Với kinh nghiệm từ bản thân, giả định với vốn 2 tỷ, tôi xin phân chia cấp độ nhà đầu tư thành 05 cấp độ là 'gã khờ', 'kẻ học việc', 'anh nông dân', 'nhà thông thái' và 'thiên tài'.
Trong mấy ngày Tết "trốn dịch", tôi có mặt ở một vùng biển khá bình yên, vắng lặng. Được thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm nhiều thăng trầm. Tình cờ sáng nay có chat FB với một anh học ở Nga, trên tôi 3 năm. Anh ấy hiện đang công tác tại một viện khoa học, cũng theo dõi nhiều bài viết của tôi, chủ yếu về chứng khoán. Anh kể là cũng tham gia đầu tư chứng khoán được gần 3 năm nay, nhưng anh có vẻ hơi buồn vì chưa "ăn bằng lần". Khi trao đổi về phương pháp đầu tư, danh mục cổ phiếu, điều làm tôi khá ngạc nhiên là mặc dù mới tham gia TTCK, nhưng anh có tư duy chọn lựa cổ phiếu rất tốt. Chiến lược đầu tư theo tôi rất thông minh. Với số tiền bỏ vào 2 tỷ, anh đã rút ra để chi tiêu 800 triệu, mà NAV hiện nay vẫn khoảng 2.5 tỷ. Tôi thầm nghĩ, quá tốt rồi mà tại sao anh vẫn chê.
Chứng khoán là một kênh đầu tư với mục tiêu tối thượng là lợi nhuận. Nhưng đạt lợi nhuận bao nhiêu thì được gọi là hiệu quả, bao nhiêu được gọi là đủ? Khi đủ thì có dừng lại hay không? Những câu hỏi này không bao giờ có lời giải hoàn hảo cho từng cá nhân, mà chỉ có thể trả lời một cách khái quát. Việc đầu tiên là size đầu tư. Tôi sẽ không bàn đến những size dưới 500 triệu, vì không nghiêm túc cho kênh đầu tư. Theo tôi, nên phân chia size 500-2 tỷ, 2 tỷ - 5 tỷ, 5 tỷ - 10 tỷ, và > 10 tỷ. Với size càng nhỏ, tỷ lệ lợi nhuận càng dễ đạt cao hơn.
Tuy nhiên, như thế nào gọi là cao? Phải có thước đo, so sánh với một chuẩn mực nào đó. Có hai thứ để so sánh, một là so với các kênh đầu tư khác, hai là so với chính nó. Muốn biết thế nào là cao thấp, hãy nhìn các kênh phổ thông nhất như Gửi Tiết Kiệm hiện có tỷ lệ lợi nhuận từ Lãi kép khoảng 10%/năm (tôi giả định chu kỳ 3 năm). Kênh thứ hai là vàng, nếu đầu tư 3 năm, từ giá 35 triệu/lượng, bây giờ là 55 triệu, tức đạt lợi nhuận khoảng 19%/năm. Kênh thứ ba là BĐS, với một miếng đất Q9 mua năm 2017 giá 35 triệu/m2, nay trung bình 50 triệu/ m2, tức đạt hiệu suất khoảng 14%/năm. Còn chứng khoán thì sao? Như trường hợp anh bạn tôi, đã rút lời 800, 500 chưa chốt là 1.3 tỷ, trên vốn 2 tỷ, đạt tỷ lệ lợi nhuận 21%/năm. Cao nhất trong các kênh đầu tư.
So sánh thứ hai mà tôi rất hay khuyên mọi NĐT nên dùng là so sánh với tăng trưởng của Vn-index. Cứ mỗi chu kỳ hàng năm, thậm chí hàng quí, chúng ta nên đem NAV của mình ra so với Index. Nếu tỷ lệ tăng thấp hơn, thì chúng ta chưa thành công. Với kinh nghiệm từ bản thân, giả định với vốn 2 tỷ, tôi xin phân chia 5 cấp độ NĐT như sau:
1. "Gã Khờ": đây là dạng NĐT phong trào, lúc hồ hởi, khi thẫn thờ, bị thị trường "nhào nặn". Có những giai đoạn phất lên rất nhanh, nhưng lãi chỉ là "ảo" mà thôi. Kết thúc chu kỷ đủ dài, không mang được đồng nào về cho vợ con, thậm chí số tiền đầu tư ban đầu cứ hao mòn dần, đến lúc nào đó sẽ "cháy túi".
