1581507317-81570468-613126209440798-1152727784401928192-o-1634633524.jpg
Ảnh minh họa.

ACB đã công bố lợi nhuận trước thuế quý III/2021 đạt 2,6 nghìn tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ), tăng trưởng chậm lại so với kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021 (+66% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Theo SSI Research, kết quả kinh doanh quý III của ACB chịu tác động tiêu cực từ làn sóng Covid-19 thứ 4.

Cụ thể, dư nợ cho vay của ACB giảm dần trong quý vừa qua. Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tổng tín dụng đạt 331 nghìn tỷ đồng (giảm 2% cuối quý II và tăng 7,5% so với đầu năm). Cơ cấu cho vay bao gồm: khách hàng cá nhân (62%), SME (31%) và KH doanh nghiệp lớn (7%). Con số này tương đối ổn định so với quý II/2021. 

Theo ngân hàng, khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng khách sạn và du lịch. Trong khi đó, khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng nhiều có thể kể đến là bên cho thuê nhà.

Tỷ lệ nợ xấu tăng 0,15 điểm % so với quý trước đạt khoảng 0,8%, và nợ Nhóm 2 tăng lên 0,72% (so với 0,25% vào cuối quý II/2021). 

Dư nợ tái cơ cấu (đã tính cả các khoản vay kéo theo) của ACB tăng lên 13,4 nghìn tỷ đồng (4% tổng dư nợ cho vay), từ 8,1 nghìn tỷ đồng (2,4% tổng dư nợ cho vay) trong quý II/2021. Trong số các khoản nợ được tái cơ cấu trong quý III/2021, khách hàng cá nhân và SME chiếm khoảng 82%. Cần lưu ý rằng, con số mà ACB công bố là dư nợ tái cơ cấu đã tính cả các khoản nợ kéo theo và do đó không thể so sánh với con số dư nợ tái cơ cấu trực tiếp mà các ngân hàng khác công bố (dư nợ tái cơ cấu trực tiếp thấp hơn nhiều so với con số đã bao gồm cả các khoản kéo theo).

Chi phí tín dụng tăng lên 1,15% so với 0,32% trong năm 2020. Chi phí dự phòng nửa đầu năm 2021 bao gồm 1,4 nghìn tỷ đồng cho nợ tái cơ cấu và 500 tỷ đồng cho nợ xấu. Ngân hàng duy trì quan điểm thận trọng trong quý III/2021 với 600 tỷ đồng dự phòng nợ tái cơ cấu và 200 tỷ đồng dự phòng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ chi phí dự phòng bao nợ xấu là 195% (so với 160% tính đến cuối năm 2020 và 208% tính đến cuối quý II/2021). 

Lợi suất tài sản sinh lời giảm, nhưng NIM ổn định. ACB giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 với mức giảm khoảng 0,3%-0,8% đối với nợ vay ngắn hạn và 0,5%-1% đối với nợ vay dài hạn. Theo đó, thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng khoảng 204 tỷ đồng (xấp xỉ 4,1% thu nhập lãi thuần quý). Tuy nhiên, NIM vẫn được duy trì ổn định so với quý trước nhờ tiết giảm được chi phí vốn. 

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ chịu ảnh hưởng tương đối lớn, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng điều này xuất phát từ cả hoạt động thanh toán cũng như hoạt động bancassurance.

Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giãn cách xã hội tại miền Nam, SSI Research vẫn ghi nhận một số điểm tích cực như sau.

Theo đó, số lượng khách hàng cá nhân thường xuyên sử dụng dịch vụ (active) tăng lên 3,6 triệu khách (so với 3,4 triệu khách vào cuối Q2/2021). Đồng thời, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục được cải thiện, đạt 23,2% (+1 điểm % so với quý trước). Ngân hàng ước tính CASA sẽ cải thiện lên khoảng 24% vào cuối 2021. 

Chi phí hoạt động quý III/2021 là khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Do đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2021 là 33,1% (giảm so với mức 42% trong 2020).

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo ACB, tăng trưởng tín dụng bắt đầu có dấu hiệu cải thiện trong tháng 10. Tính đến ngày 15/10/2021, tăng trưởng tín dụng là 7,7% so với đầu năm, và ngân hàng ước tính đạt sẽ sử dụng hết room tín dụng được cấp là 13,5% tại thời điểm cuối năm 2021. 

Đồng thời, hoạt động bancassurance dần hồi phục trong quý IV/2021, do nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. 

Ngược lại, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có thể giảm nhẹ từ mức hiện tại, do giảm lãi suất cho vay và tái cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo cam kết của ACB với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng sẽ cung cấp gói hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 từ ngày 15/7/2021, ước tính giảm gần 700 tỷ đồng thu nhập lãi (204 tỷ đồng trong quý III/2021, và khoảng 500 tỷ đồng trong quý IV/2021). Ngoài ra, ACB không ghi nhận lãi dự thu đối với nợ tái cơ cấu, khiến lợi suất tài sản sinh lãi bình quân giảm. 

Bên cạnh đó, chi phí tín dụng có thể vẫn ở mức cao. Ngân hàng lên kế hoạch trích lập dự phòng toàn bộ nợ tái cơ cấu (2,5 nghìn tỷ đồng) trong 2021, thay vì phân bổ trong 3 năm theo quy định tại Thông tư 14. Do đó, sẽ còn khoảng 500 tỷ đồng chi phí dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong quý IV/2021.