Tính đến ngày 26/01, đồng Bitcoin hiện đang ở mức 37.800 USD, giảm mạnh so với mức đỉnh 69.000 USD hồi tháng 11 năm ngoái. Đồng Ethereum cũng đang ở mức hơn 2.000 USD, cũng giảm mạnh từ mức đỉnh 4.800 USD trong cùng thời điểm.
Cointelegraph dẫn lời các chuyên gia phân tích cho biết đồng Bitcoin có nguy cơ giảm xuống dưới mức thấp hơn 36.000 USD, và bây giờ có thể là lúc các nhà đầu tư nên nghĩ mức chạm đáy của đồng tiền này.
Trên thực tế, một vài nhà đầu tư nhìn nhận đây là cơ hội để “bắt đáy”, thu gom mua loại tài sản này để tích trữ.
Tác giả của cuốn sách bán chạy nhất thế giới Rich Dad Poor Dad (tiếng Việt là Cha Giàu Cha Nghèo) Robert Kiyosaki nói rằng ông sẽ mua nhiều bitcoin hơn chỉ khi giá của đồng tiền điện tử hàng đầu này ở xung quanh mức 20.000 USD. Ông thậm chí còn tuyên bố đây là thời cơ tốt, là "một tin tuyệt vời", đồng thời nói thêm rằng “thời gian để trở nên giàu có hơn đang đến”.
Mặt khác, đối mặt với tình trạng bị siết bởi chính phủ và Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), dự án tiền số Diam Association của Facebook có nguy cơ bị tan rã. Theo Bloomberg, Diem Association đang bàn bạc với các ngân hàng đầu tư về việc bán các tài sản sở hữu trí tuệ và tìm nơi chốn mới cho các kỹ sư phát triển công nghệ này.
Năm 2019, khi Facebook lần đầu công bố ý tưởng về phát hành tiền số nhằm tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ tài chính toàn cầu, họ đã hợp tác với gần 30 công ty, tạo ra Libra Association. Tuy nhiên, liên minh này không đủ để bảo vệ dự án khỏi sự dò xét của giới chức toàn cầu. Sau khi Zuckerberg bị quốc hội Mỹ gọi lên điều trần, một số đối tác đã rời dự án. Libra cũng đổi tên thành Diem cuối năm 2020.
Tham vọng của Diem ngày càng thu hẹp. Đến năm ngoái, Giám đốc dự án này – David Marcus – rời Meta. Liên minh sau đó hợp tác với Silvergate Capital để phát hành Diem, nhưng những chính sách hà khắc của Fed đã khiến nỗ lực cuối cùng này gặp khó, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Fed nâng lãi suất, các ngân hàng trung ương siết chặt
Cuối tháng 12 năm ngoái, Fed ra thông báo kế hoạch sẽ nâng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2022, và lần đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 2 này. Điều này ngay lập tức gây nên tình trạng tụt dốc của tiền số thêm trầm trọng hơn.
Fed lựa chọn tăng lãi suất nhằm đối phó với áp lực lạm phát đang ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm. Trước đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và hầu hết các nhà hoạch định chính sách khác đã dành phần lớn thời gian của năm 2021 để nhấn mạnh rằng đà tăng giá sẽ sớm “hạ nhiệt.” Nhưng họ đã phải thừa nhận vào cuối năm rằng xu hướng tăng này không còn mang tính “nhất thời” như kỳ vọng trước đó.
Tuy nhiên, cũng có một nguyên nhân đằng sau đó là dòng tiền USD đang đổ vào thị trường tiền số quá nhiều bởi xu hướng tiền rẻ lên ngôi trong 2 năm vừa rồi.
Cụ thể, tiền số bùng nổ sau tháng 3/2020, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung ra các biện pháp kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch tới kinh tế. Một lượng lớn trong các gói hỗ trợ này được chuyển đến tài sản kỹ thuật số. Bitcoin đã tăng hơn 300% vào năm 2020 và ghi nhận thêm 60% vào năm sau, đạt mức kỷ lục gần 69.000 USD vào đầu tháng 11.
Hưởng ứng sự "diều hâu" của Fed, ngân hàng trung ương Nga gần đây đã ban hành hàng loạt các quy định siết chặt tiền điện tử, bao gồm cả lệnh cấm đối với hoạt động khai thác và giao dịch. Nga hiện nay chiếm khoảng 10% công suất khai thác Bitcoin toàn cầu khiến nước này trở thành trung tâm chính để xử lý các giao dịch trên mạng.
Ngân hàng trung ương của Nga cho biết tiền điện tử đang được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp và gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính và chính sách tiền tệ.
Nga được cho là đang đi theo con đường của Trung Quốc trong quản lý chặt chẽ Bitcoin. Theo đó, Bắc Kinh đã cấm khai thác Bitcoin và những giao dịch liên quan vào năm ngoái.
Cả hai quốc gia cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng và giá điện tăng. Điều này khiến việc khai thác Bitcoin trở thành mục tiêu của cả cơ quan quản lý tài chính và năng lượng. Ngân hàng trung ương của Nga cho biết khai thác Bitcoin “tạo ra mức tiêu thụ năng lượng điện không hiệu quả”.