Hạng mục Nhà lãnh đạo xuất sắc châu Á tôn vinh những nhà lãnh đạo có sự cân bằng giữa các phẩm chất, kỹ năng cần thiết để thích nghi với môi trường, trao quyền cho các nhóm và tạo ra sự thay đổi tích cực. Hạng mục này nằm trong Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc và Bền vững châu Á (ACES) được khởi xướng thường niên kể từ năm 2014.

“Văn hóa yêu thương và sự chân thành là cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thời đại nhiều biến động như hiện tại. Khả năng nhìn nhận và hành động của Quyên là một trong những lý do giúp cô ấy chiến thắng,” ông Shanggari B. – CEO MORS Group, trưởng ban tổ chức giải thưởng nhận xét về nữ CEO.

05-1637732162.jpg
CEO Biti’s Vưu Lê Quyên được vinh danh lãnh đạo nữ xuất sắc châu Á 2021

Vưu Lệ Quyên chính thức đảm nhận vai trò điều hành Biti’s từ năm 2018, trong công ty gia đình do cha mẹ cô sáng lập. Từ đó cô tiên phong dẫn dắt xu hướng tiêu dùng “Tự hào hàng sản xuất tại Việt Nam” (Proudly Made in Vietnam) với tầm nhìn đưa doanh nghiệp 38 năm tuổi trở thành một thương hiệu hàng đầu châu Á.

Website của giải thưởng ACES cho biết, Biti’s đã tạo nên sự khác biệt so với các thương hiệu khác bằng cách theo sát phục vụ thế hệ khách hàng mới. Họ cung cấp các sản phẩm chất lượng từ những bước đi đầu đời của trẻ cho tới những đôi giày đồng hành cùng thế hệ thiếu niên cùng những sản phẩm đa dạng dành cho cả nam và nữ.

“Khẩu hiệu ‘Nâng niu bàn chân Việt’ thể hiện phương pháp tiếp cận lấy con người làm trọng tâm của Biti’s, nỗ lực trở thành điểm dừng chân cho mọi thành viên gia đình,” ban tổ chức đánh giá.

Các sản phẩm Biti’s hiện tiến ra khỏi Việt Nam tới Trung Quốc, Nga, Campuchia, Lào và gần đây nhất là Hoa Kỳ. Công ty cũng ghi dấu ấn với tư cách là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) có uy tín hoặc đối tác gia công cho một số thương hiệu giày dép quốc tế nổi tiếng như Clarks, Decathlon, Skechers, John Lewis, Kappa và Jack Wolfskin.

Vưu Lệ Quyên (Cindy Vưu) sinh năm 1980, cô tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hóa học tại đại học Toronto, Canada. Cô thừa nhận mặc dù thụ hưởng nền giáo dục chính quy cung cấp nền tảng vững chắc cho sự nghiệp, nhưng cuộc sống kinh doanh “vốn là cuộc phiêu lưu bất tận khiến mình học được nhiều hơn thế”.

Ngay những ngày đầu bắt tay vào công việc, Quyên đã mạnh dạn áp dụng nhiều kiến thức đã học vào việc quản lý, mở kênh bán hàng và xây dựng hình ảnh mới cho Biti’s. Quyên chia sẻ:

“Thời ba mẹ kinh doanh khác với thế hệ tôi sau này, nên ngoài những điều học được từ ba mẹ, tôi phải có thêm nhiều kiến thức mới, ngay cả cách quản lý cũng phải khác thì mới theo kịp xu hướng kinh doanh toàn cầu hóa”.

Những năm học ở nước ngoài, Quyên không chỉ học trong sách vở, mà còn mày mò tìm hiểu cách kinh doanh của những thương hiệu giày nổi tiếng.

