
Tiểu sử Hoàng Tuấn Anh. Trở thành triệu phú trong 6 tháng và trắng tay chỉ sau 5 tiếng đồng hồ
Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1985 - theo báo vnfinance), học tập và làm việc tại Úc từ khi 15 tuổi. Với niềm đam mê kinh doanh, ngay khi còn học đại học, anh đã bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Vượt qua nhiều khó khăn, sau thời gian dài dành dụm, tiết kiệm, anh tích lũy được số vốn nhỏ và đầu tư toàn bộ vào thực hiện dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân, theo chủ trương của Chính phủ Úc.
Anh dự tính tham gia khoảng 1,5 năm thay vì 2 năm theo chương trình, nhưng không ngờ.....
Chỉ đến 12 giờ trưa ngày 19/2/2010, chính phủ Úc thông báo còn 5 tiếng nữa chương trình lắp tấm cách nhiệt sẽ dừng lại, kết thúc đột ngột trước hạn 1 năm.
“Lúc đó, tôi như té ngửa, 50 container tấm cách nhiệt đang từ vàng biến thành rác, chưa kể để đổ bỏ còn phải tốn 2.000 đô la Úc mỗi container. Tôi khủng hoảng tột độ khi thành triệu phú trong sáu tháng và trắng tay chỉ trong 5 tiếng đồng hồ.” – Anh Hoàng Tuấn Anh kể lại.
Thiệt hại lúc ấy quá nặng nề, bởi ngoài vốn liếng đã đổ vào nhập nguyên liệu, anh còn phải chịu thêm chi phí tiêu hủy khoảng 2.000 USD/container. Trong 5 giờ đồng hồ, anh chẳng còn gì trong tay… thế là hết!
Phá sản, những hào quang lấp lánh giờ đây trở thành cơn ác mộng với chàng trai trẻ 24 tuổi. Anh muốn kết thúc cuộc đời mình để chấm dứt những khủng hoảng và để không phải liên lụy đến bất kỳ ai. Vào lúc định chấm hết mọi thứ, mẹ anh gọi, bà nói: “Nếu con cần gì thì mẹ sẽ giúp, mẹ luôn ở bên con”.
Cuộc gọi và câu nói của mẹ như bàn tay kéo Tuấn Anh ra khỏi suy nghĩ tiêu cực, vực anh dậy để bình tĩnh giải quyết mọi khủng hoảng và sẵn sàng bắt đầu với những cơ hội mới. Tuấn Anh cho biết, dù chỉ mấy lời ngắn gọn nhưng chính nhờ khoảnh khắc đó anh mới được như ngày hôm nay.
“Đó là lý do vì sao tôi luôn muốn sống như mẹ mình. Chỉ khi chạm ngõ thiên đường rồi té ngã, người ta mới thấu được cảm giác hạnh phúc khi có bàn tay chìa ra với mình. Ai đang trong cảnh khốn cùng, cần một bàn tay, thì có tôi nguyện nắm lấy, giúp họ vượt qua nghịch cảnh.” – Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.
Sau 10 năm học tập và kinh doanh ở nước ngoài, anh quyết trở về quê hương theo đuổi nghề sản xuất khóa cửa điện tử thông minh và mô hình nhà thông minh.
Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh - PHGLock
Năm 2010, khi còn du học bên Australia, nhìn mẹ khó khăn trong việc quản lý an ninh phòng trọ gia đình cũng như nghe tin chị gái mất tiền trong phòng riêng, Tuấn Anh đã suy nghĩ đến ý tưởng kinh doanh khóa điện tử.
“Phòng riêng là không gian riêng tư của mỗi người, việc khóa cửa rất quan trọng. Nhưng nếu liên tục đi ra đi vào và phải cầm chìa thì quá bất tiện. Tôi cứ nghĩ về giải pháp nào thuận tiện nhất để phòng riêng có tính bảo mật như chiếc két sắt vậy”, anh chia sẻ.

Từ suy nghĩ đem lại cảm giác an toàn cho người thân, Tuấn Anh bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra thương hiệu khóa điện tử của Australia - PHGLock và nhen nhóm ý định mang mặt hàng này về Việt Nam.
Qua tìm hiểu thị trường, Tuấn Anh biết rằng, với người tiêu dùng Việt, chiếc khóa cơ là vật không thể thay thế trong gia đình. Trong khoảng 5-7 năm trở về trước, thị trường khóa điện tử ở Việt Nam mới bắt đầu nhen nhóm, nhưng chủ yếu là đến từ các thương hiệu nước ngoài. Sản phẩm còn mới và cách làm thị trường không bài bản nên chưa có tên tuổi nào vươn lên nổi trội.
“Bán khóa điện tử ở Việt Nam khi đó cũng tương tự việc mang giày sang châu Phi trong khi người dân chưa có thói quen mang giày”, Hoàng Tuấn Anh ví von. Bên cạnh những khó khăn ở một thị trường còn quá mới, anh cũng nhận định, cơ hội sẽ rộng mở cho những người đi đầu và có chiến lược rõ ràng.
“Hiện nay, thị trường khóa điện tử chỉ chiếm chưa tới 1% so với khóa cơ. Tôi tin rằng, tại Việt Nam vài năm tới thị trường khóa điện tử sẽ bùng nổ và chiếm 20-30% thị trường khóa nói chung. Trong vòng 10 năm nữa, thị trường khóa điện tử tại Việt Nam cũng phổ biến như tại Hàn Quốc”, Tuấn Anh khẳng định.
Trong 3 năm đầu, PHGLock tập trung xây dựng hệ thống bán hàng và trung tâm dịch vụ bảo hành, đào tạo nhân viên bán hàng, tư vấn chuyên nghiệp. Mãi đến 2013, Vũ Trụ Xanh mới chính thức bán hàng.
Trong năm 2016 và nửa đầu 2017, PHGLock liên tục trúng thầu lắp đặt hệ thống khóa điện tử cho rất nhiều dự án chung cư lớn trên khắp cả nước, có những dự án lên tới 5.000 căn hộ chung cư.
Bên cạnh mảng chung cư, phân khúc khách sạn cũng là một ngách chiến lược của vị CEO trẻ tuổi. Trong năm 2016, có khoảng 10 triệu khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam, dự kiến con số này sẽ tăng lên 13 triệu trong năm 2017.

