vng-tro-thanh-ngoi-sao-sang-nhat-trong-vong-23-nam-qua-cua-ttck-viet-nam-mac-du-khoan-lo-tang-them-185-lan-1676294581.jpg

Mới đây, trong phiên đầu tuần ngày 13/02, mã VNZ của Công ty CP VNG đã đạt kỳ tích lần đầu tiên xuất hiện trong suốt 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, sau khi vượt kỷ lục giá cổ phiếu đắt nhất ở mức 847.000 đồng/cổ phiếu do BMC nắm giữ từ năm 2007, thì VNZ tiếp tục tăng trần thêm 134.000 lên con số 1.027.400 đồng/cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên có cổ phiếu đạt mức giá trên 1 triệu đồng và cũng là lần đầu tiên có một mã tăng trên 130.000 đồng chỉ trong vòng 1 phiên.

Đặc biệt, số lượng cổ phiếu khớp lệnh ở phiên này đã bật tăng lên 5.800 cổ phiếu, cao hơn hàng chục lần so với 100-300 cổ phiếu ở 7 phiên trước đó. Đây là lần tăng trần thứ 8 liên tiếp của VNZ, và là một trong những “ngôi sao sáng” của chứng khoán Việt Nam, trong bối cảnh thị trường chìm trong sắc đỏ. Sau những vụ giá cổ phiếu bị “chèo lái” trong thời gian gần đây, cổ phiếu của VNG cũng không nằm ngoài sự nghi ngờ về việc bị thao túng. Tuy nhiên, công ty đã gửi văn bản giải trình rằng giá tăng là do cung-cầu của thị trường, VNG không có bất sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với cổ phiếu VNZ của mình.

Một trong những lý do giá của VNZ liên tục tăng cao là vì tỷ lệ freefloat (cổ phiếu trôi nổi tự do) của cổ phiếu này tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 40% tương đương 11 triệu cổ phiếu ở ngoài thị trường. Phần lớn cổ phiếu với tỷ lệ 49% nằm trong tay các cổ đông nước ngoài và đã được chuyển nhượng sang một pháp nhân mới là VNG Limited có trụ sở tại Cayman (Quần đảo thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh). Riêng bản thân Nhà sáng lập VNG - ông Lê Hồng Minh đã bỏ túi thêm cho bản thân hơn 2.700 tỷ đồng chỉ trong vòng nửa tháng, nhờ vào việc tăng giá của 3,5 triệu cổ phiếu VNZ mà ông đang sở hữu,  tương đương 9,84% vốn điều lệ.

Sau khi đạt đỉnh lịch sử chưa từng có tiền lệ, vốn hóa thị trường của CTCP VNG đạt gần 37.000 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức định giá VNG từng chạm đến đó là 2,2 tỷ USD. Năm 2019, VNG đã từng được quỹ đầu tư Temasek định giá ở mức 1,8 triệu đồng/cổ phiếu và quỹ Mirae Asset mua cổ phần ở giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu vào hai năm sau. Mặc dù mức giá cổ phiếu rất “khủng”, nhưng tình hình kinh doanh của công ty công nghệ này lại không được khả quan.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022, khoản lỗ sau thuế của công ty đã tăng gấp đôi lên con số 547 tỷ đồng so với 267 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Kết quả cả năm 2022, CTCP VNG lỗ nặng 1.300 tỷ đồng, cao hơn 18,5 lần so với con số lỗ chỉ 70 tỷ đồng của năm 2021. Liệu rằng giá cổ phiếu VNZ có thể tiếp tục tăng hơn nữa được hay không với kết quả kinh doanh vừa qua?