Quan sát mô hình kinh doanh cửa hàng tiếp thị (cửa hàng bán hàng trực tiếp do công ty quản lý, không qua đại lý) của thương hiệu giày Clarks, Quyên nhận ra với mô hình này họ có thể dự đoán doanh thu trong một năm. Người quản lý thương hiệu Clarks cho biết:

“Clarks có 500 cửa hàng bán trực tiếp nên chúng tôi có thể nắm được con số kinh doanh chính xác tới 80%. Ngoài ra, khi bán hàng trực tiếp, Clarks sẽ phục vụ khách hàng chu đáo hơn, tất cả sản phẩm đều được trưng bày nên dễ nắm bắt xu hướng, thị hiếu và số lượng tiêu thụ”.

Vì thế, khi về nước, Quyên đề nghị mẹ thay đổi hình thức bán hàng qua kênh đại lý bằng mô hình cửa hàng tiếp thị này, nhưng mẹ cô phản đối:

“Mở cửa hàng tiếp thị phải có vốn nhiều, hơn nữa các đại lý đang làm tốt thì lý do gì mình không cho họ bán nữa?”. Thế nhưng cô gái trẻ đã thắng bằng những kết quả thuyết phục của mình.

Đến nay Biti’s đã có 45 cửa hàng bán hàng tiếp thị và tất nhiên hình ảnh của Biti’s cũng mới mẻ hơn nhờ mô hình bán hàng hiện đại này.

Tiếp theo đó là hàng loạt cải cách do Quyên khởi xướng và thực hiện triệt để: từ áp dụng phần mềm ERP và SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, mô hình cửa hàng Biti’s cho mọi thành viên trong một gia đình.

Không phải là một cuộc "lột xác", nhưng hình ảnh Biti’s đã được làm cho mới mẻ và hiện đại hơn rất nhiều. Vì thế, trong khi không ít doanh nghiệp da giày gặp khó khăn do thị trường truyền thống đã mất, thị trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi hàng Trung Quốc, cạnh tranh trong nước gay gắt, thì doanh thu hằng năm của Biti’s vẫn tăng từ 20 - 30%.

Người đang dẫn dắt Biti’s cho biết cha mẹ cô là hình mẫu của mình khi họ không ngừng truyền đạt những giá trị của niềm đam mê và sự cống hiến để phục vụ cộng đồng và xã hội. “Tôi học được tầm quan trọng của sự chăm chỉ, lòng dũng cảm, sự kiên trì thông qua cuộc sống của họ,” nữ CEO chia sẻ với hội đồng của giải thưởng ACES.

Biti’s thời ông Vưu Khải Thành đã nhanh chóng trở thành thương hiệu giày dép hàng đầu của Việt Nam khi ông mạnh dạn qua Đài Loan học công nghệ mới. Người của Biti’s giờ cũng hy vọng “cô Quyên” sẽ làm nên chuyện cho thương hiệu nổi tiếng này.

“Từ khi làm chủ một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn giữ, kế thừa sự nghiệp này”, Quyên tâm sự.

Cũng theo ACES, giá trị của Biti’s phần nào được phản ánh trong các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) mà Biti’s điều hành, tập trung ở ba lĩnh vực chính: hỗ trợ các cộng đồng kém may mắn, giáo dục và đào tạo và bảo vệ môi trường

Vưu Lệ Quyên cho biết thành công của mình là nhờ vào đội ngũ 8.700 nhân viên hùng hậu của mình, những người luôn tận tâm, năng nổ và chân chính, sẵn sàng cùng nữ CEO chinh phục các cột mốc quan trọng.

Cùng với nữ CEO Biti’s, nhiều doanh nhân châu Á cũng xuất hiện trong giải thưởng như ông Trần Hùng Huy – chủ tịch ngân hàng Á Châu (ACB), tỉ phú Calvin Lo…

ACES là một trong những giải thưởng uy tín công nhận các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và những người ủng hộ phát triển bền vững trong các lĩnh vực và trên toàn châu Á, tôn vinh những câu chuyện thành công của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm tốt nhất châu Á.