Tôi cùng các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu khảo sát 360 độ về 25.000 nhà lãnh đạo từ một nghiên cứu có trong cuốn sách “Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng” của chúng tôi.

Chúng tôi phát hiện ra rằng, những người truyền cảm hứng nhiều nhất (10% hàng đầu của nhóm) đều có những điểm chung độc đáo đó là khả năng thiết lập mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ với nhân viên của mình.

Khi tôi thảo luận về việc kết nối cảm xúc với các giám đốc điều hành, tôi không đề xuất việc thể hiện quá nhiều cảm xúc, chia sẻ quá mức về thông tin cá nhân hoặc tham gia các buổi trị liệu với đồng nghiệp.

Đó phải là sự kết nối với giữa các nhóm, đồng nghiệp và các sếp của chúng tôi. Chúng tôi phải như những con người có cảm xúc, chứ không phải là những con robot tự động tập trung vào nhiệm vụ. Chính những cảm xúc mà bạn với tư cách là một nhà lãnh đạo khơi dậy trong những người khác,  giúp bạn có thể phát huy những điều tốt nhất ở họ.

Hàng ngàn năm trước, Aristotle đã xác định Pathos là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp và thuyết phục. Pathos, trong triết học và hùng biện, là ‘một lời kêu gọi có mục đích đối với cảm xúc’ để gợi lên những cảm xúc cụ thể của một người.

Từ thời xưa, Aristotle hiểu rằng việc truyền cảm hứng hành động sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong mối liên hệ giữa người với người. Như những câu châm ngôn ngụ ý, logic khiến chúng ta suy nghĩ, nhưng chính cảm xúc khiến chúng ta hành động.

Dưới đây là 3 cách tôi đã huấn luyện cho các giám đốc điều hành để khai thác sức mạnh của cảm xúc, mục đích là để thúc đẩy mọi người làm việc cùng nhau và đạt được kết quả tốt hơn.

1. Trau dồi nguồn năng lượng tuôn trào từ lòng nhiệt huyết

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy có thêm một luồng gió mới khi hào hứng với một dự án hoặc công việc mình đang làm.

Là một nhà lãnh đạo, bạn có thể truyền nguồn năng lượng này bằng cách chia sẻ niềm đam mê của mình đối với những kết quả cần đạt được. Nhưng trước tiên, bạn cần phải tự mình tiếp cận nguồn năng lượng đó.

Tôi đã làm việc với một giám đốc dữ liệu, cũng là người am hiểu nhất trong doanh nghiệp khi nói đến phân tích. Tôi sẽ không nói anh ấy tiêu cực, nhưng chắc chắn anh ấy đã hơi thiếu tích cực.

Trọng tâm của anh ấy trong các cuộc họp giống như Đặc vụ Friday từ Dragnet vậy, “chỉ là dữ kiện và con số, thưa bà”.

Anh ấy nhận ra sự cần thiết trong việc không phụ thuộc vào các bảng tính và sử dụng dữ liệu để kết nối với những người khác – cả về những vấn đề họ quan tâm sâu sắc để giải quyết và những kết quả kinh doanh mà họ rất vui khi đạt được.

Tôi đề nghị anh ấy tập trung vào ba câu hỏi:

1. Điều gì về [cuộc họp / ý tưởng / chủ đề] này cho tôi lý do để lạc quan?

2. Làm thế nào để nó kết nối với một kết quả lớn hơn mà chúng ta đang nói đến?

3. Làm thế nào để tôi có thể chia sẻ điều này với một năng lượng tích cực?

kết nối cảm xúc: trao dồi nguồn năng lượng tuôn trào từ lòng nhiệt huyết

Sau 6 tháng nỗ lực nhất quán để tạo ra những năng lượng phong phú hơn. Các đồng nghiệp của anh ấy đã báo cáo trực tiếp lên cấp trên và Giám đốc điều hành rằng: “Anh ấy là một cộng tác viên tốt và có tầm nhìn rộng hơn về doanh nghiệp”. Họ thấy anh ta có nhiều chiến lược và động lực hơn.

Điều này không phải là sự tích cực giả tạo. Nghiên cứu của Susan David về sự tích cực độc hại đã chỉ ra việc sức khỏe của bạn sẽ tổn hại như thế nào nếu bạn ép khuôn mặt của bạn phải vui vẻ.

Điều đó cũng không có nghĩa là bạn phải trở thành Energizer Bunny và duy trì mức độ nhiệt tình trong bài phát biểu của bạn ngay cả trong lúc bạn đang nghỉ.

Trên thực tế, cách tiếp cận đó có thể gây mệt mỏi cho người khác. Cách hiệu quả nhất là tạo ra các kết nối cho nhóm của bạn giữa tầm nhìn thông thường và tầm nhìn của bạn cho tương lai. Ví dụ như một tập hợp các nhiệm vụ cần thiết hoặc một thời gian ngắn hạn có thể dẫn đến các kết quả quan trọng cho khách hàng, bệnh nhân, khách mời, doanh nghiệp hoặc môi trường của bạn .

Cho dù kết quả có ra sao, việc thiết lập một mục tiêu rõ ràng với sức sống mãnh liệt có thể tạo ra một động lực phát triển về phía trước.

2. Nhận ra lợi ích của sự tức giận và sử dụng nó tốt hơn

Sự tức giận có một vị trí nhất định trong việc lãnh đạo. Đó là một cảm xúc mạnh mẽ và một sự thúc đẩy hành động.

Sự tức giận cung cấp một nguồn năng lượng có giá trị trong việc thảo luận về mối quan tâm, nỗi sợ hãi và truyền đạt tính cấp thiết. Thật không may, sự tức giận thường bị lạm dụng và phản tác dụng.

