Thông thường tất cả các đội tham gia hầu hết mọi thể thức đua xe đều được chia thành hai dạng:
Thứ nhất là các đội độc lập, gọi là privateer. Họ chỉ có đội ngũ để tự phát triển hoặc mua xe của hãng lớn, rồi tự vận hành đội và tham gia các giải đua nổi tiếng. Họ không sản xuất xe thương mại bán kiếm lời. Ví dụ các đội như thế này có thể kể đến Williams trong giải đua F1, LCR Honda Idemitsu bên MotoGP, hay Glickenhaus Racing bên WEC. Mục đích dễ hiểu nhất của những đội tư nhân này là giành càng nhiều chiến thắng càng tốt, bản thân đội đua là mô hình kinh doanh, lấy tiền thưởng và tiền tài trợ của các hãng để nuôi sống đội đua. Cũng có vài cái tên đi chệch khỏi mô hình này, ví dụ như Ferrari. Họ sản xuất và bán siêu xe để… nuôi đội đua F1 hoặc GT3. Còn McLaren vài năm gần đây cũng phải sản xuất và bán xe để phục vụ mục đích tương tự.
Thứ hai là các đội đua “factory”, đứng phía sau là những tập đoàn khổng lồ của ngành xe toàn cầu. Lấy ví dụ đơn giản là Mercedes-AMG F1 hoặc Toyota Gazoo Racing. Mục tiêu của các đội đua này là lấy thành công trên đường đua để chuyển đổi thành lợi ích kinh tế bằng doanh số xe bán ra hàng năm. Đối với họ, đua xe là một cách quảng bá hình ảnh, lôi kéo khách hàng tiềm năng đến với họ bằng những chức vô địch trên đường đua.
Và rồi chúng ta có một kẻ ngoại đạo đúng nghĩa đen: Red Bull Racing.
Không giống như những factory team hay những đội privateer mô tả ở trên, Red Bull không bán ô tô, cũng không sống nhờ lợi nhuận của đội đua. Họ bán một trong những món đồ uống ăn khách nhất hành tinh, món nước tăng lực giờ đã quá nổi tiếng. Anh em đọc đến đây có thể nghĩ rằng, Red Bull đua F1 để bán nước tăng lực, có vậy mà cũng phải viết.
Nhưng mọi thứ với Red Bull không đơn giản như thế, chí ít là ở thời điểm hiện tại. Bốn năm năm về trước, có thể mục tiêu duy nhất của Red Bull ở đường đua Công thức 1 chỉ là quảng bá sản phẩm để tăng doanh số nước tăng lực. Nhưng giờ chuyện đã rất khác.
Câu chuyện bắt đầu khi Dietrich Mateschitz, khi ấy là một giám đốc marketing đi công tác tại Thái Lan. Chỉ bằng hai ngụm nước tăng lực giải tỏa được cơn jetlag, Mateschitz đã nhận ra đây chính là món đồ uống có thể gây sốt. Ngay lập tức, Mateschitz bắt tay với tỷ phú, ông vua đế chế Krating Daeng ở Thái Lan, Chaleo Yoovidhya để sản xuất và phân phối Red Bull tại Áo, và sau đó là trên toàn thế giới. Ngay từ buổi đầu, Mateschitz đã định hướng hình ảnh sản phẩm của ông gắn liền với sức mạnh thể chất và tinh thần tuyệt vời của những vận động viên thể thao mạo hiểm, và điều đó được mô tả trong những sự kiện X-Games hay những giải đua xe. Nhưng một trong những bộ môn tốc độ đẳng cấp nhất chính là Công thức 1.
Bị ảnh hưởng rất mạnh từ Jochen Rindt, người Áo đầu tiên giành chức vô địch Công thức 1, Matechitz tiếp cận và ký hợp đồng quảng cáo với tay đua Áo Gerhard Berger, biến ông trở thành vận động viên đầu tiên được Red Bull tài trợ vào năm 1989. Cũng nhờ tiếp cận Berger, Mateschitz mới làm quen được với một nhân vật rất nổi tiếng của Red Bull Racing sau này, tiến sĩ Helmut Marko, người hiện tại là giám đốc mảng phát triển tài năng trẻ của đội đua, kiêm luôn vị trí cố vấn của đội. Cả Mateschitz lẫn Marko đều muốn tái hiện lại thành tựu của Jochen Rindt, và cùng lúc cũng muốn tạo ra dấu ấn của Red Bull trên đường đua F1.
