Không một chuyên gia hình ảnh hay âm thanh nào không nhận ra rằng chất lượng truyền hình trực tiếp của nhà đài trong ngày đại lễ còn nhiều hạn chế.

Không một MC chuyên nghiệp nào không thấy những khoảnh khắc lúng túng, thiếu kết nối hay sự không đồng bộ của một vài người dẫn chương trình.

Không một cán bộ Đoàn giàu kinh nghiệm nào không cảm nhận bài phát biểu của đại diện tuổi trẻ còn gượng ép, cảm xúc cơ học, ý tưởng chưa thực sự đột phá.

Không một chuyên gia tổ chức sự kiện giỏi nào không nhận thấy phương án điều tiết giao thông, đặc biệt trong những ngày diễn tập với các tuyến đường bị chặn, vẫn chưa tối ưu.

Không một người làm thương hiệu hay marketing nào không cho rằng màn quảng cáo lộ liễu trong đêm drone là phản cảm, không chỉ làm giảm sự trang trọng của sự kiện mà còn ảnh hưởng ngược đến chính thương hiệu ấy.

Nếu bạn không nhận ra những “hạt sạn” này, có thể bạn chưa thực sự để tâm đến chi tiết, hoặc chưa đủ giỏi vào một lĩnh vực chuyên môn sâu nào. Cũng có thể, bạn thuộc nhóm mà tôi tạm gọi là “#chihuahuaalaskaism” – tự hào bất chấp, nhiệt tình quên não. Nhưng tôi tin rằng không phải vậy.

Thế nhưng, bất chấp tất cả những “thiếu sót” đó – đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vẫn thành công rực rỡ.

Một sự kiện để đời.

Một khoảnh khắc lay động hàng triệu trái tim.

Một biểu tượng tái xác lập niềm tin và niềm tự hào dân tộc.

Một cú hích mạnh mẽ giúp Đảng kết nối mạnh mẽ hơn với thế hệ trẻ, củng cố sự chính danh cho vai trò lãnh đạo tự nhiên trong nhiều thập niên tới.

Vậy tại sao một tập hợp những điều chưa hoàn hảo lại có thể tạo nên một kết quả đầy cảm hứng đến vậy?

495328629-10161378122842861-6648775401282709172-n-1746412805.jpg
Hình ảnh đính kèm, khoảnh khắc máy bay lượn vòng bứt phá trên bầu trời, là một cái kết đầy cảm hứng, mở ra những khởi đầu mới cho tinh thần dấn thân và đoàn kết. Đây cũng là mảng ngoại lệ khi những phi công biểu diễn thực sự là những người giỏi nhất. Và rất có thể là không chỉ là ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

1. “Hoàn hảo hơn Hoàn thành” – Hay ngược lại?

Trong khởi nghiệp, thiện nguyện, hay bất kỳ dự án lớn nào, nếu bạn chờ mọi thứ sẵn sàng, hoàn hảo, không lỗi lầm rồi mới bắt đầu – có lẽ bạn sẽ không bao giờ bắt đầu.

Đại lễ là một minh chứng sống động: Hàng chục ngàn người cùng lao vào làm. Có thể không ai là xuất sắc nhất, nhưng ai cũng mang trong mình một “quyết tâm lớn” và cùng nhau tiến về phía trước. Dù còn thiếu sót, họ dám hành động, dám sửa sai trên đường chạy, dám hoàn thiện trong lúc đang vận hành.

Khởi nghiệp cũng vậy.

Bạn không cần đội hình 100 điểm, chỉ cần đội 70 điểm. Nhưng đồng lòng, biết điều chỉnh và không bỏ cuộc.

Đại lễ có thể không hoàn hảo về kỹ thuật, nhưng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cảm xúc: thắp lên lòng tự hào, kết nối thế hệ, lan tỏa niềm tin vào tương lai dân tộc.

2. Muốn Thành công, đừng “Đại trà”

Đại lễ lần này không thành công vì “truyền hình đẹp lung linh”, “dẫn chương trình mượt mà như phim” hay “duyệt binh chất nhất thế giới”. Thay vào đó, nó thành công vì đã chạm đúng vào trái tim của những đối tượng cần chạm đến:

- Những người từng sống qua chiến tranh, nay thấy lịch sử được tôn vinh.

- Những gia đình có công, cảm nhận được sự tri ân từ cộng đồng.

- Những bạn trẻ, nhận được một cú hích để tự hào hơn về nguồn cội.

- Những người dân bình thường, đôi khi tự hỏi: “Lịch sử có thuộc về mình không?”

Chìa khóa nằm ở việc xác định đúng đối tượng mục tiêu và thiết kế đúng thước đo thành công. Thành công của đại lễ không đến từ việc làm mọi thứ hoàn hảo, mà từ việc tập trung vào những điều quan trọng nhất: khơi dậy cảm xúc, kết nối thế hệ và lan tỏa niềm tự hào. Theo thống kê sơ bộ, hàng triệu người đã theo dõi sự kiện qua các nền tảng, với hàng ngàn bài đăng trên mạng xã hội bày tỏ sự xúc động – một con số đủ để minh chứng cho sức lan tỏa của nó.

