Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng là một Doanh nghiệp Cổ phần  được chuyển đổi từ Công Ty TNHH Một Thành Viên Cấp Thoát Nước Lâm Đồng từ tháng 6/2018.

Ngành nghề kinh doanh chính là Sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt. Khai thác, xử lý nước, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt đô thị và công nghiệp. Tư vấn thiết kế công trình, giám sát thi công công trình xây dựng, thi công xây dựng công trình: Cấp thoát nước, xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng, thủy lợi, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, vườn sinh thái... Sản xuất và kinh doanh dịch vụ vật tư ngành nước. Hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ, tham quan, nghỉ dưỡng.

Địa bàn hoạt động của công ty là hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch cho thành phố Đà Lạt và các đô thị trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (ngoại trừ thành phố Bảo Lộc, huyện Di Linh và thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, huyện Cát Tiên). Bên cạnh đó, Công ty là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ xử lý và thoát nước thải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo báo cáo thường niên 2022, công ty hiện có 11 đơn vị trực thuộc và 2 công ty liên kết. Vốn điều lệ của công ty tính đến hết ngày 30/6/2023 là 788 tỷ đồng, được chia thành 78,8 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong 6 tháng đầu năm đạt gần 150 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu kinh doanh nước sạch chiếm phần lớn tổng doanh thu, đạt 136 tỷ đồng.

Doanh thu xử lý nước thải là 9,2 tỷ đồng, doanh thu xây dựng, lắp đặt hệ thống nước đạt gần 4 tỷ đồng, phần còn lại đến từ doanh thu khác.
Trong kỳ, công ty cũng nhận được gần 25 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, đến từ lãi tiền gửi và cổ tức được chia. Chi phí tài chính của công ty giảm nhẹ từ mức 7,7 tỷ đồng của năm 2022 xuống còn 7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Tổng chung, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiền mặt của Cấp thoát nước Lâm Đồng ghi nhận đến hết 6 tháng đầu năm đạt 144 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng từ mức 34,7 tỷ đồng lên 40,6 tỷ đồng. Tổng chung công ty có 40,77 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng cộng nguồn vốn của Cấp thoát nước Lâm Đồng ở mức 1.168 tỷ đồng, giảm nhẹ 5 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả ở mức gần 276 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn 195,7 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo tình hình Quản trị Công ty 6 tháng đầu năm 2023 của Cấp thoát nước Lâm Đồng có thể thấy, trong 6 tháng đầi năm, doanh nghiệp này có sự biến động lớn về nhân sự cao cấp.

Cụ thể, doanh nghiệp này miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Dương Tiến Dũng từ ngày 27/5/2023, bầu bổ sung ông Đỗ Văn Hạ vào cùng ngày. Ngoài ra, LDW cũng thay đổi 2 thành viên Ban Kiểm soát công ty.

Ông Dương Tiến Dũng là bố của Á hậu Dương Trương Thiên Lý– vợ ông Nguyễn Quốc Toàn (cựu Chủ tịch Nam Á Bank). Ông Dũng là thành viên HĐQT không điều hành, trúng cử ngày 8/6/2018, hết nhiệm kỳ ngày 27/5/2023.

Dù không được tái bầu vào ban điều hành của Cấp thoát nước Lâm Đồng nhưng ông Dũng vẫn có vai trò lớn tại doanh nghiệp này. Cụ thể, tại Công ty CP Cấp thoát nước Thủy Anh do ông Dương Tiến Dũng là đại diện, là cổ đông chiến lược, nắm giữ 15,87% cổ phần tại đây.

Ông Dương Tiến Dũng (1954) quê gốc tại Tiền Giang, sinh ra tại Đồng Tháp. Từ năm 1978 đến 2014, ông Dũng là giảng viên, trưởng bộ môn tại trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau khi nghỉ hưu, ông cùng con gái và một cổ đông khác lập ra CTCP cấp thoát nước Thủy Anh. 

Tại thời điểm đó, ông Dũng nắm 91% vốn điều lệ (tương đương 455 tỷ đồng), còn con gái ông là bà Dương Thị Duyên Hải nắm 4,5%, bà Nguyễn Thị Kim Phượng nắm 4,5% còn lại.

Tháng 8/2016, ông Dũng và con gái đã bán 91% vốn tại Cấp thoát nước Thủy Anh cho bà Trần Thị Y – người có cùng địa chỉ thường trú với ông Dũng.

Sang năm 2017, HĐQT Cấp thoát nước Thủy Anh đề cử ông Dương Tiến Dũng, đại diện cho 17,38% tỷ lệ sở hữu tại CTCP Cấp thoát nước Bến tre vào HĐQT công ty. Cũng trong năm, bà Trần Thị Y chuyển giao lại vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Cấp thoát nước Thủy Anh cho ông Dũng.

Tại Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Mesa, bà Trương Thị Mỹ An - vợ ông Dùng là cổ đông lớn, có tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết năm giữ 17,74% tại Cấp thoát nước Lâm Đồng.

Ông Đỗ Văn Hạ - người thay thế ông Dương Tiến Dũng trở thành thành viên HĐQT LDW, là thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (BMS) từ ngày 28/4/2023. Đây là doanh nghiệp mà nhóm cổ đông của ông Dương Tiến Dũng nắm giữ đến 70% tỷ lệ sở hữu.

Theo BCTC bán niên 2023 đã soát xét của BMS, tính đến ngày 30/6/2023, ông Dương Tiến Dũng sở hữu 23%, bà Trương Thị Mỹ An nắm giữ 23% và Công ty CP Rồng Ngọc 24%. Rồng Ngọc do Dương Trương Thiên Lý là cổ đông sáng lập và nắm 80% vốn doanh nghiệp này.

Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, năm 2017 ông Dương Tiến Dũng là người thay thế ông Nguyễn Chấn - chồng cố doanh nhân Tư Hường để sở hữu 98% vốn điều lệ (tương đương 1.146,6 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Hòa Cầu (Tập đoàn Hoàn Cầu).

Năm 2018,  ông Dũng lãnh đạo CTCP Rồng Thái Bình Dương với tỷ lệ nắm giữ 80%, 20% còn lại do bà Nguyễn Thị Kim Phượng sở hữu.

Rồng Thái Bình Dương được biết đến là cổ đông lớn Nam Á Bank. Doanh nghiệp này được thành lập tháng 10/1999. Cổ đông sáng lập nắm giữ tới 99,67% cổ phần là ông Nguyễn Quốc Toàn. Đến cuối năm 2012, vợ ông Toàn là Á hậu Dương Trương Thiên Lý sở hữu 99,94% cổ phần.