Hôm qua, Lễ đón cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức lúc 16h ngày 12/12 tại Phủ Chủ tịch với các nghi thức trang trọng nhất, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Lễ đón diễn ra khoảng 4 giờ sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tới Hà Nội.
Sau khi xe Hồng Kỳ cùng đoàn hộ tống đến Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân bắt tay, trò chuyện với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân.
Hai lãnh đạo cùng giới thiệu quan chức trong đoàn, trước khi bước lên bục làm lễ chào cờ. 21 phát đại bác chào mừng vang lên tại Hoàng thành Thăng Long khi đội quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Đây là nghi thức chào đón nguyên thủ quốc gia trang trọng nhất.

Nghi thức này do Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh thực hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Đại bác bắt đầu được bắn khi bài Quốc ca vang lên và kéo dài cho đến khi kết thúc bài Quốc ca. Dự kiến bắn hết 21 loạt đại bác trong vòng 53 đến 57 giây.

Đạn bắn đại bác bắn trong dịp lễ không phải là đạn thật. Đây là loại đạn chuyên dụng do nhà máy Z113 sản xuất, nổ tại nòng pháo, giảm khói, thao tác thuận lợi và tiếng nổ đanh giòn, đảm bảo an toàn.
Đạn pháo đại bác có vỏ bằng đồng, nút chặn đầu đạn được làm bằng giấy carton (thay thế cho nút gỗ trước đây), giúp tăng độ an toàn khi bắn. Thuốc phóng nguyên bản được thay bằng thuốc phóng cầu, có tốc độ cháy nhanh, cháy sạch trong điều kiện áp suất thấp.
----------------
Thông thường, trong các chuyến thăm cấp nhà nước, nghi thức chào đón một nguyên thủ quốc gia trang trọng nhất là bắn 21 phát đại bác. Truyền thống này được bắt nguồn từ nước Anh vào thế kỷ 17, theo Usmc.
Ban đầu, việc bắn đại bác được dùng với mục đích an toàn. Khi chiến hạm của một nước cập cảng nước khác, các khẩu pháo sẽ phải bắn hết đạn, để thể hiện sự thiện chí và không có ý định làm hại nước chủ nhà của khách.
Năm 1818, nước Mỹ bắn 21 phát đại bác chào mừng tổng thống, vì tại thời điểm đó nước này có 21 bang. Ảnh: BI.
Số lần bắn đại bác từ các chiến hạm ban đầu là 7. Đến nay, con số 7 này vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh luận. Nhưng theo Usmc, một trong những giả thuyết về con số 7 này là thời đó phần lớn tàu chiến Anh chỉ có 7 khẩu súng. Việc bắn 7 phát súng thể hiện thiện chí rằng "chúng tôi đã bắn hết đạn". Nhiều giả thuyết khác thì cho rằng số 7 liên quan đến kinh thánh. Đức Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ 7 (chúa nhật) sau khi tạo ra thế giới. Và số 7 còn tượng trưng cho việc tàu về cảng sau chuyến đi dài.
Sau khi phía tàu chiến bắn một phát súng, đại bác ở trên bờ sẽ bắn lại 3 phát để "đáp lễ". Số lần bắn từ bờ ra sẽ là 7x3=21. Và theo nhiều người, đây chính là khởi nguồn cho con số 21 phát đại bác chào mừng nguyên thủ quốc gia sau này.
Tuy nhiên vẫn có thắc mắc về số phát súng bắn lại không là 2 hay 4, để thành 7x2=14 hay 7x4=28. Ngay từ những năm 1685, các nhà cầm quyền đã cho rằng số lẻ thường may mắn hơn số chẵn. Việc bắn đại bác số chẵn để chào đón một ai đó thường mang ý nghĩa tiễn biệt người đứng đầu của một chiến hạm.
Việc bắn đại bác chào mừng tổng thống Mỹ trong lịch sử không phải lúc nào cũng là 21 phát. Năm 1812 và 1821, số phát súng chào mừng là 18 và 24.
Kể từ năm 1841, số phát đại bác mà tổng thống được chào mừng là 21, phó tổng thống là 17. Hiện nay, phó tổng thống Mỹ được nhận lời chào bằng 19 phát đại bác.
Vào ngày 18/8/1875, Mỹ và Anh cùng công bố một thỏa thuận, trong đó ghi nhận các nguyên thủ quốc gia sẽ được chào mừng bằng 21 phát đại bác. Đây cũng là nghi lễ cao nhất dành cho người đứng đầu một đất nước.