Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiến hành ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản.

Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

received-379793096807262-1619609800.jpeg
 
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa VPBank và SMBC. (Nguồn: VPBank)

Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ nhưng theo nguồn tin của tờ Nikkei Asia, Sumitomo Mitsui sẽ đầu tư hơn 150 tỷ yên (tương đương 1,4 tỷ  USD) vào FE Credit trong đầu tháng 10, biến công ty tài chính của VPBank thành một công ty liên kết.

Được biết, trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 (ĐHĐCĐ) tới đây diễn ra vào ngày 29/4, HĐQT VPBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án bán vốn đầu tư tại các công ty con, trong đó bao gồm FE Credit.

Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ban lãnh đạo VPBank cũng đã đề cập đến việc bán vốn tại FE Credit. 

Cụ thể, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết ngân hàng đã bắt đầu việc chào bán cổ phần của FE Credit từ đầu năm ngoái và kết quả có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, quá trình này bị tạm dừng do dịch bệnh và sẽ được tiếp diễn trong thời gian gần sắp tới

Theo ông Dũng, vì FE Credit là công ty tài chính nên tối đa bán vốn lên tới 49%. Nếu bán hết được 49% thì quyền lợi của ngân hàng mẹ giảm đi nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc đối tác mới sẽ đem theo nhưng công nghệ mới, nguồn vốn hùng hậu cho FE Credit phát triển.

Trong báo cáo cập nhật vào tháng 2 vừa qua, SSI Research ước tính việc bán 49% vốn tại FE Credit sẽ mang về khoản lãi sau thuế 21.000 tỷ đồng cho VPBank.

Cụ thể, nếu VPBank bán 49% cổ phần tại FECredit với mức định giá gấp khoảng 4 lần giá trị sổ sách, ngân hàng có thể ghi nhận một khoản lãi sau thuế là 21.000 tỷ đồng. 

Theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam, nếu như khả năng kiểm soát của VPBank đối với FE Credit vẫn được duy trì (nắm giữ từ 51% cổ phần), lãi từ việc bán vốn nêu trên sẽ không được ghi nhận như một khoản thu nhập trên Báo cáo kết quả kinh doanh, mà sẽ được ghi nhận trực tiếp vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trên Bảng cân đối kế toán. 

Với 21.000 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn, VPBank sẽ giảm bớt sự phụ thuộc nguồn huy động từ khách hàng, qua đó giảm chi phí vốn bình quân. 

FE Credit, được thành lập vào năm 2015 và có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, là công ty tài do VPBank sở hữu 100% vốn. FE Credit tập trung hoạt đông trong mảng cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua xe máy.

FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất tại Việt Nam (khoảng 50%) với 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên.

Về kết quả hoạt động trong năm 2020, lãi trước thuế cả năm của FE Credit đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm trước và đóng góp 28,5% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank.

Tổng thu nhập hoạt động của công ty đạt 17.317 tỷ đồng 0,6%. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trung bình ở mức 27,2%, giảm hơn 4 điểm % so với năm 2019.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng tăng 8,9% lên mức 66.000 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 37% là dư nợ tín dụng của các khách hàng mới.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 6% thời điểm cuối năm trước lên mức 6,6%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,9% lên 19,1%.

Trong một diễn liên quan, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chấp thuận sửa đổi số vốn điều lệ của FE Credit trên giấy phép lên mức 10.928 tỷ đồng.

Trước đó, vốn điều lệ của FE Credit là 7.328 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã tăng vốn thêm 3.600 tỷ đồng, tương đương 49,1%.