Gần đây công chúng mới bất ngờ khi biết nữ doanh nhân giỏi giang Đào Lan Hương chính là vợ của Shark Bình. Nổi tiếng trên các diễn đàn doanh nhân không kém chồng nhưng Đào Lan Hương và ông xã hầu như không đề cập gì về nửa kia.
Shark Bình có một người vợ rất tài giỏi nhưng anh không bao giờ khoe khoang về Lan Hương. Anh hầu như chưa bao giờ chia sẻ về vợ mình trước truyền thông.
Vợ Shark Bình đang là Chủ tịch hội đồng quản trị của một học viện về công nghệ, đồng thời là Phó chủ tịch của tập đoàn công nghệ mà chồng đứng đầu. Cô còn là giám đốc điều hành một tập đoàn chuyên hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn chia sẻ về chuyện cân bằng giữa công việc, gia đình, nữ CEO đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Nhìn chung, khó khăn đối với các nữ lãnh đạo là họ phải luôn cố gắng giữ cân bằng giữa công việc và gia đình, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp đang xây dựng và tăng tốc nhanh thì càng khó đạt được tất cả. Vì vậy, tôi tin rằng các nữ lãnh đạo đã và phải làm việc gấp nhiều lần nam giới.
Tuy nhiên, phụ nữ cũng có ưu điểm là tỉ mỉ, kỹ lưỡng, tinh tế, nhạy bén trong các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau nên các mối quan hệ nội bộ có xu hướng khăng khít và bền vững hơn.
Trong nhiều lĩnh vực, số lượng phụ nữ tham gia đông hơn và sự hiểu biết của họ về thị trường nhìn chung cũng cao hơn nam giới như giáo dục, y tế, sắc đẹp... Vì vậy, nếu biết cách sử dụng và cải thiện thì đây chính là lợi thế của phụ nữ so với nam giới.
Dưới đây là bài phỏng vấn Đào Lan Hương được đăng trên trang tin cafef:
Trong làn sóng khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ giai đoạn 2000 – 2005 tại Việt Nam, những cái tên phát triển tốt nhất đến bây giờ có thể kể đến là VNG, VCCORP, Nexttech… Người ta thường nhắc đến Nguyễn Hòa Bình , nay nổi tiếng hơn với tên gọi Shark Bình , trong vai trò sáng lập ra Nexttech. Nhưng người Co-founder cùng Shark Bình – bà Đào Lan Hương cũng chính là một chiến binh "máu mặt" trong làng khởi nghiệp thời kỳ đó.
Năm 2016, Đào Lan Hương sang Trung Quốc tham gia hội chợ về giáo dục công nghệ.
"Tôi đã vô cùng choáng ngợp vì nó quá hoành tráng. Thực sự người Trung Quốc đã đi trước chúng ta rất nhiều" - Ở tuổi 40, Đào Lan Hương khởi nghiệp một lần nữa với khát vọng "không để thế hệ mầm non bị lạc hậu".
Cách đây 20 năm, chị và đội ngũ Nexttech khởi nghiệp như thế nào?
Chúng tôi quen nhau khi sinh hoạt ở Trung tâm tài năng trẻ của FPT. Sở hữu nhiều giải thưởng công nghệ dành cho sinh viên, chúng tôi nhận được yêu cầu, thậm chí "nhờ" làm phần mềm. Rồi cơ hội cứ đến dần.
Số tiền kiếm được ban đầu cũng nhỏ thôi. Nhưng sau này, chúng tôi kí hợp đồng lớn tới vài trăm triệu đồng để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức. Với sinh viên số tiền ấy lớn lắm. Và cứ như thế, chúng tôi dần dấn thân theo con đường công nghệ.
Ban đầu cứ có việc mọi người mới tụ tập cùng làm rồi ăn chia. Công ty lập ra cũng chỉ vì lý do rất buồn cười là muốn hợp thức hóa đơn đỏ xuất cho khách hàng.
Chúng tôi làm việc trong tình trạng chẳng có văn phòng, đến máy tính cũng phải tranh thủ dùng miễn phí ở chỗ Trung tâm tài năng trẻ, con dấu đỏ thì hễ anh Bình (Shark Bình) đi tới đâu sẽ mang theo tới đó… nhưng vẫn rất vui vẻ.
