Ông Nguyễn Thọ Tuyển là một gương mặt thân quen và nhiều hào quang của giới bất động sản Việt. Sau khi rời trường học, ông từng kinh qua vài công ty khác nhau, song chỉ tại CEN Land, sự nghiệp của ông mới thăng hoa. Doanh nhân sinh năm 1983 này gia nhập CEN Land vào năm 2008, với vị trí Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản CEN Đống Đa.

3 năm sau, ông được đề bạt lên chức vụ Phó Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CEN Land). 2 năm tiếp theo, ở tuổi 33, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT CEN Land; cùng kề vai sát cánh với Shark Phạm Thanh Hưng, để đưa CEN Group thành tập đoàn ‘có số má’ trong ngành bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, dường như vị CEO trẻ này cảm thấy không còn nhiều thách thức tại CEN Land nên quyết định ra bên ngoài, lập doanh nghiệp kinh doanh theo định hướng riêng của bản thân. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, khi ông Nguyễn Thọ Tuyển ra đi, còn kéo nguyên giàn lãnh đạo CEN Land đi theo, với 3 vị Phó Tổng Giám đốc: Lê Xuân Nga, Trương Hùng Cường, Cấn Công Việt.

screen-shot-2021-07-08-at-54920-pm-1625741761.png
3 cựu Phó Tổng Giám đốc CEN Land giờ đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của BHS Group.

Trong năm 2019, CenLand báo lãi 501 tỷ đồng, doanh thu đạt 2.318 tỷ đồng. So với năm 2018, doanh thu CenLand tăng trưởng 37% còn lợi nhuận tăng trưởng 25%. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch cả năm thì kết quả này chỉ đạt 90% chỉ tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lợi nhuận.

Bắt đầu gầy dựng ‘giang sơn mới’ BHS

Trên thực tế, việc ông Tuyển rời khỏi CEN Land vào tháng 3/2020 chỉ là bước đi cuối cùng để hoàn tất kế hoạch ‘ra riêng’ của nhóm lãnh đạo này, bởi trước đó một pháp nhân mới đã được lập ra, chính là Công ty Cổ phần Bất động sản BHS.

Dữ liệu cho thấy: BHS được lập ra vào tháng 6/2019, trước thời điểm ông Lê Xuân Nga rời CEN Land 1 tháng. Thời kỳ đầu, ông Nga là CEO của BHS, sau đó cả chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm CEO đã được giao lại cho ông Tuyển.

Tuy nhiên, điều lạ lùng là ông Tuyển lại không trực tiếp đứng tên cổ phần tại BHS. Tính đến hết năm 2020, danh sách cổ đông cá nhân của BHS ghi nhận những cái tên sau: Lê Xuân Nga (Phó Chủ tịch HĐQT 25%), Trương Hùng Cường (Phó Chủ tịch HĐQT 20%), Cấn Công Việt (Phó Chủ tịch HĐQT 20%). Cá nhân còn lại là bà Phạm Thị Tú Anh với 35%.

Về quy mô tài sản: vào năm 2019, tổng tài sản của BHS đạt 123 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 108,7 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 14,1 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản nổi bật với các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 84 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản. Với một công ty thuần túy làm dịch vụ, tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn như vậy là đáng quan ngại. Mặt tích cực là: phần lớn tài sản của công ty đều được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu (100 tỷ đồng) nên rủi ro không quá lớn.

Về nguồn vốn: nợ phải trả của BHS đạt 22,7 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 19,9 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty có khoản nợ vay dài hạn trị giá 2,7 tỷ đồng. Về tình hình kinh doanh: năm 2019, doanh thu thuần của BHS đạt 16,3 tỷ đồng, lãi gộp đạt 4,4 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 27%.

bhs-team-1625742680.jpg
Đội ngũ của BHS Group.

Tuy nhiên, do các loại chi phí khá lớn, đặc biệt là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 43 triệu đồng. Theo đó, phải nhờ khoản lợi nhuận khác khoản 338 triệu đồng, công ty mới thoát lỗ và ghi nhận giá trị lãi trước thuế 294 triệu đồng.

Điểm đáng chú ý khi xem xét tình hình kinh doanh của BHS là dòng tiền kinh doanh năm 2019. Trong năm này, hoạt động kinh doanh không tạo được tiền, bởi tiền thu về từ bán hàng, cung cấp dịch vụ chỉ 1,9 tỷ đồng trong khi tiền trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ lên tới 11,5 tỷ đồng. Các khoản chi khác cho hoạt động kinh doanh cũng đạt tới 95,7 tỷ đồng đã khiến dòng tiền kinh doanh âm rất nặng (-65 tỷ đồng).

