Hôm nay ứng viên đầu tiên cho vị trí giáo sư của khoa mình đến trường để phỏng vấn đợt cuối. Bạn ấy là người Hàn, học hết đại học ở Hàn rồi mới qua Mỹ học PhD. Hai ứng viên còn lại thì đều là người Tàu, tốt nghiệp đại học ở Tàu rồi mới qua Mỹ học PhD. Trong đó 1 bạn đang làm giáo sư ở một trường nổi tiếng ở châu Âu. Các bạn này đều có research papers ở top journals trong ngành. Như vậy, kiểu gì kỳ này nếu khoa mình tuyển thì lại tuyển 1 giáo sư châu Á nữa.
Hơn 10 năm trước, khi mình đi phỏng vấn tìm việc giáo sư ở Mỹ, bạn bè cùng lứa tầm 70-80% là dân châu Á, phần lớn trong số đó học phổ thông ở châu Á. Đến bây giờ thì nhóm người đi tìm việc có nhiều người học đại học và thậm chí là master ở châu Á luôn, chỉ đến Mỹ học PhD. Có thể nói giáo dục ở châu Á ngày càng tiến bộ. Đến khi nhóm giáo sư 50-60 tuổi hiện nay về hưu thì có lẽ đại đa số giáo sư ở Mỹ sẽ là người châu Á.
Đó là trong giới hàn lâm, còn trong các công ty thì sao? Người châu Á chỉ chiếm 7% dân số Mỹ, nhưng theo thống kê năm 2021 trong 100 công ty lớn nhất nước Mỹ (SP100) thì họ chiếm đến 14% lãnh đạo cao cấp nhất (executives), 13% quản lý cấp trung, 25% lao động chuyên môn cao, và chỉ có 5% lao động cấp thấp (hình 1). Trong khi đó người da trắng chiếm 76% dân số nhưng chỉ có 74% lãnh đạo cao cấp nhất (executives), 63% quản lý cấp trung, và 57% lao động chuyên môn cao.
![381078894-10226405601819036-9161387409847520024-n-1695958738.jpg](https://vietnambusinessinsider.vn/uploads/images/2023/09/29/381078894-10226405601819036-9161387409847520024-n-1695958738.jpg)
Cấu trúc việc làm này được chuyển sang thu nhập rất rõ ràng, người châu Á thu nhập cao hơn hẳn các sắc dân khác ở Mỹ và khoảng cách này ngày càng tăng (hình 2). Trung vị thu nhập một gia đình châu Á là $101,418, cao hơn 30% so với nhóm số 2, người da trắng không phải Latin có thu nhập $77,999. Vậy là có thể cho cái truyền thuyết người châu Á không giỏi bằng Tây vào trong truyện cổ tích được rồi hen.
![384454093-10226405601619031-1709333031056519403-n-1695958738.jpg](https://vietnambusinessinsider.vn/uploads/images/2023/09/29/384454093-10226405601619031-1709333031056519403-n-1695958738.jpg)
Đó là chưa kể người châu Á bị đối xử rất bất công ở Mỹ. Các trường đại học lớn như Harvard hạn chế số sinh viên châu Á khoảng 20%, làm cho rất nhiều sinh viên châu Á có thành tích và khả năng vượt trội không vào học được, nhường chỗ cho các sinh viên khác có thành tích và năng lực thấp hơn nhiều. Mới đây Tối Cao Pháp Viện đã xử hành vi này của Harvard và các trường khác là vi hiến. Nhưng kiểu gì thì các trường này cũng sẽ tìm cách này hay cách khác để tiếp tục chính sách này một cách gián tiếp. Theo một tính toán của nhóm sinh viên châu Á kiện Harvard lần đó, nếu không có chính sách tuyển sinh kỳ thị người châu Á thì số lượng sinh viên châu Á ở Harvard phải tầm 40%.
Vậy điều gì khiến cho người châu Á vượt trội như vậy ở Mỹ, bất chấp là nhóm thiểu số chỉ có 7% và chịu nhiều thiệt thòi về chính sách? Có lẽ cái tạo ra sự khác biệt lớn nhất chính là văn hóa và giáo dục trong gia đình của người châu Á khác với các sắc dân khác. Các gia đình châu Á ở Mỹ đầu tư vào giáo dục con cái nhiều hơn (không chỉ là tiền bạc mà còn là thời gian và tâm trí), giáo dục con cái theo văn hóa phương Đông, chú trọng việc hiếu học và chăm chỉ, và quan trọng là … ít “khai phóng” hơn các sắc dân khác. Sự giáo dục trong gia đình này cũng làm cho người châu Á ở Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi các thể loại “khai phóng” ngoài xã hội hơn, từ trong nhà trường cho đến báo đài, giới giải trí đồ. Nhiều bậc phụ huynh châu Á ở Mỹ dành khá nhiều thời gian để undo mấy cái “khai phóng” mà con họ học ở trường hoặc qua báo đài.
Trong khi đó thì nhiều người ở Việt Nam bây giờ lại hô hào đạp đổ cái nền tảng giáo dục gia đình theo văn hóa Á châu để học mấy cái “khai phóng” của Tây mà không có một cơ sở khoa học nào. Không biết là làm vậy thì có bằng được Tây hay không, nhưng có lẽ sẽ không bằng được các gia đình châu Á ở Mỹ vẫn giữ được truyền thống giáo dục gia đình theo văn hóa Á châu, hiện nay đã qua mặt Tây khá xa.
Đầu tư vào bất cứ thứ gì, từ tài chính cho đến giáo dục và văn hóa thì bạn sẽ rất lời nếu chọn đúng danh mục đầu tư đang đi lên. Còn chọn cái danh mục đầu tư là mấy cái ở trên đỉnh đang lao xuống thì cầm chắc là ra đảo nằm chơi. Tài chính thì nằm đảo tầm 10 năm nếu may mắn. Giáo dục với văn hóa thì chắc là lâu hơn … nhiều!
Nguồn: Facebook Nga Ho - Dac