Chia sẻ kinh nghiệm về những thất bại trong quãng thời gian 9 năm gầy dựng doanh nghiệp ở một tọa đàm gần đây, Lương Duy Hoài – founder kiêm CEO của Giao Hàng Nhanh đã kể rất nhiều trải nghiệm đau thương của mình. Ấn tượng nhất trong đó, phải kể đến ‘thất bại thảm hại’ của startup này khi cố copy văn hóa của ‘thần tượng’ Thế Giới Di Động khi mà doanh nghiệp còn ở giai đoạn trứng nước.

Có thể thấy, việc quản trị và quản lý doanh nghiệp của Lương Duy Hoài chịu ảnh hưởng lớn từ quyển sách Growing Pains của Eric G.Flamholtz & Yvonne Randle. Tất cả những hành xử của anh như về tuyển dụng nhân sự, ESOP hay xây dựng văn hóa đều lấy cảm hứng từ quyển sách này. Tuy nhiên, trước khi gặp được ‘chân ái’, anh cũng đã tự mày mò và sai rất nhiều.

Theo Growing Pains – Nỗi đau của sự phát triển, thì mỗi startup có 4 giai đoạn phát triển: tìm sản phẩm phù hợp với thị trường, tìm nguồn lực để phát triển doanh nghiệp đồng thời bắt đầu xây dựng quy trình vận hành – quản lý doanh nghiệp, có hệ thống quản trị - vận hành rõ ràng hiệu quả, phát triển tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phương Tây thường chia giai đoạn theo thống kê cụ thể tương ứng với 3 lĩnh vực là sản xuất – bán lẻ - dịch vụ; bán lẻ sẽ bằng sản xuất chia 2 còn còn dịch vụ sẽ bằng sản xuất chia 3. Trong ngành sản xuất, giai đoạn 1 là lúc startup có doanh thu dưới 1 triệu USD, giai đoạn 2 là dưới 10 triệu USD, giai đoạn 3 là dưới 100 triệu USD và giai đoạn 4 là dưới 500 triệu USD. Khi áp tiêu chuẩn này vào Việt Nam cũng khá khớp. Giao Hàng Nhanh đang ở giai đoạn 3.

Hồi đó, vào những năm 2014 – 2015, tức lúc Giao Hàng Nhanh còn ở giai đoạn 1 và 2, do quá hâm mộ văn hóa của Thế Giới Di Động, nên Lương Duy Hoài đã nhờ Mekong Capital set-up một buổi truyền cảm hứng về văn hóa của ‘thần tượng’ cho khoảng 40 quản lý cấp cao và trung của Giao Hàng Nhanh.

Trước đó, doanh nghiệp chỉ có khoảng 10 lãnh đạo cấp cao và trung. Rồi tự dưng, mọi người tự phong cho nhau chức này chức kia và đề ra những mục tiêu lớn lao không có khả năng thực hiện. Sau buổi học đó, mọi người ôm nhau thắm thiết. Lúc đó vị CEO này còn nghĩ ‘công ty mình sắp ngon rồi’, bởi mọi người rất gắn kết, làm việc điên cuồng ngày đêm 7 ngày trong tuần để đạt những mục tiêu lớn lao đã đề ra.

tgdd-1621582343.png
Văn hóa của Thế Giới Di Động được rất nhiều doanh nghiệp lớn bé tại Việt Nam hâm mộ, chứ không riêng gì Lương Duy Hoài.

Cũng thời điểm đó, công ty đón chào một vài nhân sự ở cấp C-level, những chuyên gia thứ thiệt ở vài ngành nghề. Họ nói với Ban lãnh đạo Giao Hàng Nhanh là công ty đang có vấn đề, nhìn 2 số thôi thì còn làm được, 100 số thì không thể.

Tiếp theo, không khó đoán khi người mới bắt đầu va chạm với người cũ, văn hóa của người mới xung đột với văn hóa của người cũ. Lúc đó, nếu càng bảo vệ, càng ôm nhau càng chết.

Những tưởng, mang chuẩn mực của Thế Giới Di Động áp dụng cho công ty mình là ngon, nhưng sự thật ngược lại. Hơn nữa, đây cũng không phải là giai đoạn đúng để nghĩ đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, Lương Duy Hoài hồi tưởng.

Bài học ở đây là: đúng là văn hóa doanh nghiệp quan trọng, nhưng không phải ta cứ nghĩ ra luôn là được. Nó tuỳ thuộc vào sự biến động của doanh nghiệp, xây dựng sai thời điểm sẽ khiến doanh nghiệp có vấn đề. Văn hóa doanh nghiệp sẽ tự hình thành khi doanh nghiệp đi qua hết thời gian sóng gió và nó được kết tinh từ trong gian khó, không nên copy của người khác. Nghĩ tới việc xây văn hóa doanh nghiệp khi startup mới ở giai đoạn 1 và 2, là quá sớm.

Văn hóa doanh nghiệp không phải là giá trị hoặc khẩu hiệu mà chúng ta hay dán trên tường hoặc hô hào khi họp hành, văn hóa là thứ mà nhân viên doanh nghiệp làm khi không ai quan sát hay giám sát họ.

Cụ thể: trong giai đoạn 2 và 3, khi chúng ta phát triển rất nhanh, cả đội ngũ lẫn văn hóa doanh nghiệp sẽ bước vào ‘thời kỳ chiến tranh – war time’ với đối thủ trên thị trường. Và thời kỳ chiến tranh đó sẽ định hình văn hóa doanh nghiệp.

Đừng ngồi ở nhà rồi ôm nhau tạo văn hóa, những cá nhân – đội nhóm bứt lên trong cuộc chiến đó sẽ tạo ra văn hóa doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp cũng sẽ lớn lên theo war time.

Trong giai đoạn 1 và 2, văn hóa doanh nghiệp là những giá trị mà các founder và co-founder đề ra. Trong giai đoạn 2 và 3, với sự tham gia của các C-level và senior manager, startup sẽ ở tình trạng đa văn hóa. Ngoài tầm nhìn trong chuyên môn, các lãnh đạo cấp cao còn có nhiều trải nghiệm về quản trị và kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, điều này sẽ khiến công ty có nhiều thay đổi lớn”, CEO Giao Hàng Nhanh miêu tả về cách văn hóa 1 doanh nghiệp sẽ hình thành.

Trong giai đoạn chiến tranh, các founder/co-founder và lãnh đạo cấp cao sẽ phải ‘sát cánh chiến đấu’ và văn hóa doanh nghiệp sẽ sinh ra trong thời gian này. Tức, văn hóa của founder sẽ cộng hưởng thêm văn hóa cả các lãnh đạo mới, nhằm tạo ra 1 văn hóa doanh nghiệp mới phù hợp cho tất cả.

Ở giai đoạn 4, khi chúng ta đã có chiến lược kinh doanh cụ thể, hệ thống - quy trình vận hành và quản lý chuẩn chỉnh, lúc này mới phù hợp để nói về văn hóa doanh nghiệp. Hiện tại, do Giao Hàng Nhanh chỉ mới ở giai đoạn 3, nên chúng ta cũng rất hiếm khi nghe Lương Duy Hoài đề cập về văn hóa doanh nghiệp.