Một thương hiệu giày lâu năm gắn liền với nhiều người đã có một giai đoạn vắng bóng trên thị trường thời trang- giày Thượng Đình liệu có thể hồi sinh và bứt phá?
Thượng Đình- thương hiệu giày “quốc dân”
Năm 1957, Cục quân nhu và Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam) thấy cần có xí nghiệp chuyên sản xuất dép cao su và mũ cứng phục vụ quân đội, do đó xí nghiệp X30 ra đời, xí nghiệp này cũng là tiền thân của giày Thượng Đình sau này.
Theo yêu cầu phát triển của ngành, năm 1973 X30 đã tách một phân xưởng thành xí nghiệp mới. Năm 1978, Xí nghiệp giày vải Hà Nội và xí nghiệp mới được X30 tách ra chính thức sáp nhập với tên gọi Giày Thượng Đình, năm 1993 cái tên này được phổ biến rộng rãi.
Thiết kế đơn giản với phần đế cao su dẻo, màu trắng sọc xanh đã mang giày Thượng Đình thành giày “quốc dân”.
Năm 1992, Thượng Đình bắt đầu đánh sang thị trường nước ngoài, tạo nên tiếng vang trên thị trường Đức và Pháp. Năm 2003, giày Thượng Đình đứng vững gót trên thị trường nội địa khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA). Thời gian này thị trường Việt Nam cũng có nhiều nhãn hiệu từ nước ngoài gia nhập nhưng so về giá cả, mẫu mã, chất lượng Thượng Đình vẫn được ưa chuộng hơn.
Năm 2015, Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình phát hành 1,9 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Sau phiên IPO vốn nhà nước thu về hơn 90 tỷ đồng. Năm 2016, Giày Thượng Đình đổi mô hình sang công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM, thu về vốn hóa hơn 400 tỷ đồng.
Vắng bóng và sự quay lại bất ngờ, Thượng Đình có thể lấy lại phong độ năm xưa?
Sau giai đoạn cổ phần hóa, sức ảnh hưởng của Giày Thượng Đình bắt đầu giảm mạnh. Kèm theo sự yêu cầu về thời trang của thị trường giày càng lúc mạnh mẽ, chỉ với sự bền bỉ không thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Thượng Đình bắt đầu chật vật tìm chỗ đứng trong thị trường mới.
Sự xuất hiện của các hãng Adidas, Nike, Puma... hiện đại hợp thời trang đã khiến doanh thu của Thượng Đình giảm mạnh vì hãng này chưa có sự quyết liệt trong thay đổi hình ảnh mới, mẫu mã cũ quá bình thường với người tiêu dùng đòi hỏi thời trang, nhắc đến Thượng Đình người ta chỉ nghĩ đó chỉ là đôi giày phù hợp với hoạt động thể thao bình dân hoặc để đi lao động.
Theo báo cáo năm 2016, doanh thu chỉ còn 126 tỷ đồng, lãi sau thuế đến 460 triệu đồng. Dòng tiền thuần âm hơn 24 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy doanh thu của Giày Thượng Đình tụt dốc, chi phí vận hành quản lý doanh nghiệp lại càng ngày càng tăng. Đến năm 2017, doanh thu có dấu hiệu tăng 60% đạt 202 tỷ so với năm trước, song song mức giá vốn cũng tăng lên 67%, lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn mức 27 tỷ đồng. Trong khi đó, phí quản lý doanh nghiệp lên đến 39 tỷ , lỗ trước thuế 17 tỷ đồng.
Theo bình quân, một ngày Giày Thượng Đình thu hơn 550 triệu đồng, lỗ 46 triệu đồng/ngày.
Năm 2018, doanh thu đạt được 174 tỷ đồng, lỗ 17 tỷ đồng. Năm 2019, lỗ 13,2 tỷ đồng, doanh thu 166 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến năm 2019, doanh thu của Giày Thượng Đình từ 185 tỷ đồng giảm xuống còn 143 tỷ đồng. Nợ phải trả trên 90 tỷ đồng. Số nợ của chủ sở hữu giữa trả/vốn là 1.44 lần năm 2019.
Nguyên nhân dẫn đến lỗ hàng chục tỷ của Thượng Đình ngoài vấn đề không cải cách mẫu mã sản phẩm, còn do nhiều đối thủ cạnh tranh, chính sách cổ phần hóa, thông tin di dời nhà máy, công tác thoái hóa vốn nhà nước đình trệ, máy móc thiết bị lạc hậu. Đầu năm nay, HĐQT Thượng Đình đã lên kế hoạch “lỗ” 13 tỷ trong năm nay.
Nhưng mấy ngày gần đây, nhờ hiện tượng mạng xã hội, Giày Thượng Đình bất ngờ hot trở lại sau khi được nam rapper Hieuthuhai cho lên sóng trang cá nhân trên Instagram. Đồng thời, cũng có nhiều nghệ sĩ nam khác nhiệt tình lăng xe. Sự kiện này đã dấy lên hy vọng mới cho giày “quốc dân” này. Tuy nhiên, nếu Thượng Đình vẫn không thay đổi để bắt kịp xu hướng thì có thể sẽ một lần nữa bị thị trường đào thải.