Tôi đã nghe những bài hát pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, đôi khi điểm xuyết những đoạn rap tươi trẻ.

Tôi đã thấy những gương mặt nam thần được tuyển chọn kỹ lưỡng trong các đội duyệt binh.

Tôi đã chứng kiến những màn biểu diễn công nghệ mãn nhãn, khiến đám trẻ mê công nghệ phải trầm trồ, mắt chữ A mồm chữ O.

Ban tổ chức đã khéo léo thổi hồn thời đại vào một sự kiện vốn mang tính truyền thống, khiến nó sống động trong cộng đồng suốt hơn nửa tháng. Người người bàn tán, nhà nhà thảo luận. Thậm chí, bạn bè và học trò của tôi còn bay từ Hà Nội, Singapore, Philippines về để tham dự.

Đây là marketing cộng đồng đỉnh cao. Là một chương trình được “thiết kế ngược” từ cảm xúc người tham gia.

Bài học ở đây là: thay vì cố gắng làm tốt mọi thứ, hãy tập trung làm xuất sắc những yếu tố cốt lõi, những điều thực sự tạo nên giá trị và cảm xúc cho đối tượng bạn hướng đến.

3. Có “kim chỉ nam”, mới dám linh hoạt

Bất kỳ dự án nào cũng có biến số:

- Kịch bản lệch pha.

- Đội ngũ chưa đồng đều.

- Dư luận xoay chiều.

- Truyền thông bóp méo.

Nhưng nếu bạn có một kim chỉ nam (một mục tiêu tối thượng mà cả hệ thống hiểu và cam kết theo đuổi) bạn sẽ biết: điều gì nên giữ, điều gì có thể buông.

Đại lễ không trôi chảy hoàn toàn nhưng không ai hoài nghi về tinh thần cốt lõi của nó.

Từ người tổ chức đến người dự khán, ai cũng hiểu:

“Chúng ta đang làm điều này để truyền cảm hứng, để cùng hướng về đất nước.”

Khi niềm tin cốt lõi ấy rõ ràng thì sự linh hoạt không làm giảm giá trị, mà ngược lại, làm tăng sức mạnh.

Chẳng hạn, dù giao thông có lúc bất tiện, mọi người vẫn kiên nhẫn xếp hàng, vì họ biết mình đang góp phần vào một khoảnh khắc lịch sử. Cùng lúc đó đội ngũ điều tiết giao thông sẽ biết cần phải tiến hoá phương án giao thông.

4. Mô hình đo hiệu quả – nhìn từ đại lễ

Mô hình đo lường hiệu quả cổ điển dưới đây là bản đồ tốt cho mọi dự án:

- INPUT (Nguồn lực & Năng lực): Không cần phải xuất sắc ngay từ đầu. Chỉ cần đủ để bắt đầu.

- PROCESS (Hoạt động): Cần sự cam kết và điều phối chặt chẽ.

- OUTPUT (Kết quả): Không phải không có lỗi, nhưng đã chạm được cảm xúc của người dân. Lễ diễu binh, màn bắn pháo hoa, và những khoảnh khắc cảm xúc đã làm được điều đó.

- IMPACT (Tác động): Hàng triệu con người bỗng thấy mình thuộc về, tự hào, và tin tưởng hơn vào lịch sử và tương lai đất nước.

- EFFECTIVENESS (Hiệu quả): Là sự cộng hưởng của hàng ngàn chi tiết tưởng chừng nhỏ bé, nhưng khi được quy tụ đúng hướng, đã tạo nên một kỳ tích.

Mô hình này không chỉ áp dụng cho đại lễ, mà còn là kim chỉ nam cho bất kỳ dự án nào bạn khởi sự. Đừng quá lo lắng về việc phải có một khởi đầu hoàn hảo. Hãy bắt đầu với những gì bạn có, tập trung vào cảm xúc và giá trị cốt lõi, và điều chỉnh trên hành trình.

5. LỜI KẾT

Khi bắt tay vào một việc lớn, đừng chờ mọi thứ phải tuyệt mỹ mới dấn thân.

Hãy:

- Nhắm đúng tâm điểm cảm xúc.

- Chọn đúng người đồng hành.

- Giữ chặt kim chỉ nam để hành động linh hoạt.

Đừng chỉ nhìn những thiết bị hiện đại hay những màn biểu diễn hoành tráng.

Hãy nhìn những người lội bộ xếp hàng từ mười mấy tiếng chỉ để được hiện diện.

Nước người khoe vũ khí.

Nước ta khoe lòng người.

Xin cảm ơn đại lễ.

Cảm ơn hàng chục ngàn người đứng dưới nắng gắt sáng bừng trên gương mặt.

Cảm ơn những ánh mắt đỏ hoe khi quốc ca vang lên.

Cảm ơn cả những lỗi lầm để nhắc ta rằng: chỉ cần hướng đi đúng, tập hợp những điều chưa hoàn hảo vẫn có thể làm nên kỳ tích.

#DrNeo #theodongthoisu