ba-pham-minh-huong-va-hanh-trinh-vuc-day-vndirect-tren-bo-vuc-pha-san-tro-thanh-ong-lon-ty-do-nganh-chung-khoan-0-1659931424.jpg
Chủ tịch HĐQT VNDIRECT Phạm Minh Hương

Từ cô giáo với mức lương 105.000 đồng/tháng đến ‘nữ tướng’ thị trường chứng khoán

Bà Phạm Minh Hương sinh ngày 17/06/1966 tại Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Hệ thống thông tin - Đại học Bách khoa Kiev - Liên Xô - Nga năm 1986, bà được phân công dạy tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với mức lương 105.000 đồng/tháng.

Làm việc trong ngành giáo dục 2 năm, thấy mình không hợp với nghề dạy học, bà Hương chuyển sang ngạch kinh doanh và lập tức cho thấy tài năng. Bà vào làm việc tại Citibank N.A với vị trí Network Manager, chỉ 6 tháng sau đó được đảm nhiệm chức vụ Giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính.

Trong 8 năm công tác tại Citibank (1995-2002), bằng kinh nghiệm và tài năng của mình, bà Hương cùng các cộng sự đã đem về lợi nhuận vượt bậc cho ngân hàng, xây dựng được nền tảng uy tín và kinh nghiệm hoạt động trên thị trường tiền tệ. Bà Phạm Minh Hương được ghi nhận là một trong những thành viên đầu tiên đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của Citibank N.A tại Việt Nam.

ba-pham-minh-huong-va-hanh-trinh-vuc-day-vndirect-tren-bo-vuc-pha-san-tro-thanh-ong-lon-ty-do-nganh-chung-khoan-2-1659931424.jpg
Bà Hương được mệnh danh là 'nữ tướng' ngành chứng khoán

Ao ước ‘bán’ công ty với giá 1 USD và định hình lại chiến lược phát triển

Sau thời gian làm việc tại Citibank, bà Hương gia nhập SSI (CTCP Chứng khoán Sài Gòn) và giữ chức vụ Tổng Giám đốc trong 3 năm từ 2003 đến 2005. Bà cùng các cộng sự đã đưa công ty lên vị trí dẫn đầu, vượt xa các công ty chứng khoán khác về thị phần môi giới, tư vấn tài chính… Đảm nhiệm đồng thời cả hai vai trò vừa là Tổng giám đốc công ty, vừa là cổ đông lớn đã giúp bà Hương tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho sự nghiệp sau này.

Cuối năm 2006, ‘nữ tướng’ ngành chứng khoán rời SSI, thành lập Công ty đầu tư IPA, sau đó là Công ty chứng khoán VNDIRECT với vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng. Thời điểm đó mức vốn 50 tỷ là rất khiêm tốn, nằm trong tốp những công ty chứng khoán có quy mô nhỏ nhất thị trường khi so với những BVSC (150 tỷ đồng), ACBS (250 tỷ đồng), chứng khoán Sacombank (300 tỷ). Tuy nhiên với thành công đã đạt được cùng SSI, bà Hương vẫn tự tin đặt ra những dự án hoành tráng với IPA và VNDIRECT.

ba-pham-minh-huong-va-hanh-trinh-vuc-day-vndirect-tren-bo-vuc-pha-san-tro-thanh-ong-lon-ty-do-nganh-chung-khoan-3-1659931423.jpg
Ban lãnh đạo của VNDIRECT

Nhưng không giống những ‘ngày tháng ngọt ngào’ cùng SSI, cơn bão tài chính toàn cầu 2008 đã làm đảo lộn hoàn toàn những dự định đó. Khủng hoảng ảnh hưởng toàn cầu và IPA, VNDIRECT còn bị thiệt hại nặng nề hơn do những kế hoạch, mục tiêu hoành tráng mà đội ngũ lãnh đạo đã đặt ra. Nợ đến hạn phải trả, các khoản vay chưa thanh toán, nhân viên đình công bỏ việc, tin đồn lan tràn khắp nơi… Một bầu không khí u ám bao trùm khắp công ty, áp lực cực lớn dồn lên bà Phạm Minh Hương. Bà tâm sự: ‘Giai đoạn đó, mọi thứ tiêu cực đổ dồn vào cùng một lúc, có những lúc tôi chỉ mong bán được công ty với giá 1 đô la để có người gánh hết trách nhiệm cho mình’.

