Sự thoái lui của Bitexco

Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco vừa công bố thoái hết vốn khỏi Tổng công ty IDICO (HNX: IDC). Thời gian thực hiện từ 28/5-25/6/2021; phương thức khớp lệnh và thoả thuận trên sàn.

Bitexco là cổ đông chiến lược của IDICO từ đợt cổ phần hoá cuối năm 2017 với tỷ lệ sở hữu 22,5%. Giá mua mỗi cổ phần khi đó là gần 24.000 đồng. Nếu tính theo thị giá quanh ngưỡng 35.000 đồng/CP hiện nay, Bitexco có thể mang về khoản lãi gần 50% sau gần 4 năm đầu tư, không phải mức quá cao nhưng chắc hẳn là một tỷ lệ chấp nhận được, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy tồn tại sự khác biệt rõ nét giữa Bitexco và các nhóm cổ đông lớn còn lại.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Đoàn Chủ tịch 3 người thì có tới 2 của SSG Group, vị trí còn lại là của Chủ tịch HĐQT Lê Bá Thọ (sẽ đề cập phần sau), trong khi Bitexco không có đại diện.

Cùng với đó, ở tờ trình số 9: Thông qua phương án phân phối lợi nhuận (không chia cổ tức năm 2020) và tờ trình số 13: Thông qua phương án phát hành cổ phần (phát hành 150 triệu cổ phần với tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/CP), có lần lượt 67,68 triệu cổ phần (22,56%) và 67,54 triệu cổ phần (22,51%) bỏ phiếu phủ quyết. Xâu chuỗi lại, thì bên bỏ phiếu phủ quyết, khó lòng là ai khác ngoài Bitexco, trong bối cảnh tập đoàn này dứt khoát thoái vốn khỏi IDICO.

Một câu hỏi lớn lúc này: bên mua sẽ là ai?

Sau khi Nhà nước thoái vốn cuối năm ngoái, IDICO giờ đây đã là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân. Ngoài Bitexco, cựu thành viên Bộ Xây dựng còn một cổ đông lớn khác là SSG Group, với 2 nhà đầu tư liên quan là ông Đặng Việt Dũng - con trai Chủ tịch SSG Group Nguyễn Hồng Phương sở hữu 2,53% và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt có 3,6%, tổng cộng là 28,63%.

Hai nhóm cổ đông lớn đang công khai nắm giữ 51,13% IDICO, trong khi chủ sở hữu gần 49% còn lại vẫn là thông tin bí ẩn.

Quay lại thời điểm cổ phần hoá IDICO, khi đó, Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng vẫn giữ 36%. Sau khi Tập đoàn Kinh Bắc bị loại, IDICO chỉ có 2 nhà đầu tư chiến lược, chia đều nhau sở hữu 45% cổ phần; chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 18,46%; còn lại bán ưu đãi cho người lao động 0,54%. Giá trúng bình quân trong phiên IPO là 23.940 đồng/CP, cao hơn 33% so với mức khởi điểm. Đây cũng là mức giá sau đó bán cho nhà đầu tư chiến lược Bitexco và SSG.

Trong phiên IPO ngày 5/10/2017, toàn bộ hơn 55,3 triệu cổ phần IDICO đã được bán hết cho 116 nhà đầu tư (35 tổ chức), trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến 75%, tương đương khoảng 41,35 triệu cổ phần.

Chân dung các nhà đầu tư ngoại dần hé lộ, đó là các quỹ thuộc Dragon Capital (9,7%) và các quỹ thuộc ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc (2,2%). Từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019, các quỹ ngoại này đã thoái gần hết vốn khỏi IDICO. Tới tháng 10/2020, ngay trước thời điểm Bộ Xây dựng thoái vốn, IDICO thông báo giới hạn sở hữu nước ngoài là 0%, đồng nghĩa "đóng cửa" với nhà đầu tư ngoại kể từ thời điểm đó.

