Chiều mai 24-8, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris từ Singapore sẽ đến Việt Nam trước khi bắt đầu chương trình nghị sự chính thức sáng 25-8 tại Hà Nội. 

Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng thông báo chuyến thăm của bà Harris tại Việt Nam và Singapore có các cuộc thảo luận về an ninh khu vực, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu cũng như tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thương mại sẽ là một trong những chủ đề quan trọng trong chuyến đến Việt Nam của bà Harris. Mỹ hiện là đối tác XK lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch XK của VN và là thị trường xuất siêu lớn nhất nhiều năm qua. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ đạt 53,7 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước và thặng dư xuất khẩu gần 45 tỉ USD.

Thặng dư XK với Mỹ ngày càng cao được xem là sức ép thương mại lớn đối với VN. Tuy nhiên trước chuyến thăm của bà Harris, mối đe dọa về thuế quan lên hàng XK Việt Nam đã được giải tỏa sau cuộc gặp giữa bộ trưởng Tài chính Mỹ (UTS) Janet Yellen và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng hôm 16.8. 

Một thỏa thuận chung mang tính ngoại giao sau đó đã được UTS đưa ra, cho biết sẽ không có hành động áp đặt thuế quan nào đối với hàng hóa XK của Việt Nam và cho phép giá trị của đồng Việt Nam tăng phù hợp với nền tảng kinh tế của Việt Nam. Cuối năm 2020, UST đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam làm dấy lên lo ngại Mỹ sẽ áp đặt thuế quan hà khắc hơn, tạo ra những rủi ro lớn khi thặng dư thương mại của VN với Mỹ tăng vọt hàng năm.

Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital bình luận thỏa thuận này là “một chiến thắng lớn cho Việt Nam ở nhiều phương diện”. Ông phân tích, rủi ro thuế quan đã đeo bám thị trường chứng khoán và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, vì vậy tuyên bố chung của UST và NHNN đã giải tỏa nỗi lo của các nhà đầu tư và sẽ giúp cho đồng Việt Nam tăng giá bền vững.

Việc không áp thuế quan cũng khuyến khích dòng vốn FDI, mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn bằng cách: 1) kích thích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (FII) vì họ ưu tiên các quốc gia ổn định hoặc có đồng nội tệ tăng giá; 2. khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh; và 3. nâng cao mức sống của người tiêu dùng bằng cách thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế nội địa.

Forbes Việt Nam thử nhìn lại cán cân thương mại hai nước suốt thập niên qua:

fb-img-1629703717288-1629703895.jpg