dukhachbichatchem-awnb-08-26-35-846-1653468212.jpg
Ngành du lịch của ta vẫn trong tư tưởng “mài dao cả năm, chém khách vài ngày”

“Họ không thể ‘mài dao cả năm chỉ để chém khách trong vài buổi’. Họ đang thực sự khó khăn, trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ lại kết thúc vào tháng 6-2022. Nếu họ không tiếp tục nhận được gói hỗ trợ trong năm 2022 thì từ nay đến cuối năm, còn nhiều doanh nghiệp du lịch, vận tải lữ hành đóng cửa”, đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn phát biểu trên nghị trường sáng nay.

Hiện tượng chặt chém khách ở các điểm du lịch như ung thu di căn. Chính quyền Đà Lạt hay các điểm du lịch xử lý qua loa, cho có lệ rồi mỗi lần khách bị chặt lại chỉ biết lên mạng bốc phốt, thề thốt không đến nữa… Đà Lạt hay Nha Trang dịp lễ 30-4 vừa rồi không đông như tưởng tượng, nhất là Đà Lạt.

Bởi trước đó dịp Tết Dương lịch rồi Tết Nguyên đán, khách đến Đà Lạt phải nằm bờ ngủ bụi vì không đủ phòng ốc, vì khách sạn chặt chém… Để rồi sau đó, lễ giỗ tổ khách vắng dần và đến 30-4 thì khách eo sèo chỉ chiếm 30-40% công suất. Khách sạn ế nhệ vì bởi trước đó cò tung tin “cháy phòng” để hòng lên giá. Như chim sợ cành cong, khách Sài Gòn túa đi miền Tây và các nơi khác.

Để rồi sau đó, báo chí hả hê là khách kéo về miền Tây đông như trẩy hội. Nhưng ít ai nhớ rằng tháng 10-2021, hơn 1,3 triệu người quê quán miền Tây đã tháo chạy khỏi thành phố, tìm đường về quê sống sau chuỗi ngày ngột ngạt. Sài Gòn cứ mỗi 5 năm lại tăng thêm một triệu dân, gốc tích phần lớn là các tỉnh đồng bằng. Du khách mỗi dịp lễ là đây chí đâu, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận kẹt hà rầm là bởi lượng di dân khổng lồ này mỗi dịp lễ.

Chính quyền làm được gì để phát triển du lịch địa phương? Đồng Tháp thì hy vọng lễ hội sen, Huế thì cấp tập mở thêm phố đi bộ. Các địa phương mở lễ hội và hội thảo du lịch liên tục, mà người dự phần lớn là các nhà báo và chỉ để tung hê trên mặt báo.

Còn ngay tại TP.HCM thì người ta hy vọng khôi phục các du thuyển kiểu Venice – những chiếc gondola trôi dạt trên các dòng kênh đen xì, bốc thối. Ít người biết rằng đã có doanh nghiệp tán gia bại sản vì lời khuyến nghị của các ông giám đốc. Bởi có sản phẩm du lịch thì các quan có thành tích, mà lỗ thì doanh nghiệp tự ôm vậy