Sau 5 năm nằm im, dự án sânbay Phan Thiết đã được tái khởi động. Cụ thể từ tháng 8, Tập đoàn Rạng Đông đã khởi công xây dựng đoạn đường khoảng 1 km từ trung tâm sân bay Phan Thiết dự kiến kết nối với trục đường chính Võ Nguyên Giáp. Hiện các hạng mục cơ bản đã hoàn tất giai đoạn một, chỉ chờ rải nhựa.

Rạng Đông Group là doanh nghiệp được Bình Thuận chọn làm đơn vị đầu tư hạng mục hàng không dân dụng tại dự án cảng hàng không Phan Thiết theo hình thức BOT. Tại thời điểm này, dự kiến sân bay có quy mô 543 ha và tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Sân bay Phạn thiết đựợc xem là một trong những dự án lớn của Rạng Đông Group và khiến tên tuổi tập đoàn này vượt ra khỏi địa bàn tình Bình Thuận, được biết đến nhiều hơn trên thương trường.

Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030.

Sân bay Phan Thiết

Để đáp ứng chiến lược này, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng Phan Thiết. Trong đó, trước mắt Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

‘Chaebol’ của Bình Thuận

Tại Bình Thuận, Rạng Đông Group được xem là một ‘chaelbol của địa phương này khi hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và đóng góp lớn vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh này.

Trong lĩnh vực xây lắp, CTCP Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài, bắt đầu thu phí từ tháng 5/2004 và dự kiến kéo dài tới tháng 10/2021. Tuy nhiên, công ty này đã xin dừng thu phí trước hạn 4 năm.
Công ty con của CTCP Rạng Đông là Công ty TNHH MTV XDCB Rạng Đông cũng là một trong những nhà thầu lớn tại địa phương.

Gần nhất, công ty này đã trúng - rất sát giá - gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình (không bao gồm phần lắp đặt điều hòa) thuộc dự án “Xây dựng mới Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận” với giá trúng thầu là 100,36 tỷ đồng (giá gói thầu 100,52 tỷ đồng). Ngoài ra, Rạng Đông Group còn thi công các dự án khác, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố biển như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…

Rạng Đông Group có trụ sở tại hai mặt tiền đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Cư Trinh, TP Phan Thiết. 

Trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông Group là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết); Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.

Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); Khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).

Hiện Rạng Đông Group đang xin gia hạn mỏ khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 nhằm cung cấp nguồn vật liệu san lấp để cung cấp cho các dự án tuyến đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Dầu Giây – Phan Thiết) và dự án sân bay Phan Thiết.

Ngoài ra, "hệ sinh thái" Rạng Đông Group còn nhiều cái tên khác đáng lưu ý như: Công ty TNHH MTV Sealinks City, Công ty Khu nghỉ mát Phan Thiết, CTCP Khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Phúc, Công ty TNHH Tư vấn tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, Công ty TNHH B.O.T Cảng hàng không Phan Thiết, CTCP Đầu tư tổng hợp Long Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại Quang Minh., Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, CTCP Tổng hợp Sunrise.



Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City
Không chỉ bành trướng về quy mô, kết quả kinh doanh của những công ty thành viên của Rạng Đông Group cũng rất tốt khi đều đặn thu về hàng nghìn tỷ doanh thu và báo lãi trăm tỷ đồng mỗi năm.

Có thể kể đến như CTCP Rạng Đông. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuận đạt 1.831,75 tỷ đồng, đồng thời báo lãi thuần 311,98 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29,1% và 131% so với năm 2018. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của CTCP Rạng Đông đạt tới 6.151,11 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu cũng lên tới 3.468,5 tỷ đồng.

Một cái tên khác cũng rất đáng chú ý là Công ty Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết (Du lịch biển Phan Thiết). Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.747 tỷ đồng và báo lãi thuần 319,19 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận thuần đạt tới 18,2%. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của Du lịch biển Phan Thiết đạt tới 3.636,26 tỷ đồng.
 

Cổ đông kín tiếng của VietAbank

CTCP Rạng Đông (Rạng Đông Group) bắt đầu được biết đến là cổ đông lớn, nắm giữ 9,34% cổ phần Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) từ cuối năm 2015. Trên giấy tờ, số lượng cổ phiếu nắm giữ khi đó của Rạng Đông Group chỉ đứng ngay sau CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group). Dù vậy, dấu ấn của “tay chơi” này khá mờ nhạt.

Bởi lẽ, mỗi khi nhắc tới VietABank, người ta thường nhớ đến vị Chủ tịch Phương Hữu Việt và nhóm Việt Phương Group. Nhìn vào cái cách vị doanh nhân quê Lương Tài, Bắc Ninh ngồi ghế Chủ tịch VietABank từ năm 2011 đến nay, tầm ảnh hưởng của Việt Phương Group tại nhà băng tư nhân bí ẩn bậc nhất hệ thống nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở mức cổ đông lớn.

VietABank từng ghi nhận sự hiện diện của không ít “tay chơi” giàu tiềm lực, ví như: CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – Mã CK: HPX) hay CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (Hòa Bình Development) – thuộc nhóm Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan.

Nhưng việc đồng hành và tiếp tục rót vốn vào VietABank thì không phải “tay chơi” nào cũng làm được. Điều ấy được thể hiện qua đợt tăng vốn vào nửa đầu năm 2020 của nhà băng này sau nhiều lần lỡ hẹn trước đó.

