân Tân Hoàng Minh đưa ra lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2.

Sau cuộc đấu giá, ông Đỗ Anh Dũng khẳng định Tân Hoàng minh sẽ xây dựng một dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại với tham vọng tạo ra một công trình kiệt tác tại TPHCM trên khu đất tại Thủ Thiêm vừa mua thành công.

Tuy nhiên sau hơn 1 tháng kể từ buổi đấu giá,  DN này bất ngờ bỏ cọc thông qua một “tâm thư” gửi đến các lãnh đạo cấp cao, trong khi các cơ quan trực tiếp liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm lại không được đề cập trong “tâm thư”.

Như vậy, Tân Hoàng Minh chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng đặt cọc, một con số không hề nhỏ.

Dự án tỷ đô ở Phú Quốc

Cũng mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD (tương đương 23.000 tỷ đồng) vào “tổ hợp quần thể du lịch không ngủ” tại đảo Ngọc – Phú Quốc. Dự án này có quy mô 34ha, nằm ngay tại trung tâm Bãi Trường – bãi biển đẹp nhất Phú Quốc và cách sân bay quốc tế Phú Quốc 10km. Tân Hoàng Minh cho biết, quần thể du lịch nghỉ dưỡng này gồm có hệ thống khách sạn 5 sao, 76 biệt thự, 129 căn shophouse và 15 tòa căn hộ khách sạn condotel (dự kiến 7.000 – 8.000 căn).

Lý giải về đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng ven biển lần này, đại diện Tân Hoàng Minh cho hay, doanh nghiệp này đã định vị được thương hiệu của mình trong lĩnh vực bất động sản hạng sang và bất động sản nhà ở tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ 2019 đến nay, Tân Hoàng Minh có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và mong muốn có thêm nhiều công trình nổi bật mang dấu ấn riêng. Do đó, tập đoàn đầu tư và phát triển mạnh vào mảng bất động sản nghỉ dưỡng.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh thành công được như ngày hôm nay nhờ vào công rất lớn của ông Đỗ Anh Dũng. Nhờ cách điều hành và các ý tưởng kinh doanh táo bạo, hiệu quả của ông Đỗ Anh Dũng, Tân Hoàng Minh đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản hạng sang.

Những bước đi đầu tiên của ông Đỗ Anh Dũng

Ông Đỗ Anh Dũng sinh ngày 30 tháng 07 năm 1961. Hiện tại, ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, ông còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt.

1-1635493309.jpg

Từ năm 1984 – 1986, ông Dũng làm việc tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước Hà Nội. Sau đó, ông được chuyển đến công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh và làm việc tại đó 3 năm.

Từ năm 1989 - 1993, ông công tác tại Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI với chức danh Phó Tổng giám đốc.

Ngày 14/06/1993, ông Đỗ Anh Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (nay là Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Thời gian đầu khi mới thành lập, Tân Hoàng Minh hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh vận tải hành khách công cộng, xây dựng,…

Năm 1995, ông Dũng bắt đầu xây dựng và kinh doanh vận tải hành khách công cộng với hệ thống Taxi V20. Thương hiệu Taxi V20 từng rất nổi tiếng trong những năm 2000, chiếm 20-25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang,…

Đến năm 1998, ông Dũng thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan này được xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý,… và mang lại nguồn lợi nhuận từ 35 triệu USD mỗi năm cho Tân Hoàng Minh.

Từ năm 2006 trở lại đây, nắm bắt được xu thế thị trường, ông Dũng định hướng cho Tân Hoàng Minh trở thành một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chú trọng vào thị trường bất động sản cao cấp.

Liều lĩnh chuyển đổi một cách có hiệu quả giúp Tân Hoàng Minh định vị thương hiệu trên thị trường bất động sản

2-1635672182.jpg

Việc ông Dũng từ bỏ Taxi V20 và Ratex để tập trung đầu tư vào bất động sản là một quyết định sáng suốt và mang lại nhiều thành quả rực rỡ cho Tân Hoàng Minh. Chia sẻ về yếu tố thành công trong quá trình kinh doanh bất động sản của mình, ông Dũng cho biết chỉ có đất đẹp, vốn mạnh thôi thì chưa đủ mà phải làm sao để tối đa hóa giá trị và lợi ích của khu đất. Điều này đòi hỏi một tầm nhìn xa và kinh nghiệm nhiều năm.

