Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc dần đi tới hồi kết, và đây là thông tin không mấy vui vẻ trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của quốc gia tỷ dân này đang chìm trong khủng hoảng, theo chuyên gia kinh tế Hao Hong.

bds-trung-quoc-1695786482.jpg
 

“Sửa chữa thị trường bất động sản là công việc kéo dài trong nhiều năm hoặc thậm chí cả một thập kỷ phía trước. Lý do là bởi các doanh nghiệp phát triển đã tung ra thị trường quá nhiều sản phẩm, vượt quá nhu cầu của người dân Trung Quốc”, vị Kinh tế trưởng của Grow Investment, nhận định.

“Và quá trình đô thị hóa, vốn diễn ra thần tốc trong vòng 10 năm qua kéo theo nhu cầu nhà ở, đang đi dần tới hồi kết”, Hong bổ sung.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang mắc kẹt trong xu hướng suy giảm niềm tin của người dân, với những cái tên hàng đầu như Evergrande và Country Garden đang ngập chìm trong nợ nần.

Ông Hong nhấn mạnh: 18.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.460 tỷ USD) là giá trị các bất động sản được bán ra trên thị trường cách đây hai năm. Nhưng 10.000 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, và 5-6.000 tỷ nhân dân tệ trong các năm sắp tới, đã có thể coi là một con số “may mắn”.

“Trên thị trường đang tồn tại tình trạng thừa cung. 1,4 tỷ người không thể lấp đầy những căn nhà còn chưa bán hết”, He Keng, cựu Phó Cục trưởng cục Thống kê quốc gia, nhận định, cảnh báo cuối tuần vừa qua.

Trong khi đó, đà hồi phục sau đại dịch Covid-19 chưa hết “u ám” dù doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 8 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt hơn dự báo.

“Một khi người dân thay đổi kỳ vọng; nền kinh tế hồi phục với động lực tới từ các lĩnh vực khác thay vì bất động sản, tình hình sẽ trở nên sáng sủa hơn. Khi đó, nền kinh tế cũng trở nên vững chãi hơn”, Hong chia sẻ.

“Giảm sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản có lẽ là ‘liều thuốc’ tốt cho kinh tế Trung Quốc trong tương lai”, ông nhận định.

Nguồn: CNBC