Tỉ lệ sở hữu tính trên số cổ phần có quyền biểu quyết của các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG đã vượt xa mức 49% kể từ khi Seletar Investment Pte Ltd trở thành cổ đông lớn. Ai đang là những 'tay chơi' ở VNG?

 

Ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VNG

Ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VNG

Công ty Cổ phần VNG (VNG) vừa ghi nhận chuyển động mới từ các cổ đông ngoại. Cụ thể, ngày 29/3/2021, bà Julie Thien Nga Lam đã sang tên toàn bộ số cổ phần VNG đang nắm giữ cho Mirae Asset Innovative Growth Fund và Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset (Việt Nam). Các pháp nhân này sở hữu lần lượt 0,12% và 1,26% cổ phần VNG.

Bà Julie Thien Nga Lam là vợ ông Don Lam – Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ VinaCapital.

Trước đó, ngày 12/1/2021, VNG đã nâng vốn điều lệ từ 353 tỉ đồng lên 358,4 tỉ đồng. Sau đợt tăng vốn này, theo dữ liệu của VietTimes, tỉ lệ sở hữu trên tổng số cổ phần đã phát hành của khối ngoại tại VNG giảm về mức 47,36%.

Song, VNG vẫn còn đó 7,1 triệu cổ phiếu quỹ tại thời điểm ngày 30/6/2020 (theo báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên năm 2020 đã kiểm toán) tới nay vẫn chưa dùng đến. Đồng nghĩa, số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của VNG – theo tính toán của VietTimes – là hơn 28,7 triệu cổ phiếu. Nếu tính trên số lượng cổ phiếu này, tỉ lệ biểu quyết của khối ngoại tại VNG, theo đó, lên tới 59,07%. Tỉ lệ biểu quyết quá bán cho thấy khối ngoại đang đóng vai trò chủ đạo, chi phối các quyết sách quan trọng của VNG.

Sự chênh lệch lớn giữa tỉ lệ sở hữu (47,36%) và tỉ lệ biểu quyết của các nhà đầu tư ngoại (59,07%) tại VNG đem đến những lưu ý khá thú vị. Biết rằng giới hạn sở hữu nước ngoài áp dụng đối với các ngành nghề kinh doanh của công ty (theo chia sẻ của đại diện VNG tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2020) là 49%.

Xét theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (ban hành ngày 31/12/2020) quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, với việc xác định tỉ lệ sở hữu nước ngoài dựa trên vốn điều lệ, con số 47,36% cho thấy tỉ lệ sở hữu nước ngoài ở VNG vẫn ở trong mức trần cho phép.

Còn nếu xét theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP (ban hành ngày 26/6/2015), với việc tỷ lệ sở hữu nước ngoài được tính trên số cổ phần có quyền biểu quyết, con số 59,07% đem tới kết luận hoàn toàn khác.

Mà trước khi Nghị định số 155 nêu trên có hiệu lực (kể từ ngày 1/1/2021, thay thế cho Nghị định số 60/2015/NĐ-CP), tỉ lệ sở hữu tính trên số cổ phần có quyền biểu quyết của các nhà đầu tư nước ngoài tại VNG đã vượt xa mức 49%.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, kể từ sau khi Seletar Investment Pte Ltd trở thành cổ đông lớn của VNG (ngày 26/12/2018), tỉ lệ biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài tại VNG thường xuyên duy trì trên ngưỡng 49%.

Dịch chuyển sở hữu ở VNG ảnh 1

Cận cảnh các ‘tay chơi’ ở VNG

Theo truyền thông quốc tế, từ năm 2008, Tencent đã nắm giữ cổ phần VinaGame (tiền thân của VNG), song mới chỉ dừng ở mức là cổ đông thiểu số, không nắm quyền kiểm soát (minority stake). Mặt khác, trên báo cáo thường niên năm 2008, Tencent cho biết đã thâu tóm số cổ phần tương đương 20,02% tỉ lệ lợi ích tại một công ty sản xuất trò chơi trực tuyến (online game) tại Châu Á. Khá trùng hợp, cũng trong năm 2008, cựu giám đốc M&A của Tencent – ông Johny Shen (Johny Shen Hao) - đã chuyển sang phụ trách tài chính tại VNG.

Thêm nữa, trong báo cáo thường niên năm 2011, Tencent cho biết đang nắm giữ vốn tại một công ty game trực tuyến tại Đông Nam Á với tỉ lệ 31,25% cổ phần (cuối năm 2010 là 30,02% cổ phần). Dù tập đoàn này không nêu đích danh, song theo những dữ kiện và con số doanh thu nêu trong báo cáo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó chính là VNG.

