1. Tóm tắt nội dung phim

Top xuất thân là một chàng công tử nhà giàu, không thích học hành mà chỉ có hứng thú với việc chơi game. Cũng nhờ cày ngày cày đêm mà cậu ấy đã kiếm được hàng trăm nghìn baht Thái từ việc bán vũ khí trong game. Sau đó dùng số tiền này để mua một chiếc siêu xe và trở thành tâm điểm khi đến trường. Dù bố mẹ luôn muốn Top chuyên tâm học hành nhưng cậu vẫn tiếp tục chơi, bán vật dụng và mua những món đồ điện tử mình thích. 

Đến một ngày, Top vô tình nghe được bố mẹ cãi nhau về tiền học phí đắt đỏ của mình. Nhờ đó mà cậu cũng biết được gia đình đang mắc một khoản nợ rất lớn nên muốn tìm cách trả nợ giúp bố mẹ. Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”, khi cậu muốn mở rộng kinh doanh vật dụng game thì lại bị khóa giao dịch ngoại tuyến. 

Không bỏ cuộc, cậu tiếp tục nhập số lượng lớn máy chơi game DVD với giá thấp để bán thì phát hiện đều là hàng nhái không sử dụng được. Đến lúc đi đối chất với ông chủ cung cấp hàng thì vừa bị chế giễu, vừa bị cho ăn một bạt tay vì đã đập vỡ kính tủ cửa hiệu. Vậy là lần đầu tiên khởi nghiệp của cậu đã thất bại.

Sau đó, Top từ chối nhận tiền của bố mà quyết định lấy trộm đồ của ông để đi cầm được 100.000 bath và đóng tiền học. Để tìm cách chuộc lại đồ, cậu quyết định mua một chiếc máy rang hạt dẻ để kinh doanh khi thấy đây là món ăn được nhiều người yêu thích nhưng người bán lại rất ít, khách hàng phải xếp hàng rất lâu.

Top bắt đầu lân la xin học cách rang hạt dẻ, sau khi đã làm ra được sản phẩm đúng hương vị, cậu thuê một gian hàng trong trung tâm thương mại để kinh doanh nhưng lại buôn bán ế ẩm. Lúc này, cậu quyết định đi đến chợ để quan sát và ghi chép lại kinh nghiệm bán hàng, cuối cùng Top nhận ra muốn bán được hàng thì trước tiên phải học cách quảng bá nên quyết định chuyển quầy bán hạt dẻ gia truyền đến trước cửa trung tâm thương mại để thu hút sự chú ý. 

Nhờ đó, gian hàng của Top bán rất chạy nhưng tình trạng này cũng không kéo dài được bao lâu vì người quản lý trung tâm thương mại phản ánh về khói của máy rang làm hư hỏng trần nhà. Dù cậu đã cố gắng sơn lại vào ban đêm và lén gửi hối lộ cho bảo vệ để giải quyết nhưng quản lý vẫn tìm tới nhà và phản ánh với mẹ Top, yêu cầu bà phải dạy dỗ lại con mình.

Một thời gian sau, gia đình Top ngày càng suy kiệt và sắp phải tuyên bố phá sản. Mẹ muốn đưa Top đi nơi khác để làm ăn nhưng cậu đã quyết định ở lại với người quản gia và tiếp tục kinh doanh hạt dẻ. Dù quyết tâm sửa chữa nhưng vấn đề trần nhà vẫn không được giải quyết, cuối cùng cậu vẫn bị đuổi khỏi trung tâm thương mại và điều này đã khiến Top suy sụp một thời gian dài. 

bài học khởi nghiệp: tóm tắt phim Thiếu niên bạc tỷ

Top đến trung tâm thương mại sơn lại tường, và suy sụp khi nghe mẹ thông báo công ty của gia đình cậu đã phá sản

Trong một lần hẹn hò, Top vô tình bị hấp dẫn bởi những miếng rong biển chiên do bạn gái đưa cho. Và thế là, cậu quyết định tìm tòi công thức để bán sản phẩm này. Tuy nhiên, nguồn rong biển chiên sẵn lại không thể bảo quản lâu nên Top đã đến nhờ giáo sư chế biến thực phẩm cho lời khuyên. Cảm động với sự quyết tâm của cậu, giáo sư đã nói cho cậu nghe bí quyết chính là dùng phương pháp hút chân không và bơm khí Nitơ vào. Giải quyết được vấn đề bảo quản, cậu bắt đầu mua rất nhiều rong biển để tự mình chiên. 

