Trong quá trình tái cấu trúc quản lý, quản trị, số founders mà Lucas được tiếp xúc và nhận thấy họ sẽ dễ dàng trở thành một biểu tượng kinh doanh lớn, có thể thành công trong chuyển đổi trở thành một biểu tượng tài chính, thường họ có 6 tư duy sau đây:
1. What do customers really think of our product & services? - Ám ảnh khách hàng: Tìm và thực sự để tâm tới việc người khác hay khách hàng suy nghĩ như thế nào về sản phẩm, dịch vụ hay giá trị mà mình cung cấp.
Người có xu hướng hay cầm sản phẩm đi bán hàng, chịu trách nhiệm cho doanh số sẽ có xu hướng ám ảnh về khách hàng trong một điều kiện hạn chế về nguồn lực và tiền bạc.
Việc quá thoải mái về tiền sẽ không làm cho founders động não và thực sự để tâm tới việc người khác đang nghĩ gì về mình.
Trong chiều ngược lại, trong một điều kiện khó khăn, họ bắt buộc phải rèn luyện tư duy nếu muốn bán được hàng và sống sót.
Các thói quen tạo ra từ việc đi bán hàng, điều chỉnh sản phẩm và trăn trở cho lý do khách hàng chọn mình, gián tiếp sẽ giúp founders rèn luyện thói quen hay nghĩ về khách hàng, hay để ý tới cảm nhận của người khác, đồng thời, trong giai đoạn chuyển đổi thành công ty chuyên nghiệp có số lượng con người > 100 nhân sự, thói quen này sẽ giúp họ dễ dàng thấu hiểu nhân viên nội bộ trong quá trình công ty bắt đầu mở rộng và cần giao tiếp trực tiếp và trọn vẹn lắng nghe nhu cầu của họ.
Ngược lại, các founders khác gặp khó khăn trong giai đoạn scale doanh thu, chưa bán được một sản phẩm đủ tốt và có số lượng KH lựa chọn mình đủ lớn, họ sẽ cần nỗ lực hơn rất nhiều cho việc lý giải động lực tại sao khách hàng ngoại bộ mua hàng, từ đó, thói quen này sẽ giúp họ dễ dàng đối mặt hay giao tiếp để hiểu nhân viên trong giai đoạn chuyển đổi để có thể điều hành tốt hơn.
2. Self - Motivation - Động lực tự thân lớn: Trăn trở để hỏi tại sao mình phải làm thứ này, làm cách nào để mỗi sáng thức dậy ta có động lực lớn lao thôi thúc & thúc đẩy chúng ta hành động.
Kinh doanh rất khó khăn và chông gai, founders phải đối mặt với hàng tá vấn đề & rủi ro khi ngồi ở vị trí mà không phải ai cũng ngồi được, khi trong một thoáng chốc bước chân lên tầng cao nhất – đứng mũi chịu sào làm lãnh đạo và nhận sự chèn ép từ nhiều phía khi mình chưa đủ lớn và đủ mạnh.
Do đó nếu chỉ bám vào một mục tiêu kiếm tiền sẽ khó có thể giúp cho founders vượt qua được những khó khăn, rèn luyện được bản lĩnh và ý chí.
Việc tìm ra và trăn trở cho việc mình đang thực hiện và giúp đỡ cho ai đó có cuộc sống tốt hơn thông qua sản phẩm và dịch vụ mình cung cấp: Nghĩa là, chúng ta đang giải quyết một vấn đề gì đó (nỗi đau của người khác) trong xã hội, chúng là cơ sở để founders có thể trường kì kiên định với mục tiêu kinh doanh và không bỏ cuộc giữa chừng vì thực ra … nếu động lực chỉ là kiếm tiền, bạn không nhất thiết phải trở thành founder/doanh chủ.
3. Continuous Learning - Tự học và học suốt đời, tâm thế rất cởi mở và học hỏi được với bất cứ một ai đó/sự kiện nào đó diễn ra xung quanh ta.
Bản chất kinh doanh là một bộ môn có sự vận động liên tục và sự vận động này diễn ra không ngừng nghỉ, vì đối thủ vẫn dòm ngó chúng ta và những đối thủ sừng sỏ nhất thì chưa thực sự xuất hiện.
Chính vì điều đó, ngay cả khi công ty chúng ta ổn định & đang có tích luỹ tài chính tốt, một nhà lãnh đạo thực sự sẽ luôn mưu cầu cho mục tiêu - luôn luôn tiến lên phía trước, tạo ra rào cản cạnh tranh (barriers) để lúc nào đó, có người nào đó, họ có tiền, muốn dùng tiền để rượt đuổi vị trí mà ta đang đứng cũng phải thực sự khó khăn và chật vật … mới làm được.