2. "Kẻ Học Việc": kinh nghiệm đầu tư rất ít, tri thức về chứng khoán không nhiều. Nghe về chứng khoán, tưởng rằng "dễ hốt tiền của thiên hạ". Nhưng đến khi bước chân vào mới biết CK là nơi "dễ đi khó về", mới hiểu rằng "đời không như là mơ". Lớp NĐT này có thể biến chuyển đi lên, nếu được trau dồi, được rèn luyện hoặc gặp cơ duyên.
3. "Anh Nông Dân": VN là đất nước thuần nông, cho nên CK cũng như vậy, lớp "Nông Phu" chính là lớp đông nhất. Trang bị một vài kiến thức từ những cái chart xanh đỏ, mớ tư duy hỗn độn "cáo thỏ", đã tưởng rằng mình trở thành "võ công thượng thừa". Tham gia đủ mọi rum kín, hội mở, nghe đủ mọi ý kiến từ "chiên da" cho đến Bốc cờ. Vì nghe quá nhiều, "biết" quá nhiều, cho nên đôi khi "loạn chưởng". Về hiệu quả đầu tư thì đa số chỉ ngang với Index, tức là khi tăng thì hứng khởi, khi giảm thì "chạy giặc".
4. "Nhà Thông Thái": đây là những NĐT có nhiều kinh nghiệm, chinh chiến lâu năm trên thị trường. Họ coi trọng tri thức đích thực, biết học hỏi và lắng nghe tư vấn. Họ tự xây dựng phương pháp đầu tư riêng. Ưu tiên số 1 của họ là "không để mất tiền". Họ có chiến lược "đẩy thuyền" khi nước nổi, "thu quân" khi lũ về. Trong một xu hướng tốt kéo dài, những "Nhà Thông Thái" có hiệu quả đầu tư rất tuyệt vời, thường cao hơn Vn-index từ 30-50%.
5. "Thiên Tài": đây là số rất hiếm gặp, hàng ngàn người mới có một người. Ngoài tri thức, họ lại có bản năng và tố chất đặc biệt. Ngoài những kỹ năng như QTRR, phân bổ danh mục, họ còn có khả năng "ngửi" được những dòng, những cổ phiếu mạnh nhất. Đây là những người giỏi phép toán "ngoại suy" nhất trên thị trường. Kết quả đầu tư của họ không thể tưởng tượng được, thường là cao hơn Index từ 50%-100%. Nếu bạn nghe nói ai đó "ăn bằng lần", thì chỉ có thể là những NĐT "Thiên Tài".
Đã xác định chứng khoán là kênh đầu tư kiếm lợi nhuận, thì yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Dù ai cũng mong chứng khoán phát triển bền vững, nhưng có rất nhiều thứ không phụ thuộc ở chúng ta, tính bền vững cũng chỉ là tương đối trong một chu kỳ nhất định. Có thể đối với tôi hay một số người, chứng khoán đã trở thành nghiệp, là đam mê, là cuộc sống. Nhưng chưa chắc điều này đã là tốt. Đối với hơn 97% dân Việt còn chưa biết đến đầu tư chứng khoán, hãy luôn coi nó là một sự nghiêm túc, cần rất nhiều sự hiểu biết, kiến thức và bản lĩnh, nhưng dù sao cũng chỉ là một trong nhiều kênh đầu tư khác nhau. Nếu có hiệu quả, hãy tham gia. Khi hiệu quả thấp, hãy dừng lại.
Nhân ngày đầu xuân, tôi xin được chúc tất cả bạn bè, NĐT chứng khoán hay đầu tư "gì cũng được", gặp nhiều may mắn, an lành và hạnh phúc. Tôi cũng luôn cầu nguyện cho TTCK VN năm nay được tăng trưởng bình an, phát triển lên tầm cao mới, vượt qua những tư duy "ao làng" níu kéo CK Việt ở mãi mấy con số tầm thường như thế này.
Tác giả: Nguyễn Hồng Điệp