Nhưng dường như may mắn vẫn chưa mỉm cười với Top, rong biển khi thì đắng, khi lại cứng, lúc lại quá ngấy đến mức rong biển khô hết rồi, vẫn chưa chiên được cái nào ra hồn. Cậu quyết định bán đi chiếc máy tính mình yêu thích để mua thêm 5-6 thùng rong biển mới. Người quản gia do không thể nhìn Top lãng phí như vậy nên ông đã ra sức ngăn cản. Tuy nhiên, Top vẫn tin rằng số tiền mất đi sớm muộn gì cũng kiếm lại được, không những thế còn kiếm lại hơn rất nhiều. 

Một ngày nọ, Top về nhà và phát hiện người quản gia đang nằm bất động dưới sàn nhà do bị trượt chân té ngã. Cậu hốt hoảng đưa ông vào bệnh viện và buồn bã trở về nhà tiếp tục bật bếp chiên rong biển. Rong biển khô hết, dầu nóng văng lên khiến tay Top bị thương rất nhiều chỗ. Đột nhiên, cậu nhìn thấy trên mặt đất vẫn còn một túi nên cho vào chảo dầu chiên lên, kì lạ là chúng rất khô và không dính dầu. Cậu cũng phát hiện túi rong biển đó bên trong rất ẩm ướt do bị ngấm nước mưa và tìm ra bí quyết chiên rong biển là phải ngâm qua nước. Lần này, rong biển của Top rất nhanh nhận được sự yêu thích của mọi người. Công việc kinh doanh dần khởi sắc, cậu đã đặt mục tiêu kiếm được 1.000.000 bath/năm. 

Tuy nhiên, khó khăn lại ập đến khi Top biết nhà mình lại đang mắc một khoảng nợ 40 triệu bath và bị ngân hàng tịch thu nhà. Vậy nên nếu kinh doanh nhỏ lẻ thì không biết khi nào mới trả hết nợ. Cậu quyết định mang rong biển đến gặp giám đốc sản phẩm của 7-Eleven để tìm cơ hội hợp tác bán trên toàn quốc nhưng bị từ chối thẳng thừng. Họ yêu cầu Top nếu muốn hợp tác thì phải giải quyết vấn đề được về giá cả và bao bì do chúng không phù hợp với cửa hàng tiện lợi.

Cậu liền tiến hành thiết kế lại bao bì và kiên nhẫn ngồi đợi để được gặp giám đốc nhưng vẫn không có kết quả. Quá thất vọng, Top tặng lại túi rong biển của mình cho anh bảo vệ và ra về. Vô tình một nhân viên của 7-Eleven đã nhìn thấy túi rong biển đó, người nhân viên đó quyết định nếm thử và nó ngon đến mức khiến cậu ta phải mút cả ngón tay. 

bài học khởi nghiệp: tóm tắt phim Thiếu niên bạc tỷ

Anh nhân viên của 7-Eleven đã thấy gói snack tảo biển của Top trong thang máy, ăn thử và cảm thấy rất ngon

Vài ngày sau, Top được mời đến công ty để họp và nhận thông báo rằng sản phẩm rong biển có thể được phân phối ở 3.000 cửa hàng và 72.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Đồng thời, một tháng sau sẽ có đội QC đến xưởng sản xuất kiểm tra chất lượng sản phẩm. Lúc này, Top muốn đi vay ngân hàng 40 triệu bath để mở công xưởng nhưng không được duyệt vì cậu còn quá trẻ và gia đình thì đang mắc nợ. Top đành bán chiếc xe thân yêu của mình để thuê lại một nhà kho.

Để tiết kiệm thời gian, mọi ngóc ngách trong nhà xưởng Top đều tự mình thiết kế. Dù vậy, đoàn kiểm tra vẫn phát hiện nhiều lỗi lớn từ bụi sơn trên tường vẫn dính tay, còn có cả ruồi nhặng, ngọn đèn huỳnh quang không có chụp đèn, bồn rửa tay không hợp vệ sinh…Và thay vì nhận lấy tiền của quản gia để đi hối lộ như lần trước, cậu đã quyết tâm xử lí tất cả vấn đề trên. Đúng lúc nhận kết quả thì máy in hết mực, Top vội vàng mang tờ giấy chạy ra ngoài để soi dưới ánh mặt trời. Kết quả bên trên có một chữ “đạt”, mọi nỗ lực của cậu đã được đền đáp xứng đáng.  