Trong giai đoạn khởi đầu, dòng tiền đầu tư âm 13 tỷ đồng, do công ty tích cực chi mua sắm xây dựng tài sản cố định. Tuy vậy, nhờ vốn điều lệ dày dặn, lưu chuyển tiền thuần vẫn dương 23 tỷ đồng.

Hệ sinh thái BHS với 4 doanh nghiệp hoạt động trong 4 mảng khác nhau của bất động sản

Hiện hệ sinh thái của BHS có 4 doanh nghiệp: CTCP Đầu tư BĐS BMI, CTCP Đầu tư và phát triển Đô thị Sài Gòn, CTCP Quản lý và khai thác BĐS BPmax và CTCP Citics.

BMI: ra đời vào tháng 8/2019, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ ban đầu đạt 100 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập bao gồm: CTCP MeryLand (40%), BHS Group (59%) và ông Trương Hùng Cường (1%).

Đô thị Sài Gòn: ra đời vào tháng 12/2019, là hạt nhân đóng vai trò thi công, phát triển các dự án bất động sản trên toàn quốc của BHS Group.

Công ty này có số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, gồm các cổ đông là CTCP Đầu tư BĐS BMI (30%), CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn - SGT (60%) và bà Nguyễn Cẩm Phương (10%). Thông tin thêm, bà Phương là Giám đốc tại nhiều công ty trong hệ sinh thái của doanh nhân Đặng Thành Tâm (Chủ tịch KBC và SGT), gồm CTCP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn-Lâm Đồng (vốn 200 tỷ đồng) và Công ty TNHH Khu du lịch Đồi Rô-Bin (vốn 100 tỷ đồng).

citics-1625741925.png
Ban lãnh đạo và cố vấn của Citics.

Citics: được lập ra vào tháng 11/2018, chuyên về thẩm định giá trên nền tảng công nghệ và thuật toán thông minh, big data (dữ liệu lớn) về giá bất động sản.

Tiền thân là CTCP Az Value hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Citics có vốn điều lệ 7 tỷ đồng, trong đó 11 cổ đông góp vốn gồm: founder & CEO Trần Minh Long nắm giữ 66,22%, Thành viên HĐQT Phạm Anh Đức nắm giữ gần 6%, CTCP Đầu tư thương mại Ninga nắm giữ gần 9%, ông Nguyễn Thọ Tuyển nắm giữ hơn 5% vốn.

Ngoài ra còn có 7 cổ đông khác là Lê Thọ Bình (1,526%), Lương Hoài Nam (gần 1,5%), Dương Văn Tin (2,38%), Đỗ Trần Trung (gần 3%), Trần Thị Kim Hà (2,03%), Chu Đăng Thiện (0,94%) và Phan Chu Minh (2,34%).

Qua 2 lần tăng vốn, tính đến tháng 3/2020, số vốn của Citics ở mức 20,9 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại.

Vào tháng 3/2021, Citics cho biết đã huy động được 1 triệu USD trong vòng pre-series A từ một nhóm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, bao gồm Vulpes Investment Management (quỹ đã từng đầu tư vào startup kỳ lân Property Guru từ vòng hạt giống), Nextrans và TheVentures. Trước đó, Citics đã huy động được 700.000 USD từ các angel investors, nhiều người trong số họ cũng tiếp tục tham gia vòng gọi vốn này.

Năm 2018, Citics không ghi nhận doanh thu và báo lỗ hơn nửa tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần đạt 516 triệu đồng nhưng mức lỗ sau thuế còn đậm hơn nhiều lần, âm 15,2 tỷ đồng.

Bpmax: hoạt động chính được giới thiệu là quản lý vận hành và ủy thác cho thuê bất động sản. Các dịch vụ được công ty cung cấp là: tư vấn đầu tư, tiền khai trương và kĩ thuật, nhượng quyền thương hiệu và quản lý trực tiếp, kiểm toán bất động sản.

citadines-marina-halong-1625741761.jpg
Dự án Citadines Marina Halong

Bpmax được thành lập 3/2020, với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP PMC Inteligence (9%), CTCP BĐS BHS (51%), 40% còn lại được chia đều cho hai cá nhân Nguyễn Hồng Minh và Nguyễn Bích Sơn (CEO). Nắm quyền Chủ tịch HĐQT tại đây là ông Lê Xuân Nga.

BHS Group hiện là nhà phát triển các dự án như khu căn hộ dịch vụ sở hữu vĩnh viễn Citadines Marina Halong, dự án Legacy Hill Lương Sơn - Hòa Bình.

Bên cạnh đó, BHS Group cũng định hướng phát triển thành đơn vị tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng số 1 Việt Nam, và tự giới thiệu là đối tác của nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, FLC hay Hacom Holdings.