Trong phiên đấu giá ngày 27/11/2020, 1 tổ chức và 8 cá nhân đã chia nhau trúng đấu giá 36% cổ phần IDICO của Bộ Xây dựng, với mức giá bình quân sát khởi điểm là 26.936 đồng/CP.

Ngoại trừ Covestcons công bố mua vào 8,13%, thì các nhà đầu tư khác đều không sở hữu quá 5% để công bố thành cổ đông lớn. Bản thân công ty con của Coteccons sau đó 1 tháng, ngày 29/1/2021 đã bán toàn bộ số cổ phần IDC.

Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, từ giữa năm 2020 đến nay, đã có đến gần 150 triệu cổ phiếu, tức lên tới 50% vốn IDICO được mua bán thoả thuận. Đặc biệt từ sau khi Nhà nước thoái hết vốn cuối năm ngoái, giao dịch cổ phiếu IDC trên sàn HNX trở nên đặc biệt sôi động, với hàng triệu, thậm chí cả chục triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên (chưa kể thoả thuận), so với chỉ vài chục nghìn đơn vị giai đoạn trước đây.

Những diễn biến này là dấu hiệu cho thấy có một bên thứ ba đang "nhắm" tới IDICO. Bên thứ ba này, hẳn phải rất có nghề trong lĩnh vực M&A, tài chính chứng khoán. Tới ĐHĐCĐ bất thường đầu tháng 2/2021, những cái tên đáng chú ý đã bắt đầu xuất hiện.

"Tay chơi" mới ở "game" IDICO

Song song với việc miễn nhiệm các đại diện nhà nước là ông Ninh Mạnh Hồng, Trịnh Hùng Lâm và Nguyễn Văn Đạt, ĐHĐCĐ bất thường đã bầu bổ sung ông Nguyễn Cao Nguyên, ông Tôn Thất Anh Tuấn và ông Lê Bá Thọ vào HĐQT, trong đó, ông Thọ sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT IDICO.

Ông Lê Bá Thọ sinh năm 1981, là một thành viên cốt cán trong hệ sinh thái đa dạng của một tập đoàn sản xuất lớn đang niêm yết trên HoSE.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, tập đoàn này tham vọng M&A thành công IDICO và sẽ gộp với một tổng công ty khác cũng đang niêm yết trên sàn HoSE để phát triển mảng bất động sản, với 2 trọng tâm: khu công nghiệp và khu đô thị.

Bởi vậy, tập đoàn đang đề cập được kỳ vọng sẽ nhận lại lô 22,5% từ Bitexco, và tiến một bước dài để sở hữu cổ phần chi phối trong IDICO.

Tuy nhiên, nguồn tin của người viết cho hay thương vụ không thành công, do không đạt được đồng thuận về mức giá.

Trong bối cảnh đó, ai sẽ là bên sẵn lòng nhất mua lại số cổ phần của Bitexco? Lưu ý là, trong 3 thành viên mới của HĐQT IDICO, còn có ông Nguyễn Cao Nguyên do SSG Group đề cử.

Như vậy, trong HĐQT 5 người hiện nay của IDICO, có 2 người của SSG Group là ông Đặng Chính Trung và ông Nguyễn Cao Nguyên, Bitexco có ông Vũ Quang Bảo, tập đoàn niêm yết có ông Lê Bá Thọ, cùng thành viên độc lập Tôn Thất Anh Tuấn.

Ảnh hưởng lớn của SSG Group không chỉ thể hiện qua 2/5 vị trí trong HĐQT, mà còn nhìn từ vai trò Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật duy nhất của IDICO được bổ nhiệm cho ông Đặng Chính Trung từ cuối năm 2020. Ông Trung quê Nghệ An, là chồng bà Nguyễn Hồng Phương - người sáng lập SSG Group.

Với những dữ liệu mà Nhadautu.vn có được, tổng tài sản của SSG Group tới cuối năm 2019 là 4.508 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.110 tỷ đồng, doanh thu thuần 1,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 260,4 tỷ đồng.