Vào ngày giao hàng của hai tuần sau, Top rửa mặt xong thì vào xưởng nhìn công nhân bận rộn làm việc. Khi nhìn thấy người quản gia trong xưởng, cậu chạy đến ôm chầm lấy ông và cảm ơn vì đã luôn ở bên giúp đỡ mình. Cuối cùng, dù đến kho giao hàng trễ 1 tiếng nhưng cậu vẫn khẩn thiết xin nhân viên nhận hàng và được đồng ý. Top gọi điện cho bố mẹ và vui mừng thông báo “Bây giờ bố mẹ có thể về nhà rồi”. 

bài học khởi nghiệp: tóm tắt phim Thiếu niên bạc tỷ

Phân cảnh Top gọi về gia đình ở cuối phim và xúc động thông báo mình đã thành công 

Cuối cùng rong biển của Top đã thành công được bày bán trên khắp cả nước. Trong hai năm tiếp theo, cậu đã trả hết khoản nợ 40 triệu của gia đình. Ở tuổi 26, nhà máy của Top có 2.000 công nhân, sản phẩm được xuất khẩu sang 27 Quốc gia doanh thu mỗi năm lên tới 1,5 tỷ bath, cậu cũng lọt vào top 50 người giàu có nhất Thái Lan.

2.10 bài học khởi nghiệp rút ra từ bộ phim

Bài học 1: Luôn tin tưởng vào thành công của bản thân

“Tin tưởng vào bản thân” là một bài học ở trường của Top, và thông điệp này vẫn được lồng ghép xuyên theo suốt chiều dài phim. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất trong cuộc đời nhân vật chính. 

Triết lý này cũng được thầy giáo dạy chiến lược ‘Marketing Thế hệ xanh’ của công ty 7-Eleven nhắc lại không ít lần:

“Nếu bạn nghĩ bạn giàu có thì bạn sẽ giàu có, nếu bạn nghĩ bạn thành công bạn sẽ thành công”.

bài học khởi nghiệp: tin tưởng vào thành công của bản thân

Thầy giáo trong trường của Top giảng về chiến lược “Marketing thế hệ xanh” của 7-Eleven

Và nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại điều này trong đầu thì nó sẽ trở thành một dạng tự kỷ ám thị. Top cứ tưởng rằng mình đã hiểu rất rõ về định hướng của bản thân nhưng thực tế không phải vậy. Bằng chứng là ở gần kết phim, cậu mới bắt đầu lắng nghe lại các bài học này một cách chú tâm. Đấy cũng là lúc cuộc sống hiện tại của Top thay đổi nhờ một bước ngoặt mới, bước ngoặt từ bài học tưởng chừng như đã quá quen thuộc trên ghế nhà trường. 

Vậy nên cho dù thế nào, các bạn hãy luôn tự tin thử sức mình. Bởi lẽ, nếu bạn tin rằng bản thân mình làm được thì sẽ có thêm nguồn động lực to lớn để cố gắng. Diễn giả truyền cảm hứng người Úc cũng từng nói “Defeat happens only to those who refuse to try again.” Tạm dịch: “Thất bại chỉ xảy ra với những người từ chối thử lại”. 

Bài học 2: Tiền không thể giải quyết được tất cả

Trước khi thành công bằng chính năng lực và mồ hôi công sức của mình. Top từng là công tử nhà giàu thích giải quyết mọi việc bằng tiền, thậm chí xem việc tiêu tiền là thú vui mỗi ngày. Vì lẽ đó nên ở lần khởi nghiệp đầu tiên, cậu vẫn quyết định dùng tiền để xử lý khó khăn bằng cách đưa hối lộ.

Tuy nhiên, chi tiết anh bảo vệ trả lại tiền cho Top và chửi mẹ cậu về cách dạy con đã giúp chúng ta thấy rằng, không phải cứ có tiền là thái độ như thế nào cũng được. Hay tới đoạn cuối phim, giả sử lúc đó, Top đưa phong bì cho người kiểm tra QA nhà máy thì liệu nhãn hàng của cậu có được chấp nhận hay không?