Dịch chuyển sở hữu ở VNG ảnh 2

Tencent cho biết đang nắm giữ 31,25% cổ phần trong một công ty trò chơi trực tuyến tại Đông Nam Á trong báo cáo thường niên năm 2011

Ở chiều hướng ngược lại, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã kiểm toán của VNG cũng ghi nhận Tencent Holdings Limited là ‘cổ đông lớn’ dù không tiết lộ tỉ lệ sở hữu cụ thể.

Tới năm 2012, sau khi các mối liên hệ sở hữu cổ phần nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và truyền thông Việt Nam, hình bóng VNG không còn được thể hiện trong các báo cáo sau đó của Tencent.

Đại gia công nghệ Trung Quốc cũng chỉ đề cập khá chung chung, như việc đã thực hiện các khoản đầu tư chiến lược vào các thị trường mới nổi như Nga, Ấn Độ, Đông Nam Á hay việc đạt được một số thành công bước đầu trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến tại Đông Nam Á. Các khoản đầu tư vào cổ phần các công ty chưa niêm yết (unlisted shares) không được Tencent phân loại rõ theo khu vực địa lý như đối với các công ty niêm yết (listed shares).

Còn về phía VNG, công ty này trong các báo cáo tài chính đã kiểm toán sau đó cũng chỉ ghi nhận Tencent Holdings Limited là ‘bên liên quan’. Dẫu vậy, mối liên hệ giữa Tencent và VNG vẫn khá bền chặt.

Bên cạnh ông Shen Hao, một lãnh đạo cấp cao khác của Tencent là ông Lau Chi Ping Martin (Martin Lau) cũng đã có tới hơn 10 năm làm Thành viên HĐQT VNG trước khi được miễn nhiệm kể từ ngày 19/6/2020. Ông Martin Lau còn là thành viên HĐQT JD.com – đại gia thương mại điện tử lớn của Trung Quốc và hiện cũng là một trong các cổ đông lớn tại Tiki.

Lưu ý rằng, trước khi trở thành sếp tại Tencent, ông Martin Lau từng là giám đốc điều hành tại bộ phận ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs (Asia) L.L.C, am hiểu về lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ.

Tháng 10/2018, tờ Deal Street Asia dẫn nguồn tin thân cận cho hay Goldman Sachs – thông qua GS Treasure SARL – đang nắm giữ 3,55% cổ phần VNG và có ý định thoái vốn sau 8 năm đầu tư.

Đáng chú ý, Deal Street Asia cũng đề cập tới Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited được coi như là ‘cánh tay nối dài’ của Tencent tại VNG. Tra cứu của VietTimes cho thấy, hai pháp nhân này đều đăng ký chung địa chỉ trụ sở chính tại P.O Box 957, Offshore Incorporations Centre, Road Town, Tortola, British Virgin Islands.

Tỉ lệ sở hữu trên số cổ phần có quyền biểu quyết của Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited tại VNG đạt đỉnh vào tháng 9/2019, lên tới gần 37,7%. Tính đến ngày 29/3/2021, tổng tỉ lệ biểu quyết của hai tổ chức này tại VNG ở mức 36,94%.

Ngoài các nhà đầu tư tổ chức kể trên, cơ cấu cổ đông của VNG còn ghi nhận sự góp mặt của Gamvest Pte. Ltd (GIC) và Seletar Investment Pte Ltd (Temasek).

Năm 2010, Forbes dẫn lời ông Benjamin Joffe - Giám đốc chiến lược của công ty nghiên cứu và chiến lược số Plus 8 Star (Bắc Kinh) – cho rằng VNG đang đi theo mô hình của Tencent.

Tờ này cũng cho biết, Tencent đã đạt được thoả thuận với VNG để đưa QQchat cũng như một số trò chơi vào kinh doanh tại Việt Nam. Điểm chung của hai công ty này là có cùng cổ đông IDG Ventures. Cụ thể, bài báo của Forbes cho biết IDG đầu tư 500.000 USD vào VNG từ đầu năm 2005 sau khi rót 300 triệu USD vào Tencent.

Không chỉ VNG, như VietTimes từng đề cập, năm 2010, IDG Ventures Việt Nam còn rót vốn vào VTC Online – một nhà phân phối game online đình đám không hề thua kém so với VNG thời điểm đó. Tuy nhiên, VTC Online đã không thể chuyển mình trở thành một công ty công nghệ, giải trí như VNG mà dần đánh mất vị thế trong lĩnh vực game online./.

 

Theo Nguyễn Ánh/Viettimes