Chuyện chú ve sầu thoát xác
Chuyện kể rằng, một tối mùa hè nọ, một chú ve con hì hục từ dưới đất chui lên. Chú đang háo hức vì chỉ qua đêm nay thôi chú sẽ lột xác để thành một chú ve trưởng thành với đôi cánh để bay và một giọng hát trầm bổng. Tuy nhiên, đang cao hứng ngắm trời đất đón làn gió mát thì ve ta thấy cặp vợ chồng bọ ngựa đang đói cồn cào, vung cặp kiếm sắc nhọn, nhìn ve thèm thuồng.
“Cái khó ló cái khôn”, trong lúc sợ hãi ve ta bỗng nghĩ ra một kế, vội thu mình lại van xin: “Ông bà hãy nghe con nói, đừng ăn thịt con vội. Giờ thịt con còn tanh lắm, phải đến sáng mai khi mặt trời vừa lên con mới lớn phổng phao, thơm thịt chắc da”.
“Miếng ăn đến miệng rồi còn chờ đợi được sao?" – ông bọ ngựa già bán tín bán nghi.
“Ông bà thấy đó, con thế này sao thoát được làm bữa ăn cho ông bà, nhưng mà, nếu ông bà chờ thêm mấy giờ nữa thôi, thì con cũng thỏa được ước nguyện đón bình minh, ông bà cũng được bữa ngon lành”.
Nghe có lý, vợ chồng bọ ngựa đứng một bên, để mắt nhìn chú ve con, ve ta cũng hồi hộp không kém. Trước khi trời sáng, ve con đã thực hiện xong hành trình lột xác, vụt lớn thành chú ve trưởng thành, bỏ lại các xác bảo bọc nó bấy lâu và tung cánh bay.
Vừa mệt vừa đói, vợ chồng bọ ngựa vừa thay nhau để mắt đến chú ve, vừa chập chờn ngủ gật. Trời vừa hửng sáng, vợ chồng bọ ngựa giật mình thức giấc nhìn sang bên cạnh thì bỗng chưng hửng khi con mồi đã biến mất.
Kế sách “ve sầu thoát xác” cũng là bài học mà rất nhiều người đã ứng dụng lúc nguy cấp. Trong kinh doanh cũng rất nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu “ve sầu thoát xác" để vượt qua khó khăn hiện tại, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Ve sầu thoát xác hay niêm yết đường vòng trong kinh doanh
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, không ít doanh nghiệp đã mượn kế "ve sầu thoát xác" một cách tài tình, hiện diện với bộ mặt hoàn toàn mới. Một trong những kế sách vẹn toàn mà nhiều doanh nghiệp đã từng sử dụng, được giới đầu tư, giới chuyên môn nhắc tới, phân tích nhiều là kế sách niêm yết đường vòng.
Khi nhắc đến khái niệm niêm yết đường vòng, người ta hay nghĩ đến việc một công ty không đủ điều kiện niêm yết, hay vì một lý do nào đó không thể tự mình niêm yết, nhưng sau khi thâu tóm, sáp nhập với một công ty khác đang niêm yết trên sàn giao dịch, đã rất gọn nhẹ, trở thành một doanh nghiệp niêm yết.
Hưng Vượng Developer "mượn xác" In sách giáo khoa Hòa Phát lên sàn
Mới đây nhất, vụ Hưng Vượng Developer - một doanh nghiệp bất động sản - "mượn xác" CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát (mã chứng khoán HTP) - doanh nghiệp đang niêm yết sẵn trên sàn - thông qua việc thâu tóm ngược, sáp nhập.
Từ 2 ngành nghề tưởng như không liên quan nhau là bất động sản và in sách, Hưng Vượng Developer thành công đưa hàng nghìn tỷ đồng tiền nợ của Hưng Vượng Developer lên sàn. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ đông giàu có của Hưng Vượng Develop bằng cách nào đó đã "thoát hàng", thu về hàng trăm tỷ đồng khi giá cổ phiếu HTP được đẩy lên cao. Pha niêm yết đường vòng của Hưng Vượng Develop vẫn đang là chủ đề nóng dù đã êm đẹp trôi qua được vài năm.