Khi mọi người lần lượt ra trường, chúng tôi mới nghiêm túc nghĩ về tương lai. Tôi, anh Bình và anh Tuất (Nguyễn Hữu Tuất – CEO FastGo) gom góp được hơn 20 triệu đồng và xông pha hết sức theo kiểu rất AQ là không thành công thì cũng thành nhân.
Sau này để xây dựng công ty phát triển là cả hành trình dài cực kỳ vất vả. Thành công không dễ dàng và mọi việc chẳng hề màu hồng như mình đã nghĩ. Nhưng tới giờ nhớ lại, giai đoạn đầu khởi nghiệp vẫn là những ngày tháng hân hoan, hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng tôi.
Sự vất vả mà chị vừa nói rốt cuộc là những gì?
Hồi ấy ở Việt Nam làm gì có khái niệm vườn ươm, làm gì có các chương trình xúc tiến khởi nghiệp, người hướng dẫn, cố vấn… Mọi việc đều tự loay hoay mà xử lý.
Nhóm chúng tôi còn quá trẻ, cùng nhau khởi nghiệp khi chưa từng đi làm, tích luỹ kinh nghiệm. Vẻ mặt "non choẹt" cũng là khó khăn vô cùng lớn khi chúng tôi đi làm việc, thuyết phục đối tác. Một cô sinh viên như tôi phải đứng lên điều hảnh cả người đi làm cũng là một thách thức.
Năm 2004, IDG trở thành Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên vào Việt Nam. Lúc ấy, tôi có lẽ là người đầu tiên viết Pitch Deck và kế hoạch kinh doanh đề xuất đầu tư thành công. Mặc dù lúc còn là sinh viên thì không có ai dạy tôi phải viết những thứ đó như thế nào. Ngay đến cả khái niệm KPI là gì tôi còn không biết. Mọi thứ đều phải tự học.
Suốt 10 năm đầu chúng tôi kinh doanh không có lãi. Doanh nghiệp đơn thuần nhận vốn đầu tư, bơm tiền chạy số với mục tiêu đứng số 1, số 2 thị trường. Tiền làm ra cũng chẳng thể tích lũy vì phải ưu tiên trả lương cho nhân viên. Có những lúc trong túi lãnh đạo như tôi còn chẳng có một xu nào. Cuộc sống lúc ấy chủ yếu là sáng tôi đi làm, tối lại về nhà ăn cơm mẹ nấu (cười).
Startup dù còn nghèo nhưng ước mơ của chúng tôi khi ấy rất to lớn. Chúng tôi muốn làm thương mại điện tử. Nhìn ra thế giới thấy eBay đang đứng số 1. Và chúng tôi mơ ngày nào đó sẽ trở thành eBay phiên bản Việt.
Khi được IDG rồi sau này là Softbank, eBay rót vốn thì tất cả đội ngũ đều rất tự hào. Đó đều là những quỹ lớn và họ chắp cánh cho mình không chỉ về tiền bạc mà còn cả kinh nghiệm làm ăn. Lúc ấy, chúng tôi có niềm tin bất tận rằng ngày mai sẽ là ngày rực rỡ, ngày mai mình sẽ là eBay thứ 2 trên thế giới.
Nhưng sự thật những gì xảy ra sau đó đã chứng minh: mọi chuyện không đơn giản như thế!
Nghe nói ngay cả khi gọi vốn thành công, chị vẫn từng có vài lần phải cầm cố cả sổ đỏ của gia đình?
(Cười) Giai đoạn đầu khởi nghiệp ít vốn nên có 2-3 lần như vậy. Lúc đó tôi chưa có nhà nên phải đem cầm cả sổ đỏ của bố mẹ. Anh Bình cũng thế. Có lúc chị gái tôi còn phải đứng ra vay giúp.
Nhưng chúng tôi không suy tính nhiều. Tôi chỉ biết đó là việc phải làm. Chúng tôi rất cần tiền để trả lương cho anh em.
May mắn là dù gia đình tôi hay những người cộng sự đều rất bình thường nhưng bố mẹ đều ủng hộ và chấp nhận hy sinh vì con cái. Nhờ có lòng tin của họ mà chúng tôi mới đi đến ngày hôm nay.
Tất nhiên, cắm nhà như thế là rất liều. Nhưng thực ra lúc ấy chúng tôi cũng đã nhìn thấy cơ hội sắp nhận được đầu tư. Trong giai đoạn đàm phán hoặc chờ vốn, chúng tôi phải xoay xở. Tôi nghĩ startup nào cũng vậy thôi.
