Bạn sẽ làm gì nếu đột nhiên có ai đó tặng cho bạn 10.000 USD? Bạn sẽ mua một chiếc ghế sofa mới? Cho cháu trai của bạn một chuyến đi đến New York? Hay cho đi một phần lớn số tiền để giúp đỡ nạn nhân vụ cháy ở Maui? Mơ ước luôn thú vị, nhưng kịch bản đơn giản này có thể giúp trả lời một trong những câu hỏi sâu sắc nhất về bản chất con người: Về cơ bản con người chúng ta là ích kỷ hay vị tha?
Elizabeth Dunn và các đồng nghiệp tại Đại học British Columbia và Chris Anderson, người đứng đầu TED, có một bài báo mới trên tạp chí Khoa học Tâm lý. Họ không chỉ yêu cầu mọi người suy đoán về một điều may mắn mà họ thực sự đã biến may mắn thành hiện thực. Một cặp vợ chồng giàu có đã tài trợ những món quà trị giá 10.000 USD cho 200 người trên khắp thế giới và phân phát số tiền đó thông qua TED.
Món quà trên đi kèm với hai điều kiện: Bạn phải tiêu hết số tiền đó trong ba tháng và bạn phải trả lời một bảng câu hỏi để TED có thể theo dõi cách bạn tiêu số tiền đó. Các nhà tâm lý học nói với một nửa số người tham gia rằng họ phải công khai các khoản chi tiêu của mình trên Twitter. Họ nói với nửa số người còn lại rằng họ nên giữ bí mật việc chi tiêu không cho ai biết.
Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế học cho rằng xét về bản chất, con người hành động vì lợi ích riêng của mình. Ngay cả khi họ có vẻ hào phóng, họ thực sự chỉ quan tâm đến việc người khác sẽ nghĩ gì về họ. Nhưng gần đây hơn, các nhà tâm lý học và kinh tế học hành vi đã phát hiện ra rằng một số người về bản chất đã có lòng vị tha. Ngay cả những đứa trẻ còn rất nhỏ cũng sẽ tự nguyện cố gắng giúp đỡ người khác.
Bằng chứng sâu rộng nhất về lòng vị tha tự nhiên đến từ “trò chơi độc tài”, được phát minh vào năm 1986 bởi Daniel Kahneman, cha đẻ đoạt giải Nobel về kinh tế học hành vi, như một cách đơn giản để kiểm tra sự rộng lượng. Một người tham gia được cấp một số tiền, có thể là 10 đô la hoặc 20 đô la và có thể quyết định có nên tặng số tiền đó một cách ẩn danh cho người khác hay không.
“Homo Economicus” (con người chỉ biết nghĩ về kinh tế) lẽ ra phải giữ tất cả số tiền cho mình, và một số người đã làm như vậy. Nhưng trung bình, qua hàng trăm nghiên cứu với hàng nghìn người tham gia ở nhiều quốc gia khác nhau, mọi người đều cho đi khoảng 28% số tiền. Người dân ở các nước chưa công nghiệp hóa cho đi nhiều hơn người dân trong nền kinh tế thị trường một chút, phụ nữ cho đi nhiều hơn nam giới và người già cho đi nhiều hơn người trẻ. Nhưng nhìn chung mọi người đều khá hào phóng.
Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó giả tạo trong những thí nghiệm này. Những người tham gia hầu hết là sinh viên đại học, những người biết rằng họ đang tham gia một nghiên cứu tâm lý và số tiền đặt cược hầu hết là khá nhỏ. Mọi người sẽ làm gì trong cuộc sống thực với số tiền thực sự lớn? Họ sẽ giữ nó cho riêng mình hay đưa nó cho người khác? Và liệu quyết định của họ là công khai hay riêng tư?
Nghiên cứu mới được thiết kế để đặt ra những câu hỏi đó. Và những câu trả lời thu được thật đáng khích lệ.
Những người tham gia không biết gì về mục đích của nghiên cứu và các bảng trả lời của họ đều ẩn danh. Nhưng người dân ở cả nước giàu và nước nghèo đều đưa khoảng 60% số tiền họ được tặng để cho lại người khác. Thường thì tiền được chuyển đến tay bạn bè và gia đình, nhưng khoảng 20% rơi vào tay người lạ, giống như tỷ lệ điển hình trong trò chơi độc tài. Hơn nữa, việc những người tham gia có công bố quyết định của họ một cách công khai hay không cũng không có khác biệt gì, không như chúng ta mong đợi, rằng sự hào phóng chủ yếu xuất phát từ mong muốn được người khác đánh giá tốt về chúng ta.
Nghiên cứu này đặc biệt ấn tượng nhưng nó ủng hộ quan điểm chung rằng con người có bản chất vừa hào phóng, vừa ích kỷ. Câu hỏi lớn mà điều này đặt ra sau đây, còn khó hơn việc quyết định giữa việc mua sofa hay giúp đỡ những nạn nhân của thiên tai: Làm thế nào chúng ta có thể thiết kế một hệ thống kinh tế và chính trị khuyến khích tinh thần hào phóng chia sẻ như vậy?
Cù Tuấn biên dịch bài viết của Wall Street Journal.