
Blue Bottle Coffee là một case về F&B thành công bậc nhất trong vài năm trở lại đây, mọi thứ đều cực kỳ đáng học, từ sự chú tâm đến chất lượng sản phẩm, đến thay đổi mô hình kinh doanh và tạo dựng được một tệp khách hàng fan trung thành… Kết quả là Blue Bottle Coffee đã nhận được đầu tư từ Google Ventures và sau đó là của gã khổng lồ F&B Nestle với định giá hiện tại là 700 triệu USD…
1. Khởi đầu: Blue Bottle Coffee được thành lập vào năm 2002 tại Oakland, California, bởi James Freeman. Freeman thực ra là một nghệ sĩ chơi kèn Oboe khá tài năng tuy nhiên, niềm đam mê với cà phê đã khiến ông từ bỏ âm nhạc để theo đuổi sự nghiệp trong ngành F&B. Chúng ta cũng sẽ thấy đậm nét chất nghệ sĩ của người sáng lập trong mô hình của Blue Bottle Coffee
2. Mô hình kinh doanh D2C & Subscription: Để mở quán café và nhân rộng quy mô thì thường người ta sẽ nghĩ đến việc mở chuỗi, nhưng ban đầu Blue Bottle Coffee tập trung vào việc giao trực tiếp đến cho khách hàng và khuyến khích khách hàng đăng ký theo tháng với các gói đăng ký uống café với tần suất khác nhau… Điều này giúp cho Blue Bottle Coffee không cần phải mở rộng quy mô và vẫn đảm bảo dòng tiền cực kỳ đều đặn và mạnh mẽ


3. Sản phẩm ưu việt: Tuy nhiên đển làm được mô hình D2C và Subscription là không hề dễ. Blue Bottle đã triển khai thành công dựa trên nền tảng sản phẩm thực sự ưu việt. Quán cam kết giúp khách hàng nhận được cà phê rang tươi chỉ trong vòng 48 giờ và không bao giờ quá hạn. James Freeman từng nói: “Tôi bắt đầu Blue Bottle Coffee vì tôi chán ngấy với cà phê dở tệ.”
4. Chất lượng & triết lý: James Freeman luôn kiên định với triết lý không thỏa hiệp về chất lượng. Mọi quy trình từ chọn nguyên liệu, rang xay, đến pha chế đều được thực hiện cẩn thận để đảm bảo hương vị hoàn hảo cho mỗi tách cà phê. Ngoài ra tách café của Blue Bottle cũng mang trong mình triết lý và kỹ thuật pha pour-over từ Nhật Bản, tập trung vào sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong quá trình pha chế, mang lại trải nghiệm cà phê chất lượng cao. Cửa hàng đầu tiên Blue Bottle bắt đầu mở rộng ngoài Mỹ cũng là Nhật Bản
5. Café hãy chỉ là café: Khi mở rộng cách điểm bán offline, Blue Bottle tập trung vào tối giản. Nhiều quán làm trải nghiệm và đôi khi việc xây dựng và trang trí lấn át việc quan trọng nhất của thưởng thức café chính là chất lượng café. Blue Bottle được thiết kế với phong cách tối giản và hướng khách hàng tập trung vào trải nghiệm thưởng thức cà phê là chính, không add-value linh tinh như James Freeman từng trả lời “Có một sự thỏa mãn sâu sắc khi làm điều gì đó đơn giản như một tách cà phê ngon, và làm nó đúng cách.”
6. Bán “nghi thức” thưởng thức cafe: James Freeman từng nói muốn biến việc uống café trở thành một dạng “nghi thức”, cũng rất giống với tư duy của Qua Vũ. Blue Bottle không chỉ bán cà phê mà còn bán trải nghiệm. Mọi quy trình từ rang xay đến phục vụ đều được chăm chút tỉ mỉ, tạo cảm giác khác biệt và cao cấp cho khách hàng.
