Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan với lý do “có sinh vật gây hại” khi mùa thu hoạch dứa ở Đài Loan bắt đầu rộ. Ngay lập tức bà Thái Anh Văn kêu gọi người Đài Loan giúp nông dân giải cứu dứa. Chỉ trong bốn ngày Đài Loan đã dồn sức mua và tiêu thụ sạch toàn bộ số dứa bị Trung Quốc "bom" về.
Chúng ta thấy gì từ pha xử lý của Đài Loan?
MỘT
Nói là trong một nốt nhạc thì hơi quá, nhưng chỉ trong bốn ngày Đài Loan đã giải cứu được hơn 41.000 tấn dứa (thơm) – tương đương với sản lượng dứa xuất khẩu trong một năm sang Trung Quốc.
Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan trong tuần rồi với lý do “có sinh vật gây hại” khi mùa thu hoạch dứa ở Đài Loan bắt đầu rộ trong tuần này và sẽ kéo dài đến hết tháng 6 tới. Gã khổng lồ hay chơi xấu này tiêu thụ đến 90% dứa xuất khẩu của Đài Loan. Trong năm 2020, Đài Loan xuất sang đại lục 41.661 tấn dứa, trị giá 1,5 tỷ Tân Đài tệ, tức khoảng 53,9 triệu USD.
Theo số liệu của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, tính đến trưa hôm qua 2/3 tức bốn ngày sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn kêu gọi “giải cứu dứa”, người dân và doanh nghiệp Đài Loan đã cam kết mua 41.687 tấn dứa, tức hơn 26 tấn so với tổng khối lượng dứa xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2020.
Trang tin Newtalk của Đài Loan cho biết, trong tổng số này trên 180 công ty đã đặt mua 7.187 tấn dứa nguyên liệu, 19 hãng khác đặt mua 15.000 tấn dứa đã chế biến, 14 tiệm nước giải khát mua 4.500 tấn, các nhà bán sỉ và người bán hàng rong đặt mua 10.000 tấn, và các nhà xuất khẩu và các nhóm nước ngoài ủng hộ Đài Loan mua 5.000 tấn.
Các số liệu này có ý nghĩa như thế nào?
Trước tiên, thị trường nội địa bao giờ cũng sức tiêu thụ lớn và công nghệ chế biến thực phẩm của Đài Loan đã tiêu thụ hầu hết lượng dứa dự định xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Và với những bạn đã từng du lịch Đài Loan, từng ăn bánh dứa ở đây và mua về Việt Nam làm quà thì bánh dứa Đài Loan quả là “danh bất hư truyền”.
Kế đến, các lời hứa ngoại giao quốc tế chỉ nghe cho vui thôi. Chả có bà đại sứ hay ông đại sứ nào hay ông tây bà đầm nào có thể ăn dứa tươi, uống nước ép dứa, ăn mứt dứa hay bánh dứa miệt mài cả năm hay năm này sang năm khác để ủng hộ cho nông dân Đài Loan.
Vụ hứa ăn dứa này lại gợi nhớ đến chuyện hàng chục nhà ngoại giao các nước đã lên Facebook hay livestream đang uống rượu vang Úc để thể hiện tình đoàn kết với nước Úc khi Trung Quốc cấm nhập khẩu vang Úc.
Các lời hứa ngoại giao có cánh hay các màn trình diễn trên mạng xã hội đã không giúp các nhà vang Úc tìm được lối thoát nào cho những mùa rượu 2020-2021 và nhiều năm nữa. Úc phải cấp tốc tìm các thị trường thay thế cho rượu vang và nông sản bị Trung Quốc cấm nhập khẩu. Họ tìm đến Việt Nam, Indonesia và các nước Nam Á như là thị trường tiềm năng cho nông sản Úc.
Và dường như tìm kiếm con đường ngoài thị trường Trung Quốc lại là lối đi buộc mọi nhà xuất khẩu đang bán hàng vào Trung Quốc phải đi, dù thời gian đầu có thể gập ghềnh và sóng gió đôi chút.
Trái dứa Đài Loan cũng đang tìm một con đường như vậy.
Hôm 26/2, sau khi gọi lệnh cấm của Trung Quốc là một cuộc phục kích, Tổng thống Thái Anh Văn đã cam kết ngân khoản 1 tỷ Tân Đài tệ, khoảng 36 triệu USD, để giúp trái dứa Đài Loan thoát lệ thuộc vào thị trường đại lục, tìm kiếm các thị trường mới như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Bà Thái cũng đặt mục tiêu khiêm tốn là xuất 30.000 tấn dứa mỗi năm.
HAI
Viết tới đây thì lại nghĩ đến mấy vụ giải cứu nông sản Việt.
Hòm hòm chừng một vài tháng, người Việt lại hè nhau cùng ăn thanh long, dưa hấu hay mua hoa để mà giải cứu nông sản đổ đống bởi những thay đổi luật lệ từ phía cửa khẩu bên Trung Quốc hoặc sản xuất không theo nhu cầu thị trường.
Năm ngoái, doanh nhân Kao Siêu Lực có bánh mì thanh long tạo sóng thị trường nội địa. Rồi bánh tráng thanh long, rồi bún dưa hấu của Duy Anh Food ra thị trường quốc tế. Nhưng đó chỉ là những chuyển động ít ỏi, chưa đủ tạo thành những sản phẩm mang dấu ấn quốc gia hay thương hiệu quốc gia như bánh dứa Đài Loan.
Mà cũng mong sau những năm dài tháng rộng bị nước bạn hất hủi hay chơi xấu, chúng ta sẽ có một ngân khoản gì đó để dành cho các hoạt động xúc tiến tìm kiếm các thị trường ngoài đại lục.
Photo credit: CNA