Năm 2021 đánh dấu 1 năm bùng nổ với hàng loạt thương vụ đầu tư khủng vào startup Việt, góp phần đưa tên tuổi của nhiều doanh nghiệp đến gần với công chúng hơn. Trong đó, MoMo đã trở thành kỳ lân nhờ huy động được 300 triệu đô la Mỹ.

9 cái tên còn lại bao gồm Tiki, VNLife, Sky Mavis, Equest, KiotViet, Homebase, Katalon, Whydah, và Telio cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhờ tập trung phát triển vào những ngành xu hướng trong thời gian tới.

  1. Fintech
thi-truong-fintech-viet-nhung-chuyen-minh-dang-ky-vong-1-1640250775.jpeg

MoMo – một trong những doanh nghiệp fintech vừa chính thức trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam nhờ khoản đầu tư trị giá 200 triệu đô la Mỹ từ Mizuho Bank và các nhà đầu tư khác. Trong nửa đầu năm, ví điện tử cũng đã gọi vốn thành công 100 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư hiện đang là cổ đông.

Fintech hiện rất phát triển tại Đông Nam Á và được dự đoán là 1 trong 10 ngành sẽ bùng nổ trong năm tới, theo Grant Thornton. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực cũng đạt 1,6 tỷ đô la Mỹ năm 2019. Tại Singapore, các công ty khởi nghiệp Fintech đã ghi nhận mức tài trợ tăng 355% trong quý đầu tiên của năm 2021, phần lớn là các khoản đầu tư vào những công ty khởi nghiệp Fintech ở Đông Nam Á, được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của ông Mohammad Raafi Hossainn, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử Fasset khi chia sẻ trên tờ South China Morning Post, không có gì ngạc nhiên khi số lượng các doanh nghiệp Fintech đã phát triển nhanh chóng. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Singapore đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2015, trong khi các công ty khởi nghiệp Fintech của Việt Nam đã tăng 179% kể từ năm 2017. Tại Indonesia, các công ty khởi nghiệp Fintech đã huy động được gần 84% tổng vốn tài trợ vào năm ngoái.

  1. Giáo dục trực tuyến (Edtech)
edtech-16293687164251146912973-0-76-784-1330-crop-16293687301012045136428-1640250880.jpeg

Giáo dục trực tuyến giờ đã trở thành một hình thức học tập bắt buộc trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức này còn rất mới mẻ và chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển. Chính vì vậy, dư địa của ngành rất lớn và đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư hiện nay.

Equest – một nền tảng giáo dục trực tuyến được thành lập từ 2013 đã thành công gọi vốn 100 triệu đô la Mỹ từ KKR, một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới (hiện đang góp vốn vào Vinhomes và Masan MEATLife).

Theo Ken Research, thị trường edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023. Thực tế, đây là khoảng thời gian chín muồi để các start-up edtech “cất cánh”.

Từ năm 2020, các nước Australia, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc bắt đầu đưa các mô hình edtech vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Hiện thị trường edtech Việt Nam có nhiều thương vụ ngầm chưa được tiết lộ, theo ước tính, tổng đầu tư khoảng 45 triệu đô la Mỹ.

  1. Metaverse
facebook-khuay-dong-cuoc-choi-vu-tru-ao-metaverse-1-1640250954.jpeg

Metaverse hiện đang là lĩnh vực ‘hot’ nhất hiện nay nhờ sự kêu gọi của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook (bây giờ là Metaverse). Mark đã đổi tên Facebook thành Metaverse và đồng thời quyết định đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ vào lĩnh vực “siêu vũ trụ” này.

Sự kiện trên cũng khiến nhiều tên tuổi hàng đầu như Microsoft, GameFi, hay thậm chí hãng giày thể thao Nike nhảy vào tham gia vào lĩnh vực này.

Đầu tháng 12, Whydah, công ty khởi nghiệp về blockchain, gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư để phát triển mô hình metaverse mở ở Việt Nam.

Whydah do Phạm Minh Trí, một trong những người Việt tiên phong trong lĩnh vực blockchain, thành lập. Ông cũng là nhà đồng sáng lập Kardiachain - nền tảng blockchain phổ biến tại Việt Nam, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ giải trí đến thương mại điện tử.

Trước đó, VerseHub - một công ty khởi nghiệp công nghệ của người Việt Nam vừa nhận vốn đầu tư 1 triệu đô la Mỹ bởi một nhóm các nhà đầu tư thiên thần. Đây là startup phát triển các sản phẩm công nghệ theo xu hướng vũ trụ ảo Metaverse.

  1. NFT
nft-1640251075.png

Tháng 10 năm nay, Sky Mavis công bố huy động thành công 152 triệu đô la Mỹ trong vòng Series B do quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ Andreessen Horowitz (a16z) dẫn đầu. Một số nguồn tin tiết lộ, công ty được định giá đến 3 tỷ đô la Mỹ trong vòng này.

Sky Mavis đưa ra khái niệm chơi để kiếm tiền (P2E) - nơi mọi người chơi, sống, làm việc và kiếm tiền trong thế giới ảo. Trò chơi P2E đầu tiên của startup này là Axie Infinity - một nền tảng trò chơi dựa trên NFT, lấy cảm hứng từ Pokemon, nơi người dùng có thể kiếm được token thông qua trò chơi và đóng góp cho hệ sinh thái. Cơ chế trò chơi chủ yếu xoay quanh việc thi đấu, thu thập và nuôi thú cưng kỹ thuật số được gọi là Axies.

Trên thực tế, NFT không chỉ được áp dụng trong game mà còn được áp dụng trong giao dịch tài sản. Nó được kỳ vọng sẽ hình thành một nền kinh tế số mới, nơi mọi người có thể gia tăng thu nhập ở bất cứ đâu và tiến tới một xã hội số toàn diện trong vũ trụ ảo “Metaverse”.

Dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối blockchain, NFT (Non-fungible token) là mã xác thực quyền sở hữu cho một tài sản số, chẳng hạn tranh vẽ hay bài hát. Theo phân tích dữ liệu từ Google của Blockchain Centre tháng 8 năm 2021, lượng tìm kiếm toàn cầu về NFT tăng đến 426%. Cùng với đó, Metaverse, vụ trụ ảo toàn diện ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR) và tài sản số NFT, không chỉ nhận về sự quan tâm mà cả những khoản đầu tư lớn từ giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, doanh nhân và các tập đoàn lớn trên toàn cầu.

Mới đây, Coca Cola đã thể hiện những bước tiến đầu tiên của mình với metaverse khi công bố bộ sưu tập tài sản số NFT đầu tiên của hãng.