Thể hiện sự tức giận bằng cách la hét hoặc cao giọng, cắt ngang lời mọi người và nói năng gây hấn có khả năng gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ hoặc sự đối đầu của người khác.

Đối với các nhà lãnh đạo, cách hiệu quả nhất để thể hiện sự tức giận là thể hiện một cách hợp lý mối quan tâm thực sự đằng sau cơn giận. Trong kinh doanh, tức giận thường là tiền đề cho sự lo lắng hoặc bận tâm về những điều có thể xảy ra nếu điều gì đó không diễn ra như kế hoạch.

Hoặc nó có thể dùng để che chắn nỗi sợ hãi và sự lo lắng về hậu quả của một kết quả tồi tệ. Thông thường, chính những cảm xúc đằng sau sự tức giận có thể giúp bạn kết nối nhân viên theo một cách có ý nghĩa hơn và cũng sẽ giúp bạn củng cố các mối quan hệ.

Lần tới khi bạn cảm thấy tức giận, hãy hít thở một chút và tự hỏi bản thân:

1. Tôi đang tức giận hay tôi đang cảm thấy một điều gì khác?

2. Nếu bạn trả lời, “Tôi chỉ đang tức giận!” hãy thử đưa ra một vài lựa chọn khác. Sợ hãi? Đau khổ? Lo lắng? Về cái gì?

3. Làm thế nào để tôi có thể thể hiện bản thân một cách điềm đạm để nó thúc đẩy tôi hành động hiệu quả?

Việc thể hiện sự minh bạch về mặt cảm xúc có thể được gọi là sự tổn thương và nó có thể là chất xúc tác để xây dựng lòng tin, thúc đẩy sự hợp tác và tạo động lực cho các nhóm.

Đối với những người không hoàn toàn thoải mái với thuật ngữ này, chỉ cần tập trung vào việc sử dụng sự tức giận của bạn một cách hiệu quả hơn.

Hãy thử hạ hỏa và bình tĩnh bày tỏ sự thất vọng về một tình huống nào đó, chia sẻ mối quan tâm của bạn và cởi mở mời người khác chia sẻ quan điểm của họ. Điều này mở ra cơ hội cho các cuộc trò chuyện thẳng thắn với các thành viên trong nhóm bạn về việc không đạt được tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng. 

Điều này cuối cùng có thể thúc đẩy nhóm của bạn nỗ lực nhiều hơn, sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng và cuối cùng là giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài.

3. Thúc đẩy sự tương tác sâu hơn với trọng tâm là sự phát triển

Theo thống kê, huấn luyện và phát triển người khác là một trong những năng lực mạnh nhất mà một nhà lãnh đạo cần có để đạt được hiệu suất cao trong việc truyền cảm hứng.

Khi mọi người kể với tôi về những nhà lãnh đạo giỏi nhất mà mình từng làm việc, đa số họ luôn quan tâm đến sự phát triển nghề nghiệp của mình.

Việc kết nối cảm xúc được thực hiện thông qua việc hướng dẫn và huấn luyện sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho cả hai bên. Các nhà lãnh đạo ưu tiên việc phát triển những người trong nhóm của họ báo cáo rằng: Làm như vậy khiến họ cảm thấy có quyền lực, mạnh mẽ, có giá trị và quan trọng.

Họ tự hào khi chia sẻ những kiến thức chuyên môn của mình cũng như nhìn thấy sự phát triển và thành công của nhân viên.

Những người được đào tạo cho rằng sự tự tin mà một nhà lãnh đạo thể hiện bằng cách đầu tư thời gian, nguồn lực vào sự phát triển sẽ khiến họ cảm thấy tham gia nhiều hơn vào công việc, tăng cường sự tự tin và cuối cùng là cải thiện hiệu suất.

Truyền đạt cam kết của bạn và tạo ra một tầm nhìn chung về sự thành công bằng cách bày tỏ những điều sau đây với những người bạn huấn luyện:

1. Sự phát triển chuyên nghiệp của bạn rất quan trọng đối với tôi và đối với nhóm của chúng tôi.

2. Tôi tin tưởng vào khả năng và tiềm năng của bạn.

3. Tôi sẵn sàng đầu tư thời gian và nguồn lực cần thiết để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

Tập trung vào phát triển những người làm việc cho bạn là một khoản đầu tư dài hạn để thúc đẩy kết quả kinh doanh. Thời gian dành để giúp họ hoạt động tốt hơn là điều thúc đẩy kết nối cảm xúc. Kết nối ấy dẫn đến lòng trung thành của nhân viên, động lực và thành công lớn hơn cho nhóm.

kết nối cảm xúc: Thúc đẩy sự tương tác sâu hơn với trọng tâm là sự phát triển

Sếp cũ từng cố vấn cho tôi như thế này: “Nỗ lực huấn luyện của tôi vào sự phát triển của bạn không hoàn toàn là vì bản thân bạn (mà còn vì chúng tôi). Tôi biết rằng bạn càng giỏi thì kết quả của chúng ta sẽ càng tốt”.

Bạn rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những việc mình cần phải hoàn thành mà quên rằng vai trò chính của chúng ta với tư cách là người lãnh đạo là thúc đẩy kết quả thông qua những người khác.

Hãy sử dụng cảm xúc như một phần kỹ năng lãnh đạo của bạn. Nó không đòi hỏi nhiều thời gian để bổ sung mà đòi hỏi một cam kết tham gia khác nhau. Hãy chia sẻ những gì bạn đang cảm thấy với ý định kết nối cùng những người khác. Cố gắng hiểu hơn về cảm xúc của họ.

Theo kinh nghiệm của tôi, càng nhiều nhà lãnh đạo làm những việc này thì những người mà họ từng chỉ bảo sẽ càng đạt được những kết quả tốt hơn.

Nguồn: Scott Edinger