7. Trải nghiệm “chậm”: Quy trình pha chế tỉ mỉ của Blue Bottle có thể khiến khách hàng chờ đợi lâu hơn, nhưng điều này làm tăng thêm giá trị và sự tinh tế cho mỗi tách cà phê mà họ nhận được. James Freeman quan niệm: “Mọi người muốn thứ gì đó thật, thứ gì đó chân thực, thứ gì đó mất thời gian và công sức để làm ra.” Cái này cũng giống với kiểu chờ tại Phê La vậy. Mọi khía cạnh từ thiết kế quán cà phê đến quy trình pha chế của Blue Bottle đều nhấn mạnh vào tính thủ công, sự tỉ mỉ và nghệ thuật trong từng chi tiết nhỏ nhất.
8. Cao thủ tài chính: Blue Bottle đã thu hút đầu tư từ các quỹ lớn như Google Ventures. Năm 2014, Google Ventures đã quyết định đầu tư vào Blue Bottle Coffee 25,7 triệu USD. Với data khổng lồ trong tay, Google cho biết nhu cầu về cà phê chất lượng cao đang gia tăng, đặc biệt trong phân khúc cà phê thủ công. Với nguồn lực tài chính tốt, Blue Bottle mở rộng nhưng vẫn tập trung cực kỳ khắt khe vào sản phẩm và trải nghiệm. Năm 2017, Nestlé đã mua lại 68% cổ phần của Blue Bottle với giá trị ước tính khoảng 425 triệu USD và bước một chân vào thị trường café cao cấp và tiếp cận mạnh hơn với thế hệ Millennials và Gen Z
9. Chiến lược mở rộng: Thay vì mở rộng nhanh chóng, Blue Bottle chọn lựa mở rộng có kế hoạch, tập trung vào các khu vực đô thị chiến lược như New York, Los Angeles, Tokyo, và Thượng Hải, nhằm xây dựng bản sắc thương hiệu. Mỗi điểm bán của Blue Bottle đều trở thành biểu tượng thu hút các tín đồ café
10. ESG (Environment – Social – Governance) tốt: Blue Bottle cam kết hợp tác trực tiếp với nông dân trồng cà phê. Blue Bottle minh bạch về nguồn gốc hạt cà phê và quy trình rang xay, giúp xây dựng lòng tin với khách hàng và củng cố cam kết bền vững của thương hiệu. Ngoài ra quán cũng cam kết 100% sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, từ đó đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững và giảm thiểu rác thải. Từ bao bì đến thiết kế không gian, Blue Bottle theo đuổi phong cách tối giản, nhấn mạnh sự tinh khiết và chất lượng, không dư thừa nhưng luôn đạt hiệu quả cao.
11. Dẫn đầu làn sóng thứ 3: Café đã trải qua 3 làn sóng 1st: Cà phê là một hàng hóa tiêu dùng, sản xuất và tiêu thụ đại trà (top 1 là Nestle) 2nd: Café là trải nghiệm xã hội, nơi chốn thứ 3, văn hóa café (top 1 là Starbucks) và làn sóng thứ 3rd: Cà phê được coi là một sản phẩm thủ công, tập trung vào chất lượng và phương pháp pha chế thủ công và người tiêu dùng cũng phải học cách thưởng thức như học uống rượu vang vậy… thực tế là khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn cho trải nghiệm café thực sự đặc biệt. Và hiện tại Blue Bottle là một trong những thương hiệu tiên phong của làn sóng cà phê thứ ba
12. Cộng đồng fan trung thành: Việc đón đầu làn sóng thứ 3 của mảng café và định vị cao cấp với những người thưởng thức được coi là có gu hơn khiến Blue Bottle trở thành một hiện tượng có được “love marks” trong mảng F&B. Khách hàng có thể thể hiện sự sành sỏi của mình bằng cách tùy chỉnh lượng hạt, cách pha để tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với khẩu vị và nhu cầu của mình.
Với hơn 100 cửa hàng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, tuy rằng quy mô không quá lớn nhưng Blue Bottle đã xây dựng một cộng đồng khách hàng cực kỳ trung thành và là một trong những case thành công và dự đoán sẽ là sự thành công bền vững bậc nhất trong mảng chuỗi F&B trong thời gian qua…
www.facebook.com/TungPiz/posts/