Trăn trở để tạo ra các năng lực cạnh tranh tổng hợp khác biệt cho doanh nghiệp mình, giúp cho founders nhận ra một sự thật rằng, cả họ và đội ngũ phải duy trì động lực phát triển trọn đời mới mong duy trì được thành tựu mà họ đã từng tạo ra thành công trong quá khứ.
4. Workaholic - Đam mê CV, xem công việc như một chuyến phiêu lưu
Đối với người khác nhìn vào sẽ thấy các founders này thật bận bịu, bận rộn và khổ sở. Thật ra không đâu!
Với chính họ, công việc điều hành trong một bối cảnh hiện trạng tài chính thoải mái và đủ tốt, lại là những hành trình khám phá giới hạn bản thân và thử thách điều hành công ty ở những tầm quy mô lớn hơn về con người và doanh thu.
Khi quản lý tài chính tốt, điều hành hằng ngày thật ra là một … chuyến hành trình phiêu lưu thú vị. Chúng ta chỉ cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi tình trạng kiểm soát tiền bạc của chúng ta có vấn đề, đúng hông?
Ngược lại, mọi thứ như một trò chơi và thách thức thú vị hằng ngày đang … diễn ra.
5. Liều lĩnh - Taking risk.
Chuyên gia biết nhiều thì không … còn làm nữa, suốt ngày phân với chả tích. Hi hi
Người không biết gì thì cắm sổ đỏ ba mẹ mà thể hiện bản thân.
Dần dần chúng ta trưởng thành, nhìn lại quá khứ, liệu chúng ta có dám cắm sổ đỏ như thời chưa biết gì hay không … nhỉ?
Lớn lên với những bộn bề, lo toan và ràng buộc về gia đình, mong cầu của xã hội và người thân, chúng như sợi dây kéo lùi ý chí và khát khao mong muốn của founders tạo nên 1 di sản để lại mà chúng ta vốn sẽ tự hào như thời tuổi trẻ.
Nhưng rồi, tui phát hiện ra, việc họ gia tăng được năng lực quản lý rủi ro, quản lý tài chính và tiền bạc, sẽ tới lúc chính họ sẽ tiến hoá thành founders dạng:
“Biết phân tích rủi ro, nhưng biết chấp nhận rủi ro”, cứ lấy hình mẫu doanh nhân Singapore ra làm hình mẫu nè, vừa được giáo dục tốt và bài bản; và họ không hề sợ và chấp nhận các dạng rủi ro có thể kiểm soát được.
6. Financial base - Nền tảng hiểu biết về tiền, hiểu về kế toán, hiểu về tài chính.
Hiểu tiền, là hiểu cách chúng được tạo ra.
Hiểu tiền là hiểu cách chúng ta đang lao động vì điều gì.
Hiểu tiền để không chỉ biết kiếm tiền, mà biết biến tiền hoạt động cho mình.
Hiểu tiền để không chạy theo sự thao túng của tiền bạc mang lại.
Hiểu kế toán để hiểu ngôn ngữ của kinh doanh, hiểu về rủi ro, về cạnh tranh và hiểu người quản lý tiền bạc cho mình.
Hiểu tài chính để hiểu cơ hội nhân bản tài sản và giá trị của tiền trong tương lai.
Hiểu tiền và tài chính để tìm ra sự thật và hiểu biết về thế giới thực đang diễn ra về lòng tham, mưu cầu, sự thật và hạnh phúc.
Hiểu đủ về tài chính thì mới đo lường được các nỗ lực từ 5 tư duy ở phía trên vì người lãnh đạo sẽ tới một lúc nhận ra: Không phải cứ nỗ lực, thì mọi thứ đều sẽ được đền đáp.
Đào tạo cho F1 thế hệ kế cận, không thể chỉ có các cách tiếp cận đơn giản thông thường như người đi từ con số 0.
Họ cần được rèn luyện một tư duy (mindset) bài bản từ các thói quen được tích luỹ dần, thứ mà họ có thể bị mất đi vì các điều kiện khá đầy đủ và vẹn toàn của mình.
(a) Có tiền
(b) Sử dụng tiền
(c) Sử dụng tiền đúng cách
(d) Sử dụng tiền để tạo ra dòng tiền
là bộ môn phải học không chỉ về kĩ thuật, mà là thói quen, tư duy được rèn luyện và tích luỹ mỗi ngày, mỗi ngày… mỗi ngày.
Buổi tối … tốt lành.