Bloomberg mới đây dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, CTCP VNG – đơn vị sở hữu ứng dụng Zalo – đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, giao dịch có thể định giá VNG ở mức từ 2 – 3 tỷ USD; tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn đang trong quá trình đàm phán và công ty có thể theo đuổi các lựa chọn huy động vốn khác. Trong khi đó, đại diện của VNG cho biết không có quyết định nào về IPO hoặc SPAC được thông qua và từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo báo cáo thường niên 2020, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG vào cuối năm ngoái là 48,08% và các cổ đông nội sở hữu 31,78% cổ phần.
Đến ngày 12/1/2021, VNG đã nâng vốn điều lệ từ hơn 353 tỉ đồng lên 358,4 tỉ đồng. Sau đợt tăng vốn này, theo tìm hiểu của người viết, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại tại VNG giảm về mức 47,38% vốn điều lệ vào đầu tháng 7/2021. Con số này vẫn thấp hơn mức tối đa 49% theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, VNG vẫn còn nắm giữ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ và tới nay vẫn chưa dùng đến. Điều này đồng nghĩa số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của VNG hiện chỉ là hơn 28,73 triệu cổ phiếu. Nếu tính trên số lượng cổ phiếu này, tỉ lệ biểu quyết của khối ngoại tại VNG đã tăng lên tới hơn 59%. Cấu trúc cổ đông này giúp khối ngoại cầm trịch cuộc chơi tại VNG và có quyền chi phối nhiều quyết sách quan trọng của công ty.
Trong số các cổ đông ngoại, Tenacious Bulldog Holdings Limited là nhà đầu tư lớn nhất với tỷ lệ sở hữu với 22,15% cổ phần của VNG với trụ sở đặt tại Offshore Incorpotations Centre, British Virgin Islands - được mệnh danh là "thiên đường" thuế. Một cổ đông khác cũng có trụ sở tại British Virgin Islands là Prosperous Prince Enterprises Limited, sở hữu 7,47% VNG. Tổng sở hữu của hai cổ đông này chiếm gần 30% vốn điều lệ VNG.
Thông tin về hai cổ đông nước ngoài này không được công bố nhưng vào tháng 10/2018, tờ Deal Street Asia từng đề cập Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited được coi như là ‘cánh tay nối dài’ của Tencent tại VNG.
Trong khi đó, Tencent được biết tới là ông trùm công nghệ của Trung Quốc với quy mô tài sản lên tới 50 tỷ USD. Gã khổng lồ này có nhiều điểm tương đồng với VNG khi có cùng xuất phát điểm là doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử, sau đó lấn sân sang các mảng kinh doanh khác.
Mối quan hệ giữa VNG và Tencent được thị trường đồn đoán từ năm 2008 khi VNG vẫn còn mang tên VinaGame. Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã kiểm toán, VNG cũng cho biết Tencent Holdings Limited là cổ đông lớn dù không công bố tỉ lệ sở hữu.
Tuy nhiên, trong các năm sau đó, ‘’hình bóng’’ của Tencent tại VNG đã không còn xuất hiện trong các báo cáo của kỳ lân công nghệ này. Thay vào đó là các cái tên mới như Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited.
Không những vậy, cổ đông cá nhân nước ngoài lớn thứ hai của VNG hiện nay là ông Shen Hao (sở hữu 0,13% vốn điều lệ) từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc phụ trách M&A của Tập đoàn Tencent và Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của VNG. Đến ngày 26/3/2020, VNG đã quyết định miễn nhiệm ông Shen Hao.
Một lãnh đạo cấp cao khác của Tencent là ông Lau Chi Ping Martin (Martin Lau) cũng có tới hơn 10 năm làm Thành viên HĐQT VNG trước khi được miễn nhiệm kể từ ngày 19/6/2020.
Ngoài các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân liên quan đến Tecent, cơ cấu cổ đông của VNG còn ghi nhận sự góp mặt của quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore là Gamvest Pte. Ltd (GIC) với tỷ lệ sở hữu là 7,84%.
Cũng liên quan đến giao dịch của các cổ đông ngoại, ngày 29/3/2021, bà Julie Thien Nga Lam - vợ ông Don Lam, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ VinaCapital - đã chuyển nhượng toàn bộ 1,38% cổ phần VNG đang nắm giữ cho Mirae Asset Innovative Growth Fund và Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset (Việt Nam).
Về phía các cổ đông nội, ông Lê Hồng Minh – Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT - đang sở hữu khoảng 9 – 10% cổ phần VNG, trong khi ông Vương Quang Khải – Phó Tổng Giám đốc thường trực cấp cao nắm 3,2% vốn.