Mô hình chống dịch “không Covid” đang bị thách thức ở chính Trung Quốc, cùng với các nơi đã từng thành công trong các giai đầu như Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Đài Loan… Hiện chỉ có Singapore và Đài Loan có thể xem là thành công trong ứng phó với chủng Delta. Hôm qua, Đài Loan chỉ ghi nhận 1 ca duy nhất trong cộng đồng. Nền kinh tế này còn thực hiện tốt chiến lược mới là bảo vệ công nhân tuyến đầu trong các dịch vụ thiết yếu và bảo vệ thành công con át chủ bài – xuất khẩu chip. Đài Loan hiện là nền kinh tế duy nhất trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng cả năm được điều chỉnh gia tăng sau khi chủng Delta hoành hành.
Kiểm soát được Delta nhanh nhất
Khách sạn Novotel gần sân bay quốc tế Đào Viên dường như là cái nôi chính của đợt bùng dịch mới. Novotel đã đưa phi hành đoàn cách ly vào cùng tòa nhà là nơi đón khách nội địa. Những ca nhiễm đầu tiên được xác nhận có liên quan đến Novotel được xác nhận vào ngày 20-4, hai phi công của hãng hàng không China Airlines lớn nhất của lãnh thổ này.
Đến ngày 7-5, số ca liên quan đến Novotel đã là 29, gồm 11 phi công, một tiếp viên, sáu nhân viên khách sạn và 11 thành viên gia đình của họ. Và chỉ sau đó một tuần, mọi chuyện đã vượt quá tầm kiểm soát khi virus len lỏi đến “trà lầu” - nơi giải trí dành cho người lớn.
Phó giáo sư Alex Cook thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói rằng, trường hợp của Đài Loan thể hiện “rủi ro của chiến lược quá chú trọng vào kiểm soát biên giới mà không để tâm tới các biện pháp khống chế lây lan trong cộng đồng”. Nhưng chính quyền hoàn toàn kiểm soát được tình hình sau hai tháng có ca đầu tiên.
The Diplomat đã chỉ ra các nguyên nhân thành công của hòn đảo.
Bí quyết đầu tiên là tăng cường những chiến lược lâu nay như đeo khẩu trang, cách ly và truy vết. Từ tháng 4, người dân phải đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. Cho đến khi, số ca nhiễm mới trong cộng đồng mỗi ngày chỉ còn một con số trong tuần này, thì các quy định vẫn không thay đổi. Kế đó, người nhiễm Covid-19 được chọn cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở do chính quyền điều hành, bảo đảm tiêu chuẩn cách ly. Nhờ đó, giảm số ca nhiễm mới và ca tử vong trong cộng đồng.
Bí quyết thứ hai là tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và thay đổi chính sách. Ban đầu, nhiều chính quyền địa phương rất chần chờ, không ra lệnh cấm ăn uống trong không gian kín của quán hay nhà hàng bởi chi phí lắp đặt tấm chắn và các biện pháp giãn cách khác gia tăng. Chính quyền thành phố Cao Hùng đã tiên phong ra lệnh cấm, tình hình khả quan của Cao Hùng đã khiến Đài Bắc và Tân Bắc học hỏi và thực thi. Ngay cả khi, Bộ trưởng Y tế Trần Thời Trung tuyên bố cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại từ 22-7 khi lệnh khẩn cấp hạ từ mức độ 4 xuống mức độ 2, Đài Bắc và Tân Bắc vẫn các biện pháp cũ và hạn chế số thực khách.
Luật Đài Loan quy định tháng 6 là thời hạn chót cho để các doanh nghiệp hoạt động tại Đài Loan tiến hành các đại hội cổ đông và báo cáo tài chính. Vào thời điểm bùng dịch, các doanh nghiệp này được cho phép thực hiện các cuộc họp và bỏ phiếu trực tuyến và dời đại hội đến dịp thích hợp. Cho đến những ngày đầu tháng 8, khi dịch đã được kiểm soát hoàn toàn, chính quyền Đài Loan đã yêu cầu các công ty không hội họp trong phòng kín. Nhiều đại hội cổ đông đã diễn ra tại các bãi đậu xe ngoài trời.