Nỗ lực nhiều như thế vì mục tiêu muốn thành eBay phiên bản Việt, chị đã ra sao vào thời điểm eBay rút khỏi Việt Nam, ngừng đầu tư khiến công ty chị buộc phải giảm từ 500 xuống còn hơn 100 nhân sự?
Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, mọi chuyện xảy ra đều là phước báu trong cuộc đời. Chuyện eBay rời đi cũng giống như "Tái Ông Thất Mã". Nó giúp chúng tôi tỉnh mộng!
Đầu tiên, chúng tôi nhận ra thương mại điện tử chỉ là cuộc chơi của giới "con nhà giàu". Số vốn eBay đầu tư cho chúng tôi khoảng 2 triệu đô thật quá nhỏ bé so với hàng tỷ đô mà Lazada nhận được ngay khi tiến vào thị trường Việt.
Hồi đó thanh toán điện tử chưa phát triển nên sàn thương mại chủ yếu là rao vặt. Tiền kiếm về rất ít nhưng vốn bỏ ra lại quá lớn để "nuôi" nhân sự và mở rộng hệ thống. Ngay cả bây giờ khi nền tảng công nghệ và thanh toán trực tuyến cho phép sàn thương mại phát triển thuận lợi hơn thì nó chính xác vẫn là cuộc chơi đốt tiền theo kiểu "winer take it all" (ai thắng sẽ chiếm cả thị trường).
Khi eBay rời đi, chúng tôi mới thực sự biết mình cần bỏ đi những gì và tập trung vào cái gì. Trước kia, chúng tôi vận hành theo kiểu bơm tiền chạy số, không bận tâm nhiều đến lợi nhuận thì lúc ấy đã bắt đầu nhìn lại. Chúng tôi nghiệm ra "chân lý bất biến" có thực mới có lực. Kinh doanh cuối cùng vẫn phải tập trung vào những thứ ra tiền.
Cũng từ đây chúng tôi nhìn ra những cơ hội mới như: Thanh toán điện tử, Logistics, Hỗ trợ mua bán xuyên biên giới… Và từ đó, Nexttech mới ra đời.
Ôm giấc mơ lớn, trải qua nhiều khó khăn rồi rồi tỉnh mộng có phải là lý do khiến shark Bình –Co-founder với chị - thường "dội gáo nước lạnh" vào startup trên Shark Tank?
Tôi nghĩ anh Bình cũng vì mong muốn startup phải tư duy thực tế.
Chỉ có 3% startup thành công – một tỷ lệ quá nhỏ so với con số thất bại. Chúng tôi là những người may mắn. Nếu không thì đã có lúc làm mất hết nhà cửa của gia đình, đẩy mọi người ra đường.
Startup là cuộc chiến vô cùng tàn khốc. Nếu không thành công, bạn có thể sẽ phải trả giá lớn và làm liên lụy nhiều người. Những gì ngày hôm nay chúng tôi chia sẻ với các startup là tất cả 20 năm kinh nghiệm chúng tôi tích luỹ được khi khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh. Tôi nghĩ các bạn bây giờ thực sự rất may mắn.
Nghĩ lại những gì đã trải qua, việc eBay rời đi có phải là khó khăn lớn nhất mà chị từng trải qua?
Tất nhiên chuyện nỗ lực gây dựng công ty với 500 nhân sự từ số vốn ban đầu chỉ hơn 20 triệu đồng thật không dễ dàng gì. Trong suốt hành trình 10 năm ấy, chúng tôi vắt sức kinh khủng để rồi bỗng chốc phải cắt rụp một cái! Đau lắm chứ!
Dù không còn lựa chọn nào khác nhưng cảm giác phải cắt giảm nhân sự khiến tôi đau đớn như bị ai cắt chân cắt tay.
Khó khăn với tôi càng chồng chất hơn vì lúc đó tôi sinh em bé. Ròng rã 2 tháng tức 60 ngày đêm tôi không ngủ được một chút nào. Đến mức nhiều đêm đang nằm trên giường mà tôi chỉ muốn bật dậy để hét lên thật to. Tôi thấy mình không thể nào chịu đựng được nữa. Người bình thường mất ngủ 2 ngày đã liêu xiêu. Còn tôi mất ngủ triền miên suốt 2 tháng. Có lúc tôi tưởng như mình sắp chết! Tưởng như đã kiệt sức đến nơi rồi!