Tiền có thể mua được nhà lầu, xe hơi và rất nhiều thứ khác. Nhưng nó không thể mua được những mối quan hệ kinh doanh bền vững, uy tín cá nhân và cả những bài học cay đắng nhưng bổ ích cho chặng đường khởi nghiệp phía trước của bạn. Đây cũng là một trong những bài học khởi nghiệp ý nghĩa mà bộ phim muốn nhắn nhủ đến chúng ta đấy!

Bài học 3: Hãy tìm những người bạn sẵn sàng đồng hành cùng chúng ta đến cuối con đường

Lúc thành công hay khi thất bại, Top cũng luôn có bác quản gia làm người bạn đồng hành tuyệt vời. Đó cũng là người duy nhất ở bên cạnh giúp đỡ lúc cậu khó khăn nhất, tuyệt vọng nhất. 

Cha mẹ sẽ không thể mãi mãi ở bên cạnh chúng ta trên suốt quãng đời còn lại, chính vì vậy một bài học khác mà bộ phim muốn nhắn nhủ cho bạn là hãy tìm cho mình những người bạn, những người hỗ trợ sẵn sàng đi cùng chúng ta tới hết chặng đường.

Rất nhiều lần Top tưởng chừng như mình đã gục ngã nhưng người luôn ở bên và động viên cậu vẫn là bác. Để rồi đến lúc bác mệt mỏi đến mức ngã khuỵu thì người kéo ông dậy lại là Top. Bởi thế, đồng hành cùng nhau không chỉ là san sẻ công việc mà còn là tiếp thêm động lực trong cuộc sống cho nhau.

bài học khởi nghiệp: người đồng hành đúng nghĩa

Top xúc động ôm bác quản gia khi hoàn thành xong đơn hàng tảo biển đầu tiên của sự nghiệp

Bài học 4: Luôn học hỏi từ mọi thứ xung quanh mình

Những người “Thầy” luôn có mặt ở xung quanh, quan trọng là chúng ta có đủ tinh tế để nhận ra hay không. Không ít thì nhiều, bạn nên tự mình rèn luyện phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Đó cũng chính là bài học tiếp theo mà bộ phim muốn nhắn gửi đến bạn thông qua hình tượng nhân vật Top. 

Dù không thường xuyên tham gia các buổi học ở trường nhưng Top lại luôn được thực hành bởi rất nhiều bài học từ chính cuộc sống của cậu. Cậu cũng tập thói quen luôn mang theo 1 cuốn sổ và 1 cây bút bên mình để có thể ghi lại những điều hay, những bài học cũng như kinh nghiệm làm việc từ người khác mỗi ngày.

bài học khởi nghiệp: học hỏi từ mọi thứ xung quanh

Top mang theo một cuốn sổ và cây viết để ghi lại cách rao bán của các tiểu thương trong chợ 

Để phát triển bản thân, bạn sẽ không còn cách nào khác ngoài việc không ngừng học hỏi, từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hay từ đối thủ cạnh tranh của mình thông qua cách họ bán hàng để thay đổi ngay thái độ của bản thân. Và rồi những điều bạn học được chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công trong tương lai.

Bài học 5: Muốn thành công phải dám trả giá và chấp nhận thất bại

Ở ngoài kia, con người ta đôi khi sẽ vì đồng tiền mà đánh mất cả lý trí và đạo đức. Đơn cử như việc Top bị lừa ở quán bán đầu đĩa DVD, ở tiệm cầm đồ…Họ sẵn sàng lấy đi tất cả những gì bạn có, miễn sao họ có được đồng lời.

Chính vì vậy, kinh nghiệm khởi nghiệp tiếp theo mà chúng ta có thể rút ra được từ bộ phim là khi làm ăn kinh doanh, chắc chắn tất cả mọi chuyện đều không dễ dàng. Cái gì đẹp đẽ và dễ đến thường mang theo nhiều rủi ro.

bài học khởi nghiệp: dám trả giá và chấp nhận thất bại

Bố của Top đã cho người con trai của mình một bài học đắt giá

Nhân vật Top cũng vậy, cậu đã thất bại rất nhiều lần trước khi thành công. Và cũng phải chấp nhận trả giá cho những việc làm của mình, là những thùng rong biển bị hư, là phải đối mặt với việc vào tù nếu không trả đủ tiền làm nhà máy…nhưng trên tất cả Top dám làm, dám chịu để rồi DÁM THÀNH CÔNG.