Về việc kinh doanh bất động sản, chủ tịch Tân Hoàng Minh cho rằng: “Các sản phẩm bất động sản cao cấp mà chúng tôi hướng đến đều phải hội tụ đủ 5 yếu tố: Vị trí đắc địa; Thiết kế, quy hoạch đồng bộ; Vật liệu và trang thiết bị sử dụng cao cấp; Chất lượng thi công và xây dựng hàng đầu; Dịch vụ quản lý sau bán hàng chuyên nghiệp để đem đến cho khách hàng những sản phẩm có giá trị thiết thực và xứng đáng với đồng tiền mà khách hàng đã bỏ ra”.

Ông Đỗ Anh Dũng cho biết, trong tương lai, Tân Hoàng Minh sẽ mang đến nhiều những sản phẩm bất động sản chất lượng tốt nhất và bền vững nhất cùng với triết lý kinh doanh: tiến độ, hiệu quả, bền vững, đam mê và hoàn hảo.

Ông Dũng còn chia sẻ thêm: “Song song với những dự án để đời, ghi dấu trong kiến trúc Hà Nội với số lượng sản phẩm mang dấu ấn riêng của Tân Hoàng Minh, tôi đã quyết định thay đổi để tạo bước tiến mới. Vẫn là những công trình chất lượng, đẳng cấp nhưng không chỉ giới thượng lưu mới có thể chạm tới, giờ đây sản phẩm của Tân Hoàng Minh sẽ dành cho mọi đối tượng khách hàng – những ai mong muốn được sở hữu một công trình cao cấp, chất lượng và giá thành hợp lý”

Không chỉ là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông Dũng còn được vinh dự nhận rất nhiều giải thưởng cao quý, Năm 2003, ông Đỗ Anh Dũng được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Doanh nhân trẻ Thăng Long” và “Doanh nhân trẻ tiêu biểu 2003”. Cùng năm này, ông cũng vinh dự được nhận giải thưởng Sao Đỏ

Năm 2004, Chủ tịch HĐQT của Tân Hoàng Minh được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen cho Cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, ông Dũng cũng đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt và giải thưởng Cúp vàng thương hiệu.

Mua được đất vàng do “lỡ lời”

Ngày 29/12/2016, tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết đã hoàn tất thủ tục theo quyết định 3877/QĐ-UBND để chính thức sở hữu khu đất 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du tại trung tâm quận 1. Ông Đỗ Anh Dũng chia sẻ dù mua dược khu đất vàng nhưng dưới góc độ kinh tế thì đây là một cuộc đấu giá thất bại.

Ông Dũng cho rằng giá thắng cuộc quá cao, Tân Hoàng Minh phải trả 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm 550 tỷ của lô đất 23 Lê Duẩn này. Với tư cách là một nhà kinh doanh, ông cho biết mức giá cao hơn 10-20% giá khởi điểm là mức giá hợp lý. Bởi vì ngoài chi phí xây dựng và đất đai, một dự án bất động sản còn phải chịu khoản chi phí lãi vay rất lớn.

Hiểu về chi phí của hoạt động kinh doanh bất động sản như vậy, nhưng chủ tịch của tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn chấp nhận trả cái giá cao đến như vậy. Ông Dũng tâm sự: “Là một cuộc đấu giá…trót thắng. Thực tế trong bối cảnh các đại gia ngồi với nhau, ai cũng có chút bốc đồng dẫn đến quá đà”.

3-1635493523.jpg

Nhưng không vì phút bốc đồng ấy mà ông Dũng “bỏ của chạy lấy người”. Trên thực tế, Tân Hoàng Minh đã hoàn tất các thủ tục trả tiền để sở hữu khu đất. Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh quyết tâm giữ chữ tín cũng như giữ vững hình ảnh cho công ty. 

Không lâu sau đó, Tân Hoàng Minh đã có một cuộc chuyển giao lô đất vàng này cho Techcombank với số tiền xấp xỉ mà Tân Hoàng Minh đã chi để có được lô đất. Hiện tại, trụ sở thứ 2 của Techcombank đang được xây dựng trên khu đất 23 Lê Duẩn này.