Ban đầu, họ ký hợp đồng tài trợ với đội đua Thụy Sỹ, Sauber, Mateschitz trở thành cổ đông lớn nhất của đội đua. Nhưng việc chỉ là nhà tài trợ kiêm nhà đầu tư gián tiếp không cho phép ông có tiếng nói trong đội. Giọt nước tràn ly là vào năm 2001, khi Sauber quyết định đưa tìa năng trẻ Kimi Raikkonen vào một trong hai chiếc ghế của đội thay vì Enrique Benoldi, cái tên Red Bull nhắm tới. Mateschitz hiểu rằng, muốn được đưa ra quyết định, thì phải tự sở hữu một đội đua riêng.
Năm 2004, cơ hội đến khi Jaguar F1 Team rơi vào khủng hoảng và được bán đi với giá… 1 USD. Mateschitz nhanh tay mua lại đội đua, đổi tên thành Red Bull Racing, thuê Marko làm vị trí cố vấn, đưa Christian Horner vào vị trí giám đốc đội đua, và bơm hàng trăm triệu USD để phát triển xe, nhân sự và tay đua. Kẻ ngoại đạo nhanh chóng làm chao đảo làng thể thao tốc độ khi vào năm 2006, họ có được podium đầu tiên, khi Coulthard về đích thứ 3 ở Monaco Grand Prix năm ấy.
Dĩ nhiên lúc này, mục đích của Red Bull Racing là làm hình ảnh để tăng doanh số nước tăng lực, nhưng hai fan cuồng của F1 là Mateschitz cùng Marko luôn muốn giành chức vô địch, dù đó là chức vô địch tay đua hay đội đua. Đó là trách nhiệm của Helmut Marko. Khi Mateschitz đầu tư, Horner quản lý đội, thì Marko đảm trách việc phát triển tài năng trẻ. Cũng từ lò đào tạo của Red Bull, chúng ta có Sebastian Vettel, tay đua rời đội đua “chị em” Torro Rosso để sang Red Bull Racing vào năm 2009. Chỉ một năm sau, kỷ nguyên của Red Bull cùng động cơ V8 đến, khi họ cùng Vettel giành liên tiếp 4 chức vô địch từ 2010 đến 2013:
Nhưng rồi từ năm 2014 đến 2020, họ không giành được chức vô địch nào, khi thời kỳ V6 turbo hybrid đánh dấu sự thành công của Mercedes-AMG cùng Lewis Hamilton. Chí ít là cho đến tối chủ nhật hôm vừa rồi khi cuộc đua đầy tranh cãi đã đưa Max Verstappen lên ngôi vô địch thế giới.
Xét trên phương diện kinh doanh, mục tiêu của Red Bull là mượn đội đua F1 để củng cố hình ảnh, từ đó tăng doanh số bán hàng. Họ tốn rất, rất nhiều tiền cho Red Bull Racing. Theo báo cáo tài chính năm 2018, trong 14 năm theo đuổi Công thức 1, Red Bull đã đổ vào đội đua của Christian Horner 2,3 tỷ USD. Tính trung bình mỗi năm, Red Bull tiêu khoảng 160 triệu USD cho đội đua, tính cả tiền thưởng cuối mùa giải cũng như tiền tài trợ, thì con số này mới chỉ là 35% tổng doanh thu của cả đội. Nhưng F1 không phải cuộc chơi kiếm lời. Tính ra Red Bull may mắn lắm thì có năm lời ra được 10 triệu USD, còn lại là hoàn vốn.
Nhưng bù lại, nhìn vào tổng doanh thu của Red Bull GmbH, tính riêng trong năm 2018 là 5,7 tỷ USD, lợi nhuận ròng 734 triệu USD, thì đó là khoản đầu tư rất có lời. Trong 14 năm, các chuyên gia cho rằng, để có sức mạnh thương hiệu như thời điểm 2009 - 2014, một công ty phải đổ khoảng 320 triệu USD mỗi năm. Và thế là canh bạc của Red Bull không chỉ có lãi, mà xét theo con số ước tính ở trên, vốn bỏ ra cũng chỉ bằng một nửa.
Dĩ nhiên Red Bull còn đổ tiền tài trợ cho nhiều đội đua, nhiều gương mặt, nhiều đội tuyển khác nhau, nên không thể khẳng định F1 đem về toàn bộ thành công tài chính cho cả tập đoàn. Nhưng ở khía cạnh khác, với F1, Red Bull chạm được vào một thị trường vô cùng tiềm năng và béo bở, thứ mà nhiều bộ môn thể thao khác không thể làm được, đặc biệt là với giới trẻ, khi độ tuổi người xem F1 những năm gần đây càng lúc càng có xu hướng trẻ hóa.