Bài học 6: Chủ động nắm bắt cơ hội 

Chuyện kinh doanh của Top bắt đầu từ những cái đơn giản nhất: chơi game bán vật phẩm lấy tiền, bán hạt dẻ, bán rong biển…Đơn giản bạn chỉ cần biết cách làm nó khác biệt, việc còn lại chỉ là bán nó đi thôi. Tới lúc Top bán rong biển cho chuỗi cửa hàng 7-Eleven cũng vậy, cơ hội tưởng chừng như vụt tắt lại được chính thùng rong biển Top cho người bảo vệ thang máy thắp lên.

Cơ hội ở cạnh bạn khi bạn luôn sẵn sàng. Khi bạn có được nhận thức về cơ hội, lúc đó mọi thứ sẽ tự động diễn ra theo ý mình. Mọi chuyện dù có diễn ra như thế nào, đều có nguyên do của nó cả. Hãy luôn tin tưởng và nắm bắt lấy vận may, cảm nhận cơ hội đang diễn ra và sắp diễn ra. Hãy luôn trong tư thế chuẩn bị đón lấy cơ hội, vì nó không chờ bạn đâu.

Bài học 7: Nên có 1 đức tin cho mình

Ðức Thích Ca có dạy: “Tin là căn bản của sự thành công, và là nguồn gốc của muôn hạnh lành” 

Lời dạy của đức Phật ý muốn nhắn nhủ chúng sinh, sống phải có đức tin, đức tin này phải dựa trên trí tuệ và đạo đức. Và trong kinh doanh, nhờ vào đức tin chúng ta sẽ tạo nên sự gắn bó thân thiết trong các mối giao dịch làm ăn và củng cố uy tín cho chính mình đối với cộng đồng xã hội.

Trở lại với bộ phim, trong những lúc Top gặp khó khăn nhất thì cậu luôn nhìn thấy hình ảnh Phật Bà Quan Âm. Nhờ đó mà Top tin rằng, Phật sẽ luôn hiện thân để bảo vệ và dẫn lối, giúp cậu lấy lại tinh thần, tin vào bản thân để có thể vượt qua những biến cố trong cuộc sống.

bài học khởi nghiệp: nên có một đức tin

Phật Bà Quan Âm – hình ảnh dẫn lối con đường cho Top vượt qua những biến cố

Điều này cũng giúp chúng ta nhận ra rằng, đức tin sẽ là nguồn động lực giúp chúng ta tìm ra chân lý sau đó thấu hiểu để áp dụng nó vào đời sống. Một lòng tin chân chính cũng phải đi kèm với một lý trí xét đoán. Hiểu rồi mới tin, thì cái tin ấy mới là chánh tin. 

Đây cũng là điều cần nhất đối với một Startup lúc mới bắt đầu khởi nghiệp bởi lẽ khi phải đối mặt với thử thách khó khăn, chỉ cần bạn có đức tin vào một tôn giáo thì những lời dạy sẽ trở thành động lực. Nhờ đó, giúp bạn có tinh thần lạc quan và tin tưởng vào bản thân. Dù có khó khăn cản trở bước đường thành công thì nó cũng sẽ là những bài học đáng giá trong tương lai của bạn.

Bài học 8: Thiết kế sản phẩm, quan trọng là góc nhìn

Trên thực tế, thiết kế bao bì và nhãn hiệu sản phẩm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc Marketing. Nếu như doanh nghiệp cho ra mắt một sản phẩm bắt mắt thì khả năng sản phẩm ấy thành công là rất lớn. Đôi khi chỉ cần nhìn màu sắc và thiết kế bao bì thì khách hàng sẽ chọn ngay sản phẩm của bạn. 

