Tháng 7.2020, ngân hàng HSBC tổ chức buổi lễ ký hợp đồng tín dụng xanh cho một doanh nghiệp Việt Nam. Đây là doanh nghiệp ngành nhựa đầu tiên được ngân hàng này cấp vốn xây dựng nhà máy tái chế chai nhựa cũ thành chai nhựa mới. Khi báo chí đặt câu hỏi phỏng vấn, nhà sáng lập để cấp dưới đi cùng tiếp chuyện báo giới. Buổi lễ vừa kết thúc, ông lặng lẽ rời đi.
Trong 33 năm dẫn dắt công ty ông chủ này luôn giữ phong thái kín kẽ trong đối ngoại, thậm chí được cho là ít khi phát biểu dài dòng trước nhân viên. Người đó là ông Trần Duy Hy, sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Nhựa Duy Tân, thương hiệu nhựa gia dụng phổ biến ở Việt Nam.
Năm 2019, doanh thu công ty đạt gần 5.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần doanh thu công ty nhựa gia dụng ở vị trí thứ hai. Năm 2020, công ty tư nhân này là đại diện duy nhất trong ngành nhựa gia dụng có mặt trong danh sách 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Thương hiệu Duy Tân được Forbes Việt Nam xác định giá trị 20,4 triệu USD. “Ai cũng có thể mua đồ của Duy Tân. Công ty có gần 1.000 đơn vị hàng hóa (SKU) và 14.000 đại lý phân phối cả nước,” ông Lê Anh, giám đốc tiếp thị của Duy Tân nói.
Duy Tân do vợ chồng ông Trần Duy Hy sáng lập và điều hành. Quê Vĩnh Long, ông Hy sinh năm 1959, lên TP.HCM học ngành cơ khí, đại học Bách Khoa. Năm 28 tuổi, ông lập tổ hợp sản xuất nhựa Duy Tân, ghép chữ “Duy”, tên đệm dùng để gọi ông trong gia đình có nhiều anh em có cùng tên và chữ “Tân” nghĩa là sự đổi mới.
Ông Hy giới thiệu Hệ thống sản phẩm của DUY TÂN
“Tính cách anh Hy xưa nay là con người thiên về kỹ thuật, rất ít xuất hiện. Anh Hy nói, anh ‘ra ngoài’ hơi cứng. Anh ấy muốn mọi người biết đến công ty với hình ảnh trẻ trung hơn,” ông Lê Anh giải thích. Không chỉ đối ngoại, mà trong các buổi tổng kết của công ty, nhà sáng lập xuất hiện thoáng qua, thường chỉ phát biểu ngắn gọn vài phút.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét: “Ông chủ quyết đoán mà lại lặng lẽ nhất của công ty nhựa” khi nhắc đến nhà sáng lập Duy Tân. Phong thái lặng lẽ, sự tập trung vào làm việc của ông Hy khiến nhiều người quen biết dành cho ông sự kính nể.
Một lãnh đạo Duy Tân nhận xét: “Có ba từ có thể nói về anh Hy: khiêm nhường, nhân văn và đam mê.”
Ngoài ra, ông Hy còn hỗ trợ một số nhân viên công ty đi học ở nước ngoài hay có nguyện vọng “có thẻ xanh” bằng cách giúp họ sang làm việc tại nhà máy tại Mỹ. Năm 2011, nhận thấy thị trường Mỹ tiềm năng, Duy Tân mua một nhà máy để cung ứng bao bì cho các thương hiệu tại đây.
Ông Hy lập cả công ty nông nghiệp, trồng rau sạch, nuôi cá, chế biến suất ăn cho gần 5.700 công nhân. “Vì sự nhân văn của anh ấy nên công ty Duy Tân chưa bao giờ đuổi ai ngoại trừ vi phạm về mặt đạo đức,” vị lãnh đạo cho hay.
Nhưng có ý kiến nhận xét quản trị bằng tình nghĩa vô tình tạo nên sức ì cho Duy Tân. Trái với tính cách điềm tĩnh, ông Hy được cho là rất máu lửa tìm tòi ý tưởng trong kinh doanh.
Ông Lê Anh kể, ông Hy chịu khó đọc và nghiên cứu về ngành nhựa: “Ra nước ngoài cũng chỉ dự hội chợ. Đi đâu cũng cầm điện thoại chụp, kể cả thùng rác, xong về nghiên cứu cách sản xuất ra nó.”
Sau nhiều năm Duy Tân dẫn đầu mảng nhựa gia dụng, một số đối thủ len vào các ngách thị trường tạo ra sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cạnh tranh với công ty. Do vậy, công ty buộc phải cập nhật mẫu mã nhanh hơn.