Đức Long Gia Lai dấn thân sang mảng linh kiện điện tử hay kế ve sầu mượn xác của Mass Noble?
Dùng chiêu niêm yết đường vòng đã không còn mới lạ trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đó rất lâu CTCP Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phần để hoán đổi cổ phiếu với Công ty Mass Noble Investment Limited (thành lập tại British Virgin Islands) - công ty chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông công nghệ cao.
Lúc đó Đức Long Gia Lai dự kiến phát hành thêm hơn 20 triệu cổ phiếu để hoán đổi với hơn 29 cổ phiếu của Mass Noble. Giá chuyển đổi 12.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ hoán đổi 1:1,43 (1 cổ phiếu DLG phát hành thêm đổi được 1,43 cổ phiếu Mass Noble). Với việc hoán đổi cổ phiếu Mass Noble, Đức Long Gia Lai sẽ giành quyền sở hữu 100% Mass Noble.
Điều đáng nói, từ một doanh nghiệp kinh doanh chính ngành gỗ, phân bón... thì, sau khi sáp nhập và sở hữu 100% công ty bị sáp nhập, đến nay Đức Long Gia Lai lại ghi nhận doanh thu từ bán linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất, xấp xỉ 80-90% trong những năm gần đây.
Đức Long Gia Lai bắt ghi nhận doanh thu từ bán linh kiện điện tử từ năm 2016 với hơn 1.100 tỷ đồng đầu tiên. Doanh thu toàn công ty đã thực sự cải thiện những năm sau đó, tăng trưởng mạnh, vượt 2.900 tỷ đồng vào năm 2018. Lợi nhuận sau thuế cũng giữ được mức hàng chục tỷ đồng. Tuy vậy gánh nặng chi phí lãi vay những năm 2020 trở lại đây đã khiến công ty thua lỗ nặng.
Kế ve sầu mượn xác hay cách "mua vỏ, thay ruột, đổi tên" trong kinh doanh
Kế ve sầu thoát xác, mượn xác ve sầu trong kinh doanh còn được dùng theo nhiều cách khác nhau. Có không ít doanh nghiệp đã chọn cách mua lại cổ phần chi phối 1 doanh nghiệp kinh doanh bết bát, yếu kém nhưng đã niêm yết trên sàn. Sau đó sẽ là những động thái đổi tên, thay dàn lãnh đạo, thay đổi luôn cả ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp có mã chứng khoán KSD hiện nay là một ví dụ.
CTCP Đầu tư DNA hiện nay trước đó rất lâu có cái tên là Tổng CTCP Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico. Hamico không phải là cái tên đầu tiên, nhưng là cái tên khi mã chứng khoán KSD đăng ký niêm yết trên HNX. Công ty Hamico ban đầu được biết đến là một doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gia dụng với sản phẩm được biết đến nhiều là mắc áo.
Trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường ngày 9/10/2014, Hamico đã thông qua việc tái cấu trúc theo mô hình CÔNG TY ĐẦU TƯ, tham gia đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ.
Kế hoạch được thông qua, Hamico đổi tên thành CTCP Đầu tư DNA như hiện nay, mua đầu tư gần 97% cổ phần của CTCP Kling; hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Tiến Đại Phát - một công ty đã hoạt động 14 năm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế. Đổi tên, thay lãnh đạo, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh bằng cách thông qua tái cấu trúc, Hamico ngày xưa giờ chỉ còn "cái xác" là mã chứng khoán KSD trên sàn.
Việc "mượn xác" liệu có tốt?
Trên thực tế, trào lưu mượn "xác" một doanh nghiệp niêm yết sẵn trên sàn đã có từ rất lâu. Có những doanh nghiệp thành công sau khi "mượn xác", nhưng cũng có không ít trường hợp để lại nỗi buồn cho những cổ đông lỡ đặt niềm tin.