Trong tình huống của Top cũng vậy, người thiết kế bao bì cho sản phẩm đã mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới cho thương hiệu. Góp phần to lớn trong việc thuyết phục “ông lớn” 7-Eleven đồng ý cho sản phẩm được phân phối trong toàn bộ hệ thống của họ.

bài học khởi nghiệp: thiết kế quan trọng ở góc nhìn

Người thiết kế bao bì đã thổi một linh hồn mới cho nhãn hiệu Tao Kae Noi

Do vậy, thiết kế bao bì không đơn giản là để đảm bảo về thẩm mỹ mà còn cung cấp được những giá trị rất lớn cho khách hàng thông qua việc cung cấp thông tin. Từ đó, lựa chọn cho mình những sản phẩm chất lượng và phù hợp nhất.

Bài học 9: Đừng đánh mất chính mình

Trong phim, hình ảnh chiếc áo thun polo màu vàng của nhân vật chính xuất hiện rất nhiều lần. Từ lúc mở đầu khi gặp anh nhân viên ngân hàng, trở về quá khứ khi sơn bức tường bị ám khói. Lần mang sản phẩm hoàn thiện đầu tiên đến 7-Eleven, đến lúc Top xuất được đơn hàng lớn đầu tiên. Và cuối cùng là lúc ngồi lên chồng pallet màu vàng, xúc động gọi điện về cho bố mẹ: “Bố ơi, bố mẹ quay về nhà được rồi” thì cậu vẫn mặc chiếc áo vàng dính sơn trắng đó.

Những giọt sơn trắng dính trên nền áo vàng, có lẽ đó là một điều nhắc nhở. Nó nhắc cho Top nhớ về những lỗi lầm của mình trong quá khứ, những khó khăn nối tiếp khó khăn để có được chàng trai 19 trưởng thành như hiện tại.

bài học khởi nghiệp: đừng đánh mất chính mình

Chiếc áo thun vàng được xuất hiện trong rất nhiều phân cảnh của bộ phim

Hình ảnh chiếc áo vàng còn hàm chứa một thông điệp hết sức nhân văn: ‘Cho dù cuộc sống có đối xử với bạn tàn nhẫn như thế nào, cũng không được lấy những khó khăn ấy làm cái cớ để đánh mất bản chất lương thiện và sơ tâm thuở ban đầu’.

Bài học 10: Storytelling là công cụ mạnh mẽ trong kinh doanh

Từ xưa đến nay, con người luôn hứng thú với những câu chuyện. Vì vậy, kể chuyện (Storytelling) là một hình thức truyền đạt thông tin dễ dàng đi sâu vào tiềm thức và cảm xúc của chúng ta nhất.

Trong câu chuyện của Top, cậu đã ứng dụng rất tốt công cụ này trong việc thuyết phục giáo sư trưởng khoa công nghệ thực phẩm. Chính nhờ vào câu chuyện khởi nghiệp gian nan, anh đã được cô tiết lộ cho cách bảo quản rong biển luôn giữ được độ giòn. Ngay cả anh nhân viên ngân hàng cũng bị cuốn theo câu chuyện khởi nghiệp của Top. Và cũng chính câu chuyện ấy đã khiến cho anh nhân viên ngân hàng bật cười. Đó không phải nụ cười nhạo báng, mà là nụ cười của sự nhìn nhận. Anh cuối cùng cũng nhận ra, cậu nhóc trước mặt mình thực sự “khá” đấy.

3. Kết luận

Bộ phim “Thiếu niên bạc tỷ” được chuyển thể từ câu chuyện có thật về người sáng lập thương hiệu rong biển “Tao Kae Noi” là Itthipat Peeradechapan, nói về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của anh. Đây cũng là một tấm gương điển hình cho các bạn trẻ có ước mơ và hoài bão cho riêng mình.

Như 2 câu nói của Top trong phim từng gây ấn tượng mạnh với khán giả về quá trình khởi nghiệp: “Những lúc gặp vấn đề đừng bao giờ nản chí, bởi vì nếu ta bỏ cuộc thì cuộc chơi cũng sẽ kết thúc ngay lập tức”; “Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy những việc mình làm chỉ như hạt cát giữa vũ trụ”.

Thật vậy, thành công là một quá trình trả giá, nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, biết rút ra những lỗi sai, rút ra những kinh nghiệm để rồi trưởng thành hơn. Quan trọng là chúng ta luôn giữ được sự nhiệt huyết của lúc đầu và trụ vững trước những thử thách khó khăn mình phải đối mặt trong quá trình khởi nghiệp.