chung-khoan-vndirect-1688221310.jpg
 
Chứng khoán VNDIRECT ưu tiên tài sản thế chấp cho khoản vay 10.000 tỉ đồng tại Vietcombank. Ảnh: VND

CTCP Chứng khoán VNDIRECT (mã chứng khoán VND) vừa công bố quyết định về việc vay vốn tại tổ chức tín dụng. Theo đó, Chủ tịch HĐQT VNDIRECT - ông Nguyễn Vũ Long đồng ý thông qua việc sử dụng vốn vay, bảo lãnh thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB). Tổng giới hạn tín dụng là 10.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, VNDIRECT đang vay từ Vietcombank tổng cộng 3.697 tỉ đồng, tăng mạnh 54% sau 3 tháng. Như vậy với giới hạn tín dụng mới này, VND có thể vay từ Vietcombank lên tới 13.697 tỉ đồng, bằng 24,5% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Ảnh báo cáo tài chính VNDIRECT
VNDIRECT tăng vay tại Vietcombank 54% sau 3 tháng đầu năm 2023. Ảnh báo cáo tài chính VNDIRECT

Đồng thời, VNDIRECT đồng ý thông qua việc sử dụng tài sản thanh khoản cao thuộc sở hữu của công ty (gồm tiền gửi không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và các tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của Vietcombank theo từng thời kỳ) và các tài sản khác thuộc sở hữu của công ty được Vietcombank chấp thuận và phù hợp với quy định để thế chấp, cầm cố và các hình thức bảo đảm khác cho nghĩa vụ của công ty tại Vietcombank.

Như vậy, một lượng lớn tài sản thanh khoản cao của VNDIRECT đã được đem đi cầm cố trong lần này.

Điều đáng nói, mục đích vay vốn chỉ được đề cập nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty mà không ghi cụ thể. Trong khi không lâu trước đó, VNDIRECT cũng vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 12.178 tỉ đồng lên trên mức 18.000 tỉ đồng.

Một số thành viên thị trường cho rằng, việc bổ sung lượng vốn lớn trong thời gian ngắn không loại trừ khả năng có thể được dùng cho mục đích cân đối trái phiếu.

Trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, bà Phạm Minh Hương - Tổng Giám đốc VNDIRECT - thừa nhận mức độ rủi ro của VND với trái phiếu CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đang lớn hơn các doanh nghiệp phát hành khác.

Bởi với Trung Nam, công ty chứng khoán này đã không dừng lại ở hoạt động tư vấn phát hành 10.250 tỉ đồng trái phiếu, tương đương 43% tổng giá trị tư vấn phát hành cả năm 2021. Trong khi doanh nghiệp này đã liên tục chậm trả nợ thanh toán trái phiếu suốt thời gian qua.

Bà Hương cho hay, áp lực là có khi VNDIRECT đang mất lượng lớn vốn vào Trung Nam. Rủi ro không lường được là việc bán lại của nhà đầu tư sau sự kiện Vạn Thịnh Phát. Lúc đó, kinh nghiệm xử lý của nhóm nguồn vốn chưa tốt nên phải mua lại lượng lớn trái phiếu.

Quý I/2023, CTCP Chứng khoán VNDIRECT ghi nhận tổng doanh thu 1.290 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính tăng tới 297% lên 407 tỉ đồng. Tính trung bình một ngày công ty phải trả hơn 4 tỉ lãi vay, cao hơn 237% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Đức Mạnh/Báo Lao Động

Ẩn sau thương vụ một ngân hàng cho VNDIRECT vay 1/4 vốn điều lệ (laodong.vn)