Mặc dù rất áp lực, nhưng tôi luôn phải tỏ ra thật mạnh mẽ. Tôi không thể gục ngã. Tôi không cho phép mình yếu đuối vì tôi là lãnh đạo doanh nghiệp, là chỗ dựa của nhiều người.
Khi đi khám bác sĩ, họ đều bảo với tôi không thể tìm ra nguyên nhân. Rồi một thầy bắt mạch nói rằng chỉ có cách tách khỏi cuộc sống hàng ngày, thoát ra khỏi những gì mình vẫn nghĩ và làm thì may ra mới ngủ lại được. Đúng lúc đó, team hỗ trợ kinh doanh xuyên biên giới của công ty làm ăn có lãi nên tôi đưa họ sang Singapore và Malaysia du lịch. Những ngày được sống cách biệt với con cái, công việc đã may mắn giúp tôi thoát khỏi bóng đen trầm cảm.
Người thân của chị có biết những chuyện đó hay không?
Tôi chọn cách không nói với người thân. Vì nếu biết được chắc chắn họ sẽ giúp tôi, nhưng cũng vì thế mà họ sẽ thêm phần lo lắng. Tôi không muốn những người tôi yêu thương phải chịu áp lực vì mình. Có nhiều chuyện tôi trải qua mà tới tận bây giờ bố mẹ tôi mới biết.
Ít ra thì tôi cũng tin rằng mình không phải lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất có lúc trầm cảm và phải tự tìm cách vượt qua.
Từng áp lực vì con nhỏ như vậy, sau này làm sao chị cân bằng cuộc sống giữa công việc và gia đình?
Làm startup, nhất là ở giai đoạn đầu sẽ cực kỳ bận rộn. Có thời điểm tôi đi công tác nhiều đến mức các con tôi chỉ mong mẹ ở nhà nhiều hơn. Nhiều lúc tụi nhỏ nói những câu làm tôi thấy xót xa. Ví dụ: "con chẳng cần gì ngoài việc mẹ ở nhà", "mẹ ơi mẹ ở nhà thêm một tí" hoặc "để con trả tiền cho mẹ ở nhà là được chứ gì".
Sau này tôi học được từ "tranh thủ". Trước hết là tranh thủ sự hỗ trợ của gia đình. Thứ hai là tranh thủ thời gian. Các con tôi rất hay đến văn phòng của mẹ để học. Nhờ vậy, tôi có thời gian ở bên con và theo sát xem con đang học thế nào.
Tôi cũng cố gắng cân bằng vì lúc mệt cũng phải nghỉ thôi. Như thế mới đủ sức để còn chiến đấu tiếp. Hoặc chủ động sắp xếp lúc nào dành cho con, lúc nào buộc phải ưu tiên cho công việc. Nếu đã chọn công việc sau đó phải có cách bù đắp cho gia đình như thế nào đấy.
Với tôi, con cái là khoản đầu tư lớn nhất cuộc đời mình. Sau này vì muốn chuẩn bị cho các con nền tảng thật tốt nên tôi mới quyết định bỏ ngang mọi thứ và khởi nghiệp lại từ đầu.
Lần khởi nghiệp này gắn với các con của chị?
Khi Nexttech vững mạnh, tôi nghĩ đến chuyện chính mình cũng từng ao ước giá như tôi biết lập trình. Không phải vì tôi muốn thay đổi công việc. Chỉ đơn giản là điều đó rất có ích. Lập trình là ngôn ngữ chung của thời đại số. Thế hệ chúng tôi nếu không có tiếng Anh thì mất rất nhiều cơ hội. Còn bây giờ nếu tụi nhỏ không có kiến thức, kỹ năng công nghệ cũng sẽ đối diện với nguy cơ bị đào thải trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Chính vì thế, tôi sáng lập Teky. Có lẽ động cơ lớn nhất là nỗi sợ các con mình bị lạc hậu. Tiếp sau đó là mong muốn làm được nhiều điều hơn cho xã hội sau 15 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Chị không tiếc nuối gì vị trí Phó chủ tịch HĐQT ở Nexttech?
Ban đầu, tôi cũng từng làm song song cả hai việc ở Nexttech và Teky. Nhưng sau này tôi tự hỏi rốt cuộc mình cần gì? Nếu chỉ làm Teky hời hợt thì không thể nào tạo ra giải pháp gì hữu ích.