Tuy nhiên đến năm 2020, cộng với xu hướng của những năm trước đó, mọi chuyện đang có sự thay đổi lớn trong nội bộ Red Bull nói chung và đội đua nói riêng. Họ đang định hướng kiếm lời từ những môn thể thao họ tham gia, thứ từng được cho là chỉ để tăng doanh số bán nước tăng lực.
Động thái đầu tiên là việc Honda, nhà sản xuất động cơ F1 cho Red Bull và Alpha Tauri (Torro Rosso đổi tên theo thương hiệu quần áo của Red Bull) tuyên bố rời khỏi cuộc chơi sau năm 2021. Điều bất ngờ là thay vì đi tìm đối tác bán động cơ khác như Mercedes, Ferrari hay Renault, Mateschitz tuyên bố sẽ mua lại và đầu tư luôn vào nhà xưởng cũng như hệ thống phát triển sản xuất động cơ mà Honda để lại ở Anh Quốc. Mateschitz nói đây là khoản đầu tư quan trọng nhất đối với Red Bull, kể từ khi họ mua lại Jaguar F1 Team năm 2004.
Đây là động thái rất quan trọng, vì hiện giờ có 10 đội đua F1, nhưng chỉ có 4 nhà cung cấp động cơ. Việc Honda giao lại mọi thứ cho Red Bull Racing đồng nghĩa với việc Red Bull sẽ trở thành một nhà cung cấp động cơ đúng nghĩa, Red Bull Powertrains, với khả năng trong tương lai gần sẽ có cả khách hàng mua động cơ để chạy xe F1, chứ không chỉ phục vụ cho xe “gà nhà” như năm 2022 tới, càng không phải một đội đua “khách hàng” phải theo sau các factory team như Mercedes-AMG, Scuderia Ferrari và Alpine (Renault) nữa.
Với tuyên bố này, mô hình kinh doanh của Red Bull Racing gần như thay đổi hoàn toàn, vì việc đổ tiền tấn nghiên cứu phát triển và sản xuất động cơ Công thức 1 hoàn toàn không có giá trị marketing nào rõ ràng trong nỗ lực tăng doanh số bán hàng của Red Bull. Thay vào đó, đội đua không chỉ đốt tiền của tập đoàn mẹ nữa, mà còn có khả năng đóng góp doanh thu cho Red Bull GmbH, trong trường hợp có đội đua thấy sức mạnh động cơ của Red Bull sản xuất đủ ấn tượng để đăng ký làm khách hàng, bỏ ra số tiền 10 triệu USD cho mỗi khối động cơ V6 tăng áp hybrid.
Cùng lúc, Red Bull cũng đang sở hữu ngót nghét gần chục đội bóng và đội khúc gôn cầu: New York Red Bulls, New York Red Bulls II, Red Bull Salzburg, FC Liefering, RB Leipzig, Red Bull Brasil…
Định hướng thể thao của Red Bull trong mắt Dietrich Matesschitz đã thay đổi. Ông đang muốn những “công ty con” này trở thành những cái tên độc lập tự chủ tài chính. Bản thân Red Bull Racing cũng thay đổi, với sự hợp tác cùng Aston Martin để phát triển chiếc siêu xe Valkyrie. Vừa rồi Christian Horner trả lời phỏng vấn cho biết, trong tương lai rất có thể sẽ có những chiếc siêu xe đóng mác Red Bull chạy ngoài đường, chứng tỏ tham vọng rất nghiêm túc của Red Bull với việc biến đội đua từ cỗ máy marketing trở thành một cái tên đáng gờm trong ngành công nghiệp và công nghệ xe.
Tua nhanh đến hôm chủ nhật, 12/12 vừa rồi. Cuối cùng thì sau nhiều năm trời trắng tay, Red Bull cũng đã có chức vô địch tay đua đầu tiên kể từ năm 2013. Dù họ để vuột chức vô địch đội đua vào tay Mercedes-AMG, nhưng cuộc chiến diễn ra ở giải đấu năm 2021 vừa rồi cũng chứng minh được sự nghiêm túc trong tham vọng thống trị bộ môn thể thao tốc độ này của Red Bull Racing nói chung và Dietrich Mateschitz nói riêng.
Dĩ nhiên chức vô địch này vẫn sẽ giúp Red Bull bán được nhiều nước tăng lực hơn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đó không còn là mục tiêu duy nhất của họ nữa, mà tham vọng của cả đội đua cũng như cả tập đoàn mẹ cũng đã thay đổi rất nhiều.
Theo Athletic Interest