Đạt đỉnh kỷ lục xuất khẩu trong 40 năm qua
Thành quả chống dịch đã giúp Đài Loan có khởi đầu “quá ấn tượng” cho nửa cuối năm 2021. Trong tháng 7 vừa rồi, theo Bloomberg, lượng hàng xuất khẩu tăng 34,7% và đạt kim ngạch kỷ lục 37,95 tỉ đô la – theo con số mới công bố tuần rồi của Bộ Tài chính Đài Loan. Đây là con số cao nhất trong 40 năm qua. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 32,05 tỉ đô la, dù tăng 41% nhưng vẫn giúp Đài Loan có mức xuất siêu 5,9 tỉ đô la.
Kinh tế hòn đảo đã tăng nhanh hơn dự đoán trong quí 2, phần lớn nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu và mức tăng này đã bù đắp những thiệt hại do các hạn chế phòng dịch gây ra. GDP tăng 7,47% trong quí 2, đánh bật mức dự báo 6,65% của các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát.
Xuất khẩu Đài Loan gia tăng do nhu cầu toàn cầu tăng, đặc biệt là ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đang giảm đi – hãng tư vấn HIS Market viết trong bản báo cáo tuần rồi. Xuất khẩu đến Trung Quốc và Mỹ trong tháng 7 vừa rồi đều tăng hơn 20% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong khi lượng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tăng trên 40%.
Chính quyền Đài Loan dự báo mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,58%, cao hơn mức dự báo trước đây là 5,46% sau khi có được thành tích tốt hơn mong đợi.
Ưu tiên công nhân tuyến đầu
Trong khi các nước vẫn coi trọng lực lượng tuyến đầu gồm y bác sỹ và nhân viên phòng chống dịch, Đài Loan theo đuổi và thực hiện một cách uyển chuyển khái niệm này với sự ưu tiên dành cho công nhân tuyến đầu và doanh nghiệp tuyến đầu.
Các chợ đầu mối do Công ty Tiếp thị Nông sản Đài Bắc (TAPMC) quản lý được khử khuẩn thường xuyên. Chính quyền Đài Bắc đã ưu tiên tiêm chủng cho toàn bộ 4.000 nhân viên của TAPMC trong ba ngày cuối tháng 6. Ảnh: CNA |
Công ty Tiếp thị Nông sản Đài Bắc (TAMPC) hiện quản lý chợ đầu mối và rau quả lớn nhất Đài Loan. Ngoài ra, TAMPC còn quản lý hơn 20 chợ cá và chợ bán lẻ rau quả khác. Từ khi ca nhiễm đầu tiên thuộc chuỗi được phát hiện ngày 14-5, thành phố Đài Bắc đã thực hiện thường xuyên các đợt xét nghiệm. Đài Bắc còn phối hợp với hai thành phố Tân Bắc và Cơ Long để truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm làm việc tại các chợ đầu mối Đài Bắc nhưng sinh sống tại hai thành phố lân cận.
Hôm 21-6, Đài Bắc bắt đầu chiến dịch kéo dài ba ngày, tập trung hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ 4.000 lao động thuộc TAMPC gồm nhân viên, nhà thầu phụ và các nhà bán sỉ. Thị trưởng Kha Văn Triết nói rằng không thể để chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi nó ảnh hưởng đến đời sống thị dân Đài Bắc và cả hậu phương - tức nhà nông.
Cần phải nhắc lại, thời điểm cuối tháng 6 là đợt cao điểm dịch tại Đài Loan và họ vẫn chưa có nhiều vaccine do hạn chế nguồn cung. Nhật Bản tặng cho Đài Loan hơn 1 triệu liều vaccine Astra Zeneca vào đầu tháng 6-2021.