“Có nhiều khu chung cư, ban đầu chỉ có một căn hộ lắp khóa điện tử của PHGLock nhưng sau vài tháng thì cả tầng đều sử dụng khóa PHGLock. Nhiều khách sạn ở khắp các vùng miền trên cả nước cũng vậy”, Tuấn Anh cho biết.
Hồi tháng 9/2019, anh Tuấn Anh cũng đã xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 3. Anh là nhà sáng lập, đồng thời nắm 98% cổ phần của công ty Rubik Zoo.
Sau Tết Nguyên đán 2020, trong nước và cả trên thế giới, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, từ lãnh đạo TP HCM, Hoàng Tuấn Anh không ngần ngại, "xuất kho" góp hơn 100 chiếc chuông cửa camera - là sản phẩm của công ty - cho bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, bệnh viện dã chiến huyện Cần Giờ và Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh...
Theo Hoàng Tuấn Anh, việc tặng những thiết bị thông minh có thể giúp các y, bác sĩ - những người đang ở tuyến đầu - hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân có khả năng lây nhiễm.
Ít ai biết đây chính là ông chủ doanh nghiệp đã thuê chuyên cơ, tài trợ toàn bộ vé máy bay, vé xem trận chung kết và chi phí ăn uống cho 200 người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Tâm huyết giúp người nghèo mùa dịch
Dịch Covid-19 ngày càng lan rộng. Doanh nghiệp của chính anh cũng phải gồng mình từng ngày để vượt khó. Nhưng với suy nghĩ: "một miếng khi đói bằng gói khi no"; trong thời buổi muôn trùng khó khăn bao vây cuộc sống cộng đồng, mỗi người phải làm việc gì đó - dù nhỏ - để giúp đời, giúp người.
Qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Hoàng Tuấn Anh quyết định "tận dụng những thứ mình đang có" để tạo nên cây ATM gạo "đình đám" đầu tiên trong cả nước.
Ngay khi cây "ATM gạo" ra đời, thu hút sự chú ý của báo chí, của dư luận xã hội thì có nhiều ý kiến cho rằng "ông này chắc giàu có lắm" hoặc "ông này làm màu, đánh bóng tên tuổi"...
Chiếc máy ATM được anh Tuấn Anh tận dụng máy móc có sẵn của công ty để chế tạo. Máy hoạt động như cây ATM chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra. Mỗi lần được 1,5 kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.

“Nếu bạn khó khăn, xin hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”, Tuấn Anh viết vậy để chia sẻ với sự thấu hiểu của mọi người, nhìn vào hoàn cảnh người xung quanh để hành động.
Đến tháng 8/2021, tiếp nối thành công của ATM gạo, ATM khẩu trang, Hoàng Tuấn Anh cho ra mắt ATM oxy với thông điệp “Trao oxy – nối dài sự sống”.
ATM Oxy cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị Covid-19 sớm hồi phục.
Cùng với đội nhóm PHG Smarthome - Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Thành đoàn TP.HCM, Tuấn Anh tổ chức cây ATM này nhằm cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ của cho hệ thống bệnh viện, giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục.
Anh cho biết, lúc trước, công ty của anh thường phân bổ tài chính theo hai phần:
●Nguồn thu từ phân phối khóa điện tử và tòa nhà thông minh chiếm 50%.
●Nguồn để phòng ngừa rủi ro khi khủng hoảng (tài chính, bất động sản, thiên tai).
Công ty đã vượt qua rất nhiều khủng hoảng:
●Khủng hoảng kinh tế 1997,
●Dịch bệnh SARS năm 2007.
●Bất động sản năm 2010.
Dù đợt dịch Covid đã làm công ty cạn kiệt, anh đã phải bán nhà và cầm cố tài sản làm vốn lưu động để trả lương nhân viên, nguồn thu giảm khoảng 50%, nhưng anh vẫn sống được.
“Công ty còn sống, mọi người vẫn có việc để làm, rồi doanh nghiệp sẽ có thể phục hồi. Tiền thì lúc nào kiếm cũng được. Tôi chỉ mong đủ sức để tiếp tục cùng mọi người vượt qua đại dịch. Còn người là còn tất cả mà.” – Vị doanh nhân chia sẻ đầy lạc quan.