Ngoài ra, công ty không chỉ quảng bá qua kênh truyền thống như chợ, siêu thị mà xuất hiện trên mạng xã hội, YouTube, Facebook, Tik Tok tiếp cận khách hàng trẻ.
Với số vốn tài trợ của ngân hàng HSBC, Duy Tân rót 60 triệu USD xây dựng nhà máy tái chế đầu tiên áp dụng quy trình “Bottles to Bottles” - công nghệ tái chế chai nhựa cũ thành hạt nhựa nguyên liệu, sau đó hạt nhựa nguyên liệu sản xuất ra chai nhựa mới. Nhà máy này đặt tại khu công nghiệp Tân Đô (Long An) có công suất lên tới 100 nghìn tấn nhựa tái chế mỗi năm, tương ứng 1/3 công suất hiện tại của Duy Tân.
Danh sách khách hàng của nhà máy này đã có. “Các công ty đa quốc gia hoặc công ty Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thường hướng đến một tỉ lệ tái chế nhất định,” ông Lê Anh giải thích về dự án đang xây dựng.
Hiện tại, Duy Tân sản xuất sản phẩm nhựa từ bao bì, sản phẩm nhựa gia dụng tới sản phẩm nhựa công nghiệp với giá bán từ vài ngàn cho đến vài triệu đồng. Trong đó, mảng nhựa gia dụng, mảng làm nên thương hiệu Duy Tân đóng góp 50% doanh thu, tương ứng 2.500 tỉ đồng, theo số liệu tự bạch.
Theo công ty Chứng khoán FPT (FPTS), ngành nhựa gia dụng chiếm tỉ trọng khoảng 22% giá trị sản xuất ngành nhựa, tương ứng 3,3 tỉ USD. Việt Nam có khoảng 3.300 doanh nghiệp ngành nhựa đang hoạt động với quy mô toàn ngành ở mức 15 tỉ USD.
Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nhựa được chia thành bốn mảng lớn: nhựa gia dụng, nhựa bao bì, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật gồm các linh kiện, phụ tùng nhựa có độ chính xác cao dùng trong lĩnh vực điện tử.
Đơn cử, Đại Đồng Tiến có thế mạnh trong lĩnh vực nhựa gia dụng, Nhựa Ngọc Nghĩa tập trung mảng chai pet, bao bì, Long Thành mạnh về pallet và sóng nhựa, Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh dẫn đầu thị phần ống nhựa xây dựng, công ty Cát Thái và Minh Nguyên chuyên về nhựa kỹ thuật cao. Các công ty nước ngoài thống lĩnh ngành bao bì.
Duy Tân, khác các công ty khác, tham gia hầu hết các mảng, trừ nhựa xây dựng. Danh sách khách hàng doanh nghiệp của Duy Tân khá dài. Duy Tân cung cấp bao bì, chai nhựa, nắp chai cho một loạt các nhãn hàng thông dụng như Omo, Comfort, Sunlight, Lux, Romano, Lix, Lifebuoy, Biore, Enchanteur, Meiji, Nam Dương.
Gần đây, Duy Tân mở rộng đối tượng khách hàng sang lĩnh vực y tế, hóa mỹ phẩm, hộp đựng đồ ăn trên máy bay, nhựa kỹ thuật cao trong ngành điện tử. “Lật ngược đáy chai lên sẽ thấy chữ DT. Đó chính là viết tắt của Duy Tân,” ông Lê Anh nói.
Xuất phát điểm của Duy Tân là một tổ hợp sản xuất nhựa thành lập năm 1987. Ban đầu, công ty làm bao bì nhựa chất tẩy rửa, vệ sinh cá nhân. Năm 1990, nhận thấy thị trường nhựa gia dụng Việt Nam tăng trưởng mạnh, tận dụng công suất máy móc, Duy Tân thử nghiệm sản xuất thêm đồ gia dụng.
Những năm 1990, tỉ lệ nhựa gia dụng Việt Nam lên tới 60% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành, theo hiệp hội Nhựa Việt Nam, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt và cuộc sống với ưu điểm giá thành rẻ, sản xuất trong nước có chi phí cạnh tranh hơn sản phẩm nhập khẩu do kích thước cồng kềnh, khó vận chuyển.
Trong cơ cấu doanh thu nhựa gia dụng của Duy Tân hiện tại tủ nhựa chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 20%. Ông Lê Anh kể: “Lúc đầu, khi ra mắt tủ nhựa, sản phẩm khó tiếp cận vì thị trường chưa quen. Trước đó, người Việt Nam chỉ quen dùng tủ sắt có khung kiếng cao, khi bị hư, kéo cửa tủ kêu két két.”