Trong tình thế tồi tệ nhất, ban lãnh đạo VNDIRECT đã tìm thấy cơ hội của mình. Đó không gì khác là ‘Ngồi lại, đặt mục tiêu phù hợp với năng lực công ty, không chạy đua tới vị trí số 1, 2 hay 3 nữa. Mục tiêu thiết thực nhất trong hiện tại là phải sống và tồn tại được’

Khủng hoảng năm 2008 đã giúp VNDIRECT trở nên thực dụng hơn, công ty giảm bớt những mục tiêu quá xa vời, tập trung vào xây dựng hệ thống và thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp với thời đại hơn. Đó chính là tiền đề cho những bước chuyển mình đột phá sau này.

ba-pham-minh-huong-va-hanh-trinh-vuc-day-vndirect-tren-bo-vuc-pha-san-tro-thanh-ong-lon-ty-do-nganh-chung-khoan-4-1659931424.jpg
VNDIRECT là một trong ba công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam

Chỉ hai năm sau đó, vốn điều lệ VNDIRECT tăng từ 50 tỷ đồng lên 1000 tỷ đồng vào tháng 8/2020. Năm 2010 cũng là năm đánh dấu thị phần môi giới của công ty đứng thứ bảy tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và đứng thứ 2 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Năm 2022, vốn điều lệ của công ty đạt hơn 4.300 tỷ đồng, là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam.

Năm 2010, bà Hương rút lui khỏi chức vụ CEO, chỉ tập trung vào việc định hướng và nghiên cứu những vấn đề mang tính chiến lược của VNDIRECT. Bà nhường sân lại cho những người trẻ vì bà tin rằng ‘chứng khoán giờ là thời của họ’.

Với kinh nghiệm 25 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sự đóng góp của bà Hương có ảnh hưởng rất lớn và có độ uy tín cao trong thị trường tài chính Việt Nam. Tính đến ngày 10/3/2022, bà đang nắm giữ 35.920.970 cổ phiếu tại VNDIRECT ( chiếm tỷ lệ 2,95%) và 32.400 cổ phiếu IPA (tỷ lệ 0,02%). Ước tính bà Phạm Minh Hương đang sở hữu khối tài sản lên đến 791,1 tỷ đồng, đồng thời là một trong 50 nữ doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán.

VNDIRECT của bà Hương hiện tại đang kinh doanh ra sao?

VNDIRECT (mã VND) là công ty chứng khoán có 16 năm hoạt động tại thị trường tài chính Việt Nam, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đầu tư tài chính.

ba-pham-minh-huong-va-hanh-trinh-vuc-day-vndirect-tren-bo-vuc-pha-san-tro-thanh-ong-lon-ty-do-nganh-chung-khoan-5-1659931424.png
Tình hình kinh doanh của VNDIRECT quý II/2022

Cuối tháng 7 vừa qua, công ty đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II năm 2022 với nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, doanh thu tăng 74% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.837 tỷ đồng với tỷ trọng lớn đến từ lãi của tài sản tài chính (FVTPL) ghi nhận 871,4 tỷ đồng. Doanh thu môi giới là 329 tỷ đồng, giảm 11%.

Chi phí hoạt động trong quý II cũng ở mức cao 868,2 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí khác như chi phí quản lý doanh nghiệp và phí tài chính cũng tăng lần lượt 32% và 146% với cùng thời điểm năm 2021. Báo cáo tổng kết lại, VNDIRECT lãi trước thuế gần 647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 524 tỷ đồng, tăng 35% so với quý II/2021.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của VNDIRECT là 44.343 tỷ đồng, tăng 7.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi góp phần lớn vào mức tăng 20.978 tỷ đồng của các tài sản tài chính. Đồng thời doanh nghiệp cũng giảm quy môi danh mục cổ phiếu niêm yết từ 1.156 tỷ đồng vào quý I xuống còn 775 tỷ đồng cuối quý II. Năm 2022 công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.605 tỷ đồng, hiện VNDIRECT đã hoàn thành 51% kế hoạch đề ra.

Chí Thanh - Vietnam Business Insider