bo-cong-thuong-can-4100-ty-dong-de-du-tru-xang-dau-bo-tai-chinh-noi-khong-thejpg-1677588682.jpg

Mới đây, Bộ Công thương và Bộ Tài chính vừa có phiên giải trình trước Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, về những biến động chưa từng có trong lịch sử của tình hình xăng dầu trong nước. Cụ thể, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định tình hình khó khăn của thị trường xăng dầu trong nước phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Đầu tiên là do tỷ giá USD, lãi suất tín dụng tăng cao, đặc biệt là sự cố trái phiếu doanh nghiệp đã khiến cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu không đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Từ đó dẫn đến tổng mức nhập khẩu xăng dầu và tiến độ bị ảnh hưởng nặng nề. Thứ hai là nguồn cung trong nước còn bị gián đoạn bởi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, vì nhà máy này đang gặp vấn đề về tài chính nên nguồn cung không đảm bảo. Hiện các nhà đầu tư góp vốn của dự án và nhà máy đang đàm phán tích cực với những ngân hàng tài trợ vốn, để đưa ra những phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Diên nhận định rằng sản lượng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong năm qua vẫn đảm bảo, thậm chí vượt 7,3% so với kế hoạch phân giao. Năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu đạt 25,58 triệu m3/tấn, trong đó lượng cung từ sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ 61,3% đạt 15,69 triệu m3/tấn, và nhập khẩu đạt 34% tương đương khoảng 8.87 triệu m3/tấn. Cả hai nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu đều tăng trưởng lần lượt 13,7% và 27% so với năm trước. 

Tuy nhiên, thực tế năm 2022 vẫn xảy ra tình trạng người dân xếp hàng dài chỉ để chờ đợi mua xăng dầu, và nhiều cửa hàng treo bảng tạm dừng bán hàng vì hết xăng hết dầu. Vấn đề này từ trước đến nay rất hiếm khi xuất hiện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quản lý thị trường của Bộ đã xử phạt 600 vụ với số tiền khoảng 20 tỷ đồng, khi tiến hành thanh tra 2.700 vụ trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu, Bộ Công Thương đã 4 lần gửi Thủ tướng phương án nâng dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Theo phương án lần gần nhất được gửi vào ngày 27/12/2022, mức dự trữ xăng dầu quốc gia hiện nay là 9 ngày nhập ròng, sẽ tăng lên 15 ngày trong giai đoạn 2023 - 2025, và tăng lên 30 ngày nhập ròng trong 5 năm sau đó. Tổng số tiền để thực hiện phương án này lên đến 4.100 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng về phía Bộ Tài chính thì phương án này hiện không thả khi. Nguyên nhân là vì ngân sách chỉ được bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng/năm cho toàn ngành dự trữ của quốc gia, số vốn này còn chưa đáp ứng được 40% phương án của Bộ Công thương. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận vì Nhà nước không có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của doanh nghiệp. Do đó dẫn đến khó khăn trong việc tách bạch dự trữ xăng dầu quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp. Trước đó, Bộ đã từng thất bại trong việc đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia, bởi vì không có doanh nghiệp tham gia.