Bảo vệ chuỗi cung ứng nông sản không phải là phát kiến của Đài Loan.
Hòn đảo này học từ sự lúng túng của người Mỹ khi các trang trại trồng hành ở tiểu bang Georgia đã không được ưu tiên tiêm chủng từ đầu tháng 3. Các bác sĩ vùng quê ở tiểu bang này phải theo danh sách ưu tiên cho những người đủ điều kiện tiêm chủng - nhưng không cấp thiết - từ lệnh của chính phủ liên bang và tiểu bang, sau nhóm này là giáo viên. An ninh lương thực đã bị lãng quên bởi công nhân trang trại có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ thường sống trong các khu nhà đông đúc, ăn chung ở sảnh, cùng ra đồng trên xe tải hay xe van. Những người khác làm việc trong các xưởng đóng gói nhộn nhịp.
"Đó là kinh nghiệm chúng ta cần học từ các trang trại ở Mỹ" – trang Focus Taiwan nhắc nhở ngay từ giữa tháng 3 vừa rồi.
Bảo vệ con át chủ bài – xuất khẩu chip
Bên cạnh các ngành công nghiệp xuất khẩu, Đài Loan cũng quyết tâm bảo vệ ngành công nghiệp chip khi dịch bùng phát ở Khu công nghiệp Tân Trúc. Người lao động nước ngoài - từ Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia - được ưu tiên tiêm chủng. Ngay cả lao động bất hợp pháp cũng được tiêm, mà không áp dụng các hình phạt và trục xuất. Điều kiện sinh hoạt tại ký túc xá cũng được cải thiện.
Chính quyền đặc biệt quan tâm đến các nhà máy chế tạo chip của TSMC và thế mạnh cạnh tranh của tập đoàn TSMC, đặc biệt trong các đợt bùng dịch và chip bị ô nhiễm khí gas hôm 30-7. Ảnh: AFP |
Các nỗ lực để doanh nghiệp trong nước đưa lao động đi tiêm vaccine ở nước ngoài cũng được ủng hộ và tạo điều kiện. Hãng sản xuất chip thẻ nhớ Adata dự kiến chi 3.500 đô la cho nhân viên cho chuyến bay thuê bao đi Guam, nhân viên chỉ cần bỏ ra 1.000 đô la mỗi người. Họ vẫn được trả lương cho chuyến đi nghỉ bốn ngày từ 18 đến 22-7 và khi trở về Đài Loan thì làm việc từ xa trong 14 ngày cách ly.
Bảo vệ công nhân tuyến đầu trong những doanh nghiệp tuyến đầu được thực hiện rất chặt chẽ và quyết đoán. Hôm 9-7, khi phát hiện vụ bùng trở lại với ba ca dương tính tại một trong hai nhà máy của hãng bán dẫn TSMC tại Tân Trúc, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã lập tức cử đặc phái viên xuống hiện trường. Chính quyền địa phương cho xét nghiệm toàn bộ nhân viên ở hai nhà máy và khu ký túc xá.
Nhà máy sản xuất công nghệ cao nhất của TSMC đặt tại Đài Nam. Còn hai nhà máy Tân Trúc chỉ sản xuất các chip công nghệ dòng cũ là Fab 5 và Fab 2 dùng cho các bộ cảm ứng và chip xe hơi. Tuy nhiên, Tân Trúc là trụ sở nghiên cứu của hãng chip được xem là hàng đầu thế giới, có công nghệ vượt cả Samsung và Intel. Cả Apple lẫn Intel là khách hàng đầu tiên thử nghiệm dòng chip công nghệ mới của hãng này.
Nguồn: TBKTSG
https://www.thesaigontimes.vn/319672/dai-loan-vuot-bao-delta-bao-ve-cong-nhan-va-doanh-nghiep-tuyen-dau-ra-sao-.html?