Khảo sát về Thế hệ Kế nghiệp (NextGen) năm 2022 của PwC là một khảo sát toàn cầu được thực hiện tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm Việt Nam) về các thành viên thế hệ kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình. Mục tiêu của khảo sát nhằm tìm hiểu được thế hệ kế nghiệp đang suy nghĩ như thế nào về các vấn đề quan trọng ngày nay, vai trò của họ và những vai trò mà họ nghĩ rằng nên thực hiện.

Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến với sự hợp tác của Mạng lưới các doanh nghiệp gia đình (FBN). Từ ngày 08/10 đến 12/12/2021, đã có 1.036 cuộc khảo sát tại 68 vùng lãnh thổ. Trong số này có 38 đại diện từ Việt Nam.

khoi-nghiep-1-1655435503.PNG
Ảnh minh họa

Ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình và tư nhân, PwC Việt Nam chia sẻ: “Khảo sát Thế hệ Kế nghiệp năm 2022 của PwC đưa ra cái nhìn rõ nét hơn về những động lực, ưu tiên và nỗi băn khoăn của NextGen, những nhà lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

Được rèn dũa sau hai năm đại dịch COVID-19, NextGen tại Việt Nam hiện đang trải qua với một hiện thực mới, với những thách thức mới như nhu cầu phát triển, chuyển đổi và học hỏi ngày mạnh mẽ hơn; đồng thời viễn cảnh kế thừa ngày càng trở nên hiện hữu. Hơn bao giờ hết, NextGen có khả năng định hình doanh nghiệp gia đình và tạo ra ảnh hưởng khi đảm trách công việc quản lý doanh nghiệp của họ”.

Cuộc đại chuyển giao thế hệ sẽ diễn ra trong vòng 5 năm tới

Quyết định trao quyền cho thế hệ kế nghiệp là việc trọng đại. Lãnh đạo đương nhiệm cần đặt niềm tin vào người mình sẽ giao phó doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NextGen cần chắc chắn đã lường trướcnhững thách thức cũng như có đủ khả năng để bảo vệ gia sản và phát triển doanh nghiệp.

Theo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam của PwC năm 2021, một cuộc đại chuyển giao thế hệ với sự tham gia của thế hệ thứ 2, 3 và 4 (với tư cách là các cổ đông lớn) sẽ diễn ra trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, chỉ có 36% cho biết họ đã chuẩn bị kế hoạch kế nghiệp hoàn chỉnh. Một thông tin tích cực là đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp gia đình tập trung lên kế hoạch kế nghiệp.

Hiện nay, quá trình chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình đã được quan tâm nhiều hơn và đi kèm với các hành động thực tế. 58% NextGen Việt Nam nhận thức rõ về việc lập kế hoạch kế nghiệp và phần lớn trong số đó đã và đang tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch chuyển giao. Việc lập kế hoạch kế nghiệp không còn là hành trình một chiều. NextGen luôn được khuyến khích tham gia tích cực vào quá trình này để chủ động thiết lập vị trí của mình trong doanh nghiệp gia đình.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc, Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình và tư nhân, PwC Việt Nam chia sẻ: “Chuyển giao thế hệ là một quá trình đầy thách thức cần sự tham gia của cả thế hệ lãnh đạo đương nhiệm và NextGen. Nhiều người thường lo ngại về vấn đề ‘quản trị cấp trên’ (managing-up), nhưng trên tinh thần tôn trọng và chủ động quản trị giao tiếp, đây được coi là quá trình rất quan trọng đối với NextGen, giúp họ khẳng định bản sắc, vị trí và đạt được khát vọng sự nghiệp”.

61% thế hệ kế nghiệp Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân ở vị trí lãnh đạo mới

Tuy nhiên, kế nghiệp vẫn là một vấn đề khó và nhạy cảm. Thế hệ lãnh đạo đương nhiệm vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Chính vì vậy, 61% NextGen Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân ở vị trí lãnh đạo mới hoặc với vai trò thành viên hội đồng quản trị, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (đều là 45%).

Các nguyên nhân chính gồm: mức độ sẵn sàng chuyển giao của thế hệ lãnh đạo đương nhiệm (42%) và khó khăn trong việc tìm ra điểm mạnh và đam mê của bản thân trong giai đoạn này (42%).

Một phát hiện đáng ngạc nhiên trong khảo sát của chúng tôi là NextGen Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm ra thế mạnh và đam mê của bản thân, cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu (30%) và trong khu vực (29%). Những gì cần được chuẩn bị cho việc sự kế thừa thành công thường hiếm khi được trình bày rõ ràng hoặc thảo luận chi tiết. Vì thế, NextGen cho rằng cách tạo dựng niềm tin nơi thế hệ lãnh đạo đương nhiệm là noi theo tấm gương của họ. Tuy nhiên, NextGen ngày nay được nhiệt liệt khuyến khích trong việc tạo đột phá và định hình con đường riêng thông qua nâng cao kỹ năng và tầm nhìn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng: “Kế thừa không chỉ đơn thuần là chuyển giao từ cha sang con”. Bà Phương xác định điểm mấu chốt để thực hiện việc kế nghiệp hiệu quả là thay đổi cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp gia đình. Đó là khi một thế hệ quản lý mới cam kết bảo tồn các giá trị và tầm nhìn của gia đình, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thịnh vượng hơn nữa.

phuong-tan-hiep-phat-1-1655435845.PNG
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Với quan điểm đó, bà tin rằng NextGen, bao gồm cả bản thân bà phải trở thành những nhân viên xuất sắc và những đại sứ của doanh nghiệp gia đình, trước khi thực sự đảm nhận vai trò lãnh đạo trong tương lai. Trải nghiệm thực tập trong công việc kinh doanh hàng ngày sẽ giúp NextGen có được hiểu biết sâu sắc về hoạt động kinh doanh thực tế. Điều này cũng tạo điều kiện để chuyển giao từng bước và xây dựng chiến lược phù hợp.

Bà Phương là con gái lớn của ông Trần Quý Thanh, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Bà gia nhập doanh nghiệp gia đình năm 2004 và đã đảm nhận phụ trách bộ phận mua hàng, tiếp thị sản phẩm, quan hệ công chúng và các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

Đối với thế hệ kế nghiệp Việt Nam, tăng trưởng là mục tiêu quan trọng nhất. Khảo sát mới nhất của PwC cho thấy:

● 53% NextGen Việt Nam chọn tăng trưởng kinh doanh là ưu tiên số một.

● NextGen Việt Nam hiện đang tích cực tham gia vào công nghệ và số hóa, cao hơn đáng kể so với trung bình toàn cầu và khu vực.

● NextGen Việt Nam có quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề liên quan đến ESG, đặc biệt là về trách nhiệm của doanh nghiệp về hoạt động bền vững. Tuy nhiên, họ cần biến các cam kết và niềm tin này thành hành động.

● 58% NextGen Việt Nam nhận thức rõ về việc lập kế hoạch kế nghiệp và phần lớn trong số đó tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch chuyển giao.