Chuỗi gian nan trong quá trình kinh doanh bất động sản

Trong suốt cả quá trình kinh doanh bất động sản của mình, doanh nhân Đỗ Anh Dũng đã gặp không ít khó khăn. Có thể kể đến dự án mất 14 năm mới giải phóng được mặt bằng và hoàn thiện pháp lý. 

Năm 2007, Tân Hoàng Minh có mua được một khu đất cách hồ Gương 100m. mảnh đất tuy nhỏ nhưng nằm ở vị trí “kim cương” của trung tâm thành phố. Đa số phần diện tích đất không bị vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa nhưng phần đất còn lại của các hộ dân phải mất đến 4 năm mới giải phóng xong. Ông Dũng kể lại: "Chỉ có 293m2 nhưng tôi trả 265 tỷ đồng, tức gần 1 tỷ đồng/m2. Cuối cùng, vẫn phải có 500 công an đến cưỡng chế mới giải phóng xong mặt bằng". 

Nhưng đó chỉ là khởi đầu, để có được quyết định giao đất, ông Dũng phải mất thêm 4 năm nữa, phần lớn là tốn thời gian ở khâu tính tiền sử dụng đất. Ông Dũng nói: "Có vô vàn lý do, nhưng lý do gì thì cán bộ tính tiền sử dụng đất vẫn phải chịu trách nhiệm, không thể để một miếng đất 14 – 15 năm không làm xong thủ tục".

1-1635672182.jpg

Doanh nhân Đỗ Anh Dũng còn khẳng định tiến độ các dự án sẽ được đẩy nhanh hơn nếu không có vướng mắc pháp lý. Ông chia sẻ: "Tại sao đất đẹp mà tôi không xây, vì có ai cho tôi xây đâu, có giấy phép đâu. Giấy phép phụ thuộc vào việc tính tiền đất, không nộp tiền đất cho nhà nước thì làm sao có giấy phép được".

Ông Dũng cho rằng lý do giá nhà đất ở Việt Nam tăng cao một phần là do vấn đề thủ tục, nhà đầu tư sẽ phải tính thêm phần chi phí đó vào giá thành của sản phẩm. Ông cũng đề xuất Chính phủ, các địa phương rút ngắn các thủ tục dự án để có thể đẩy nhanh tiến độ và đem đến những sản phẩm chất lượng với mức giá phù hợp.

Gia đình với nhiều thế hệ F1 tài năng

Vợ của ông Đỗ Anh Dũng là bà Nguyễn Thị Hồng Phúc, đã mất vào năm 2005 vì căn bệnh hiểm nghèo. Ông Dũng còn có 3 người con rất tài năng và nổi tiếng.

5-1635493800.jpg

Người con đầu của ông Dũng là Đỗ Hoàng Minh, hay còn được gọi với cái tên Denis Do. Minh tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại đại học Sorbonne, Pháp. Ngoài ra, anh còn có bằng MBA về quản trị tài chính tại New York, Mỹ. Sau khi du học tại nước ngoài, cậu cả của ông Dũng về nước phụ giúp công việc kinh doanh tại Tân Hoàng Minh. Hiện tại, anh đang giữ vị trí Giám đốc kinh doanh tại tập đoàn đồng thời kiêm nhiệm chức danh Giám đốc điều hành văn phòng đại diện ở Singapore của Tân Hoàng Minh.

Người con thứ hai của ông là Đỗ Hoàng Việt. Hoàng Việt có thành tích học tập rất xuất sắc. Với điểm trung bình (GPA) tuyệt đối 4.0, anh là một trong hai du học sinh có tên trong “President’s list” của đại học Berkeley College, New York, Mỹ. Ngoài ra, Hoàng Việt còn tốt nghiệp đại học New York với chuyên ngành Đầu tư bất động sản. Năm 2018, sau khi về nước, anh tham gia vào tập đoàn Tân Hoàng Minh với vị trí Giám đốc ban Marketing – Truyền thông.

Người con út của chủ tịch Tân Hoàng Minh là Anh Sa. Cô là con gái của ông Dũng và hoa hậu đền hùng Giáng My. Anh Sa hiện đang học tại Đại học Lehigh, Philadelphia, Mỹ với chuyên ngành Marketing. Dự kiến sau khi tốt nghiệp, cô sẽ về nước và làm việc trong tập đoàn của gia đình.

*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.

Nguyên Thảo