333284569-105247969176664-7185397878716477399-n-1678254324.jpg
 

Amy Hood sinh năm 1971 tại Mỹ, có bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Duke năm 1994 và bằng MBA của Đại học Harvard.

Hood gia nhập Microsoft năm 2002 sau khi rời Goldman Sachs và nhanh chóng vươn lên hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Khi còn là trưởng bộ phận tại Office divison - đơn vị có lợi nhuận cao nhất của Microsoft, bà đóng vai trò trung tâm trong việc thâu tóm Skype và công ty kinh doanh mạng Yammer.

Ít ai biết, trước đó, Hood chỉ định làm việc tại Microsoft vài năm để tích lũy kinh nghiệm về gây dựng startup. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi năm 2018, khi được hỏi tại sao lại gắn bó với Microsoft lâu như vậy, bà cười đáp, “Tại sao có những người chỉ làm một công việc duy nhất đến hết đời? Vì họ tin mình có thể tạo ra sự khác biệt tích cực và trở thành một phần của điều gì đó. Trường hợp của tôi cũng thế”.

Tháng 5/2013, Microsoft đã bổ nhiệm Amy Hood làm giám đốc tài chính thay thế cho Peter Klein. Hood, lúc đó 41 tuổi, là người phụ nữ đầu tiên giữ chức CFO của Microsoft.

Biến động nhân sự diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn với Microsoft, khi thị trường PC đang trượt dốc, các nhà đầu tư, hội đồng quản trị và thậm chí CEO lúc bấy giờ là Steve Ballmer không tìm được hướng đi mới cho công ty. Khi Ballmer đã bắt đầu chuyển hướng sang tập trung vào lĩnh vực điện toán đám mây mới nổi, các cổ đông công ty vô cùng phẫn nộ, cho rằng Microsoft đang chi tiêu hoang phí và đầu tư không hiệu quả.

Chỉ vài tuần sau khi Hood đảm nhận vai trò mới, bà đã bay sang châu Âu đàm phán mua lại bộ phận thiết bị của Nokia theo yêu cầu của CEO Ballmer. Thương vụ này vấp phải phản đối của nhiều thành viên hội đồng quản trị, trong đó có cả Bill Gates. Đến tháng 8/2013, Ballmer tuyên bố từ chức và 6 tháng sau, Satya Nadella lên nắm quyền điều hành Microsoft.

Thương vụ Nokia không những không giúp thị phần của Windows Phone tăng cao hơn mà còn khiến Microsoft phải gánh khoản lỗ khổng lồ.
Tháng 5/2016, công ty quyết định bán lại mảng kinh doanh điện thoại phổ thông với giá chỉ 350 triệu USD cho FIH – chi nhánh của tập đoàn Foxconn Đài Loan và HMD Global – công ty được thành lập bởi chính các cựu nhân viên Nokia.
Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý của Microsoft, Brad Smith, cho biết: “Khi doanh thu không đạt kỳ vọng, Amy đã cực kỳ nghiêm khắc, kêu gọi mọi người tập trung giải quyết. Bà ấy đã đưa ra quyết định bán lại rất nhanh chóng”.

Nadella và Hood đã cố gắng xoay chuyển tình thế của Microsoft. Thay vì mua các doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô như Nokia, Hood tập trung tìm kiếm các công ty mạnh trong các lĩnh vực đang phát triển. Trong thời gian làm việc tại Microsoft, Hood đã đàm phán hơn 57 thương vụ, trong đó nổi bật là thương vụ mua lại mạng xã hội nhân sự LinkedIn giá 26,2 tỷ USD (năm 2016) và thâu tóm trang web chia sẻ mã nguồn nổi tiếng GitHub với giá 7,5 tỷ USD (năm 2018).

Trong 5 năm đầu tiên sau khi Hood đứng ở cương vị CFO, cổ phiếu Microsoft đã tăng gần 300%.

Trong nhiều năm qua, Hood cũng quản lý các khoản đầu tư lớn của Microsoft vào điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu, vốn đòi hỏi chi tiêu lớn trong cả lĩnh vực bất động sản và công nghệ.

Heather Bellini, nhà phân tích của Goldman Sachs, người đã theo dõi Microsoft trong 20 năm, cho biết: “Bà ấy đã thay đổi cái nhìn của mọi người về Microsoft, khi ai cũng nghĩ thời hoàng kim của công ty qua rồi. Bà ấy thực sự là nhân tố quan trọng cho sự thay đổi chiến lược tại Microsoft”.

Hood cũng được xem là “chủ lực” trong việc định hướng lại các lĩnh vực như Microsoft Office xung quanh mô hình doanh thu dựa trên thuê bao, thay vì bán gói phần mềm như trước đây.

Trong một cuộc họp cấp quản lý vào năm 2015, Hood đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo cấp cao về tầm quan trọng của việc giữ cho nhân viên đi đúng hướng và giao tiếp tốt hơn với các nhà đầu tư. Cùng với CEO Satya Nadella, Hood đã lên kế hoạch thu hút nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư về với gã khổng lồ phần mềm sau thời gian dài lạc lối.

Tuy nhiên, Hood hiểu rằng việc thuyết phục các nhà đầu tư về một loạt các dự án mới không đơn giản. Bên cạnh dữ liệu đám mây, bà đã hướng Microsoft phát triển thêm phần mềm máy học. Đội ngũ của nữ CFO đã áp hàng trăm nghìn điểm dữ liệu vào các thuật toán để tìm hiểu và đưa ra dự đoán về doanh thu, chi phí, lực lượng lao động và thậm chí cả những hợp đồng có rủi ro. Với công nghệ tiên tiến này, Hood có thể tối ưu hoá nguồn lực cho Microsoft, giúp công ty xác định nhu cầu tuyển dụng, thuê nhân viên phù hợp hơn, qua đó tăng doanh số bán hàng và tiết giảm chi phí.

Amy Hood được Phó chủ tịch của Microsoft Bruce Jaffe nhận xét là người có kỹ năng lãnh đạo rất mạnh. Trong khi đó, một người từng làm việc với Hood cho rằng bà có cách nói chuyện thẳng thắn và sẵn sàng tranh luận với các CEO hàng khi bất đồng quan điểm.

Bà cũng giành được sự tôn trọng của các nhà đầu tư. Bell Thill - nhà phân tích của UBS AG cho biết: "Bà ấy rất thân thiện, cởi mở với các cổ đông, làm việc cùng bà ấy rất dễ chịu".

Nguồn: Người Đồng Hành