Cụ thể, VietABank đã chào bán 150,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:43 nhưng chỉ phân phối được 97,36 triệu cổ phiếu (chiếm 64,699%).
Sau đợt phát hành, các cổ đông lớn trên sổ sách của VietABank bao gồm: Việt Phương Group (12,14%), Rạng Đông Group (10,45%) và ông Phương Hữu VIệt (5,06%).
Ngân hàng Việt Á được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở là tổ chức hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam lâu năm với nền tảng chính là công ty cổ phần Sài Gòn và ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đà nẵng.
Hiện tại Việt Á có vốn điều lệ của ngân hàng là 4.474 tỷ đồng. Trong năm 2020, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 85.079 tỷ đồng (tương đương tăng thêm 8.554 tỷ đồng tức khoảng 11%); Lợi nhuận trước thuế đạt 405 tỷ đồng (tăng hơn 47% so với năm 2019)...

Chân dung ông chủ kín tiếng Nguyễn Văn Đông

Người sáng lập và Chủ tịch của Tập đoàn Rạng Đông là ông Nguyễn Văn Đông. Ông Đông sinh năm 1962, tại Mộ Đức, Quãng Ngãi trong một gia đình nghèo khó với 6 anh chị em.

Quá trình khởi nghiệp và thành danh tại Bình Thuận của ông bắt đầu với công trình đầu tiên là thi công đường ống dẫn nước tại Tánh Linh có số vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn 36 triệu đồng. Lúc đó công ty của ông có tên là Tổ hợp Xây dựng số 04, được thành lập vào năm 1991 với qui mô lao động chỉ 5 người. Khi mới thành lập, trụ sở đầu tiên được đặt tại xã Măng Tố, tỉnh Bình Thuận.

Chân dung ông Nguyễn Văn Đông

Do thiếu kinh nghiệm quản lí, dự án đầu tay này đã khiến ông lỗ hơn 1 triệu đồng- số tiền tương đối lớn vào đầu những năm 1990 - nhưng đó là bài học quý giá, mở ra một loạt cơ hội cho Nguyễn Văn Đông khi Bình Thuận bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cũng như tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Nhờ chữ tín, Nguyễn Văn Đông đã nhận được nhiều hợp đồng xây dựng, thậm chí có thời điểm làm không hết việc. Năm 1994, Nguyễn Văn Đông chuyển cơ ngơi của mình ra thành phố Phan Thiết và thành lập nên Xí nghiệp Xây lắp Rạng Đông, bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động không những trên lĩnh vực xây dựng mà còn là vật liệu xây dựng, xây dựng khu công nghiệp, khai khác khoáng sản, trồng rừng, nội thất với 120 lao động.

Một trong những bước ngoặt lớn nhất thay đổi diện mạo Rạng Đông là khi thực hiện dự án Trồng rừng chắn cát ở bãi biển Mũi Né vào năm 1997. dự án này biến vùng đồi cát hoang sơ, cằn cỗi trở thành những cánh rừng xanh ngút ngàn và thành đất vàng phát triển du lịch. Một phần dự án trên được Tập đoàn Rạng Đông đầu tư phát triển, hình thành Sea Links City diện tích 154 ha. Hiện tại Seal Links là tổ hợp du lịch nghĩ dưỡng lớn nhất ở Bình Thuận, là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn cho tỉnh cũng như là nơi trú chân của các đoàn khách quốc tế.

Máu mạo hiểm của Nguyễn Văn Đông chưa dừng lại ở đó. Năm 2014, dư luận một lần nữa hoang mang khi ông chủ kín tiếng của Rạng Đông quyết định đóng cửa sân golf Phan Thiết mà ông đã tốn hàng chục triệu USD mua lại từ tay của tỷ phú Mỹ Larry Hillblom và đổi thành dự án Đô thị đa chức năng Phố Biển Rạng Động có vị trí đắc địa bậc nhất ở TP Phan Thiết.

Năm 2013, Nguyễn Văn Đông cũng khiến nhiều người bất ngờ khi chi ra 15 triệu USD để thâu tóm nhà máy sản xuất rượu vang khá nổi tiếng là Napa Valley (California, Hoa Kì). Sau đó, ông đã mang các sản phẩm rượu vang này về Bình Thuận và xây dựng nên tòa lâu đài rượu vang RD – một trong những điểm du lịch nổi tiếng ngày hôm nay ở Mũi né.

Lâu đài rượu vang
Từ một chàng thanh niên học việc ngày này, ngày nay tập đoàn Rạng Đông của Nguyễn Văn Đông đã trở thành một tập đoàn hùng mạnh với 10 thành viên. Tổng số nhân viên hơn 4.000 người với doanh thu mỗi năm lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Cập nhật tại ngày 24/6/2019, CTCP Rạng Đông có quy mô vốn điều lệ lên tới 1.804 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Đông góp 1.749,88 tỷ đồng, sở hữu tới 97% vốn điều lệ. Chỉ sau đó vài tháng, CTCP Rạng Đông tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 2.435,65 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật được đổi sang cho Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Lân (SN 1977).

Quy mô của CTCP Rạng Đông nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Bởi, cập nhật đến ngày 30/6/2020, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên tới 3.137,9 tỷ đồng.