lam-viec-trong-moi-truong-sang-trong-va-nhay-cam-moi-can-bo-nhan-vien-cua-agribank-luon-y-thuc-vai-tro-su-menh-cua-minh-201622-768-1628054151.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Agribank)

Hàng nghìn tỷ sẽ được giải phóng 

Theo nguồn tin của Tin nhanh Chứng khoán, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có công văn gửi đến các chi nhánh loại 1 về việc thông báo tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới.

Cụ thể, tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Ngoài ra, tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng trở lên là 0,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng VND được thực hiện từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022 đối với từng loại tiền gửi.

Trước đó, theo văn bản số 1158/QĐ-NHNN ngày 29/5/2018, áp dụng từ ngày 1/6/2018, các ngân hàng đều phải để dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Như vậy, thông tin trên đồng nghĩa Agribank đã được NHNN giảm một nửa tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi nội tệ.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ của Agribank, đến cuối tháng 6, ngân hàng này có tổng cộng hơn 1,454 triệu tỷ tiền gửi bằng đồng VND. Do Agribank không công bố chi tiết cấu trúc kỳ hạn của tiền gửi VND nên lượng dự trữ bắt buộc đối với khoản tiền này vào cuối quý II sẽ nằm trong khoảng 43.620 - 14.540 tỷ đồng. 

Khi được giảm tỷ lệ như thông báo, lượng tiền dự trữ bắt buộc mà Agribank cần phải gửi về NHNN sẽ giảm xuống khoảng 21.810 - 7.270 tỷ đồng, tức sẽ có khoảng 21.810 - 7.270 tỷ đồng tiền gửi dự trữ được giải phóng.

Trong trường hợp Agribank có tỷ lệ tiền gửi trên 12 tháng và dưới 12 tháng là 50/50 thì lượng tiền gửi dự trữ tối thiểu phải duy trì sẽ giảm từ hơn 29.000 tỷ về 14.500 tỷ. Đồng nghĩa, khoảng 14.500 tỷ tiền gửi dữ trữ của Agribank sẽ được phép đưa ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, con số trên ước tính dựa trên số liệu cuối quý II và tỷ lệ tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và trên 12 tháng là ngang nhau. Lượng tiền gửi dự trữ được giải phóng thực tế sẽ thay đổi theo quy mô và cấu trúc tiền gửi hiện tại của Agribank.

Bên cạnh đó, lượng tiền gửi dự trữ và thanh toán của Agribank trong nửa đầu năm đã tăng thêm 71.300 tỷ, lên gần 180.144 tỷ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc mà Agribank phải duy trì. Qua đó cho thấy thanh khoản của Agribank là rất dồi dào và lượng tiền được giải phóng từ quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không có nhiều tác động.

Vietcombank, VietinBank và BIDV có được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?

Cơ sở để Agribank được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là dựa trên Thông tư số 14, ngày 29/5/2018 về việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, trong lúc tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp bị đình trệ, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm bớt gánh nặng cho Agribank. 

Cụ thể, theo Thông tư số 14/2018 của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp như tái cấp vốn, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VND thấp hơn mức quy định chung. 

Theo đó, đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của TCTD nhưng không thấp hơn 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định chung với các TCTD cùng loại hình. Đối với TCTD có tỷ lệ này từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định.

Với dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ, Agribank nằm trong diện được hỗ trợ giảm tỷ lệ dữ bắt buộc.

Tại Vietcombank, VietinBank và BIDV các ngân hàng này cũng có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo Thông tư 30. Cụ thể, Thông tư 30 mở ra cơ hội cho các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống (quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) được giảm 50% tỷ lệ DTBB.

Được biết, Vietcombank, VietinBank và BIDV là 3 ngân hàng có vốn nhà nước đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại 3 ngân hàng 0 đồng  CBBank, OceanBank, GPBanK theo chỉ định của NHNN, thông qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quản trị điều hành, hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng trên có được giảm 50% tỉ lệ DTBB hay không sẽ phải chờ chính sách cụ thể từ NHNN.