Trước đó, kênh phân phối chính của Duy Tân là các tiệm tạp hoá ở chợ. Ban đầu, công ty giới thiệu sản phẩm tủ nhựa ở những cửa hàng nội thất và siêu thị, nhờ đó khách hàng biết tới, mua dùng thử, sau khi dùng thấy tốt giới thiệu cho người khác, thương hiệu cơ cấu doanh thu nhựa gia dụng của Duy Tân hiện tại tủ nhựa chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 20%.
Ông Lê Anh kể: “Lúc đầu, khi ra mắt tủ nhựa, sản phẩm khó tiếp cận vì thị trường chưa quen. Trước đó, người Việt Nam chỉ quen dùng tủ sắt có khung kiếng cao, khi bị hư, kéo cửa tủ kêu két két.”
Trước đó, kênh phân phối chính của Duy Tân là các tiệm tạp hoá ở chợ. Ban đầu, công ty giới thiệu sản phẩm tủ nhựa ở những cửa hàng nội thất và siêu thị, nhờ đó khách hàng biết tới, mua dùng thử, sau khi dùng thấy tốt giới thiệu cho người khác, thương hiệu được nhận diện tốt hơn.
Duy Tân là một trong 37 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 24 năm liên tục từ năm 1996 đến nay. Những năm 2000, Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai của các tập đoàn quốc tế.
Duy Tân trở thành nhà cung ứng cho Unilever, Nestlé, Motul khi các công ty đa quốc gia này thực hiện chính sách đa dạng hóa nhà cung ứng. Năm 2014, Duy Tân đã sở hữu chứng nhận BRC Global Standard về tiêu chuẩn toàn cầu cho bao bì. Năm 2015, họ đạt chứng nhận sản xuất bao bì cho dược phẩm.
Hiện nay, đại bản doanh của Duy Tân nằm trên đường Hồ Học Lãm (Bình Tân, TP.HCM), đồng thời cũng là nhà máy sản xuất chính trong khuôn viên rộng tới 37 héc ta. Nhà máy nằm giữa hai đối thủ cạnh tranh, bên phải là nhà máy của công ty nhựa Tân Lập Thành, bên trái là công ty Nhựa Long Thành. Dòng chữ: “Làm đúng ngay từ đầu” nổi bật ở trên cao trong lối vào phân xưởng.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu mua sắm hàng gia dụng tụt giảm, nhưng sản phẩm nước rửa tay, dung dịch vệ sinh lại tăng cao khiến sản xuất của Duy Tân vẫn ổn định. “Mỗi năm, chúng tôi đều giữ mức tăng trưởng hai con số. Trong khi thị trường chung ngành nhựa tăng trưởng 7%. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đang lấy thị phần,” ông Lê Anh nói.
Để vươn lên đầu ngành, Duy Tân có nhiều bí quyết cạnh tranh. Trong khu vực sản xuất lõi thuốc lá điện tử, một cánh tay rô bốt Nachi nhập từ Nhật Bản liên tục gắp thả, mỗi lần cho ra 20 sản phẩm lõi thuốc đen bóng, đều và đẹp.
Thông thường, ngoài sản phẩm chính quá trình sản xuất còn có các bộ phận dư thừa. Nhưng sản phẩm Duy Tân gần như không có chi tiết dư thừa. Bí quyết nằm ở khuôn mẫu, mắt xích đóng vai trò quyết định chất lượng sản phẩm.
“Khó nhất trong ngành nhựa là khuôn. Giá trị tri thức bỏ vào rất cao,” ông Lê Anh nói: “Khuôn có độ chính xác càng cao, sản phẩm càng bóng láng. Sự bố trí sắp xếp khuôn càng gọn càng sản xuất ra nhiều sản phẩm trong một chu kỳ”.
Tỷ lệ tự động hóa của Duy Tân hiện tại đạt 38%. “Bộ não” của Duy Tân hiện nằm ở công ty Khuôn chính xác Mida (Long An) và công ty Khuôn chính xác Duy Tân (TP.HCM). Hai nhà máy này được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa, một số trong đó được cử đi tu nghiệp nước ngoài.
Công suất hai nhà máy có thể đạt tới 750 khuôn mỗi năm, thuộc loại quy mô tại Việt Nam. Nhà máy có những máy móc hiện đại nhất trong ngành được nhập từ các quốc gia G7. Trong đó, có những chiếc máy trị giá vài triệu đô la Mỹ có khả năng gia công sản phẩm ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ.
Minh Thiên/tạp chí Forbes Việt Nam số 87, tháng 8.2020