Tất nhiên đây mới chỉ là các chỉ tiêu của tập đoàn mẹ, nếu tính hợp nhất hàng chục công ty con, quy mô tập đoàn của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Hồng Phương - Đặng Chính Trung chắc hẳn sẽ lớn hơn đáng kể.

Dù vậy, nếu mua trọn lô 67,5 triệu cổ phần IDC của Bitexco với giá hiện nay, SSG Group có thể sẽ phải bỏ ra số tiền khổng lồ: khoảng 2.400 tỷ đồng. Khả năng thu xếp nguồn vốn bởi vậy sẽ là bài toán không dễ giải, khi mà lô 67,5 triệu cổ phần IDC của bản thân SSG nhiều năm qua đang "lưu cữu" ở Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). (Mối quan hệ mật thiết của SSG Group và OCB sẽ được đề cập trong một dịp khác).

Trong bối cảnh đó, một kịch bản "chia phần" sở hữu lô của Bitexco nói riêng và cả IDICO nói chung dường như là viễn cảnh khả dĩ hơn cả, dành cho cả SSG Group lẫn tập đoàn đằng sau Chủ tịch Lê Bá Thọ.

Tuy nhiên trong một bài phân tích trên trang Etime của Báo Dân Việt lại hé mở ra những tình tiết mới rằng, đại gia Tuấn “Mượt” và Tập đoàn SSG thực ra lại có quan hệ mật thiết và rất liên quan đến nhau. 

Trước khi được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Tổng CTCP Thiệt bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX), ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức vụ Phó chủ tịch CTCP Hạ tầng Fecon, thời điểm doanh nghệp này vừa mới thành lập.

Dữ liệu cho thấy, có 23 cổ đông sáng lập CTCP Hạ tầng Fecon. Trong đó, CTCP Fecon (Hose: FCN), CTCP SCI (HNX: S99), ông Phạm Việt Khoa (chủ tịch Fecon) và đại gia Tuấn "Mượt" nắm hơn 80% vốn của Hạ tầng Fecon. 

Không dừng lại ở nhà đầu tư chiến lược của TEDI và CIENCO1, Fecon và CIENCO1 còn bắt tay với Coteccons (HoSE: CTD) để thành lập nên CTCP Đầu tư Hạ tầng FCC. 

Và từ đây, mối quan hệ giữa Tuấn "Mượt" với Tập đoàn SSG dần hé lộ. Fecon, một doanh nghiệp tư nhân được thành lập bởi nhóm kỹ sư và chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình, có vai trò quan trọng trong việc kết nối hệ sinh thái của đại gia Tuấn "Mượt" với Tập đoàn SSG. Đây là nhóm có quan hệ họ hàng, tình thân chặt chẽ với nhau, và đến từ huyện Ý Yên, Nam Định, quê hương của ông Đinh La Thăng.

Dưới thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), bộ 3 Fecon, PVN và Tập đoàn SSG đã có nhiều hợp tác kinh doanh, góp vốn đầu tư các dự án bất động sản. Điển hình như thương vụ đầu tư đình đám của CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG (PVN – SSG) trên khu đất 21,2ha tại lô X1, X2 và 3,8ha trên lô X3, thuộc khu Công viên Văn hóa Thể thao Tây Nam Hà Nội. (Năm 2015, dự án trên khu đất 21,2ha tại Lô X1,X2  đã được chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư Mai Linh, doanh nghiệp hạt nhân của ông Trần Đăng Khoa, còn có tên Khoa Khàn).

Được biết, ở thời điểm quý IV/2017, cơ cấu cổ đông của PVN – SSG gồm CTCP Hạ tầng Fecon nắm giữ 6% của PVN – SSG, Tập đoàn SSG nắm giữ 81,2% vốn, Ocean Bank nắm 8% và PVN nắm 4,8%.

Nguồn: THANH HƯƠNG - XUÂN TIÊN/Nhà đầu tư

https://nhadautu.vn/kich-ban-nao-cho-game-idico-d52602.html