photo1625827940430-1625827940534753022500-1-1629620280.png
Ảnh minh họa.

Ba ‘’ông lớn’’ chiếm một nửa lợi nhuận kinh doanh ngoại hối ngành ngân hàng

Kết thúc 6 tháng đầu năm, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng ghi nhận sự chững lại rõ rệt so với cùng kỳ 2020.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng trong nước cho thấy, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối nửa đầu năm đạt hơn 7.330 tỉ đồng, chỉ tăng 10% so với cùng kì năm trước và thấp hơn nhiều mức tăng chung gần 38% của tổng thu nhập hoạt động (TOI).

Là ngân hàng đứng đầu về mảng ngoại hối, Vietcombank tiếp tục lãi nhiều nhất với hơn 2.026 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ nhỉnh hơn 5% so với khoản lãi cùng kỳ 2020 và là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đứng sau Vietcombank, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của VietinBank chỉ đạt gần 856 tỉ đồng, giảm 17%. Đồng thời, tỷ trọng đóng góp của mảng này cũng giảm từ mức 5% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 3,2%.

Tương tự, mảng kinh doanh này mang về cho BIDV gần 884 tỉ đồng, giảm 4% so cùng kì với năm trước và tỷ trọng đóng góp cũng giảm xuống còn 2,5% từ mức 3,7% của cùng kỳ 2020.

Như vậy, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của ba ngân hàng TMCP Nhà nước nêu trên đạt gần 3.670 tỉ đồng, giảm gần 3%. Tuy nhiên, các nhà băng này vẫn cho thấy vị thế vượt trội của trong mảng kinh doanh ngoại hối khi đóng góp một nửa tổng lãi thuần của 29 ngân hàng được thống kê.

Trong nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng cũng chứng kiến thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối giảm trong nửa đầu năm. Cụ thể, lãi thuần của Sacombank đạt hơn 375 tỉ đồng, giảm 6%; Eximbank và TPBank thu về lần lượt 198 tỉ đồng và 157 tỉ đồng, giảm 10% và 19% so với cùng kì 2020;… Thậm chí, MSB chuyển từ lãi 348 tỷ đồng trong 6 tháng 2020 sang lỗ 8 tỷ đồng hay VietABank chuyển từ lãi 16 tỷ sang lỗ 200 triệu.

Nguyên nhân từ đâu?

Trong mảng kinh doanh ngoại hối, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Đơn cử như Vietcombank, kinh doanh ngoại tệ giao ngay chiếm gần 97% tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong năm 2020, tại BIDV và VietinBank là 95% và 59%.

Trong nửa đầu năm nay, chênh lệch giữa giá mua - bán USD niêm yết không thay đổi nhiều với cùng kì 2020, tức biên lợi nhuận được duy trì. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến nhu cầu giao dịch ngoại tệ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, du học,… bị sụt giảm, qua đó tác động trực tiếp tới nguồn thu của các nhà ngân hàng.

Bên cạnh giao dịch với cá nhân và doanh nghiệp, lợi nhuận của các ngân hàng còn đến từ hoạt động mua - bán USD với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Song, trong hai quý vừa qua, nhà điều hành đã điều chỉnh chính sách mua – bán ngoại tệ, khiến lợi thế của các ngân hàng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, từ ngày 31/12/2020, NHNN đã ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Đồng thời, từ ngày 4/1/2021, cơ quan này đã thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho NHNN.

Đánh giá chính sách này, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng nguồn cung ngoại tệ vẫn tương đối dồi dào vào năm 2021, nhưng việc NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang sẽ khiến các NHTM chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn và tỷ giá có thể biến động nhiều hơn. Đồng thời, chính sách này sẽ ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối.

"Giá trị giao dịch ngoại hối có thể vẫn cao, nhưng thu nhập ngoại hối của các ngân hàng có thể giảm vào năm 2021", SSI Research nhận định.

Nhìn nhận về sự điều chỉnh trên, chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, việc ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay cho thấy NHNN không còn sẵn sàng mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối như trước kia. Các NHTM cần phải phải chủ động liên hệ trực tiếp với NHNN trong trường hợp trạng thái ngoại tệ dương lớn và nếu có được tiến hành thì hoạt động mua giao ngay USD rất có thể chỉ diễn ra theo từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện không được hủy ngang 1 lần cho thấy việc bán USD có kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Từ ngày 11/8/2021, NHNN đã áp dụng lại hoạt động mua ngoại tệ giao ngay sau hơn 8 tháng chuyển sang mua kỳ hạn. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến các ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng có giao dịch ngoại tệ thường xuyên với nhà điều hành như Vietcombank, VietinBank và BIDV.