Năm 2016, một mình tôi sang Trung Quốc tham gia hội chợ về giáo dục. Tôi đã vô cùng choáng ngợp vì nó quá hoành tráng. Thời gian đi hết các gian hàng cũng mất tới 3 ngày. Và thực sự người Trung Quốc đã đi trước chúng ta rất nhiều. Bốn năm trước các vấn đề học tập, hội thảo trực tuyến và các lớp kết nối giáo viên dạy ở trường đại học với rất nhiều điểm cầu học offline khác nhau trên toàn quốc đã rất phổ biến. Các thiết bị hỗ trợ việc đó nhiều nhản nhan và rất hiện đại.
Sau chuyến đi ấy, tôi còn gặp gỡ thêm rất nhiều founder mô hình giáo dục tương tự thành công trên thế giới. Từ đó, tôi càng tin tưởng hơn vào sự lựa chọn của mình. Tôi thấy việc giảng dạy công nghệ tuy rất mới, nhưng đó chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu phải bùng nổ ở Việt Nam. Bởi vì người Mỹ thậm chí đã coi nghe, nói, đọc, viết và công nghệ là kỹ năng thiết yếu. Tôi nhìn thấy đồng thời cả hai thứ là cơ hội đóng góp cho đất nước và thị trường đại dương xanh rộng lớn đang chờ mình khai phá.
Nếu nói là tiếc nuối thì không. Chỉ có điều giai đoạn đầu startup Teky rất vất vả. Mọi thứ phải làm lại từ đầu và tôi một lần nữa bắt tay vào những thứ nhỏ nhất. Trước kia ở Nexttech thì có một đội ngũ cùng chia sẻ. Còn với Teky, tôi chính là ngọn cờ tiên phong.
Làm ngọn cờ tiên phong như thế có những khó khăn gì?
Khó khăn rất nhiều vì giảng dạy công nghệ cho trẻ em rất mới mẻ. Chúng tôi đi lên từ 3 số không: Thị trường không có sẵn nhu cầu học công nghệ - Không sản phẩm giáo dục tương tự - Không lực lượng giáo viên hiểu biết về dạy công nghệ cho trẻ em. 3 số 0 này là những vấn đề mà không chắc có tiền có thể giải quyết được.
Trở ngại lớn nhất là xây dựng ngũ giáo viên đồng bộ, chất lượng cao. Nguồn lực công nghệ ở Việt Nam đã khan hiếm, nguồn lực giảng dạy công nghệ còn khan hiếm hơn, nhất là giảng dạy cho trẻ em lại quá mới và khác hoàn toàn với phương pháp sư phạm dành cho người lớn.
Giải quyết được tất cả bài toán đó chỉ trong một vài năm thực sự là hành trình nhiều gian nan. Nhưng tôi nghĩ tất cả đều xứng đáng. Vì tôi đang làm điều tốt nhất cho chính các con của mình. Các con tôi cũng đang học ở Teky. Rộng hơn thì điều tôi làm còn đang trang bị hành trang cho rất nhiều mầm non tương lai của đất nước.
Nếu lúc xưa chị có thể "cắm" sổ đỏ của bố mẹ mà không hề đắn đo thì bây giờ khi đã ở tuổi U40, chị còn liều lĩnh như thế không?
Teky có cơ hội lớn và mọi thứ đang tốt nên tôi không bao giờ bi quan. Nhưng dù sao thì vẫn có những rủi ro mình phải chấp nhận. Nếu không dám nắm bắt cơ hội, startup sẽ không bao giờ phát triển được. Hiển nhiên là founder nào cũng phải có tinh thần mạo hiểm.
Còn về mặt cá nhân, ở độ tuổi này sau rất nhiều năm khởi nghiệp, tôi đã có được một khoản tích lũy tách hẳn khỏi chuyện kinh doanh để lo cho con cái và không để bản thân mình quá thê thảm nếu thất bại. Tôi đã biết bao nhiêu là đủ và cũng biết được giới hạn mình có thể đi được là bao xa, bao lâu chứ không giống như khi xưa nữa. Tôi nghĩ mọi thứ chỉ nằm ở khía cạnh chuẩn bị như vậy thôi.
Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!
Nguồn: Theo Thu Hường - Việt Hùng - Trang Đinh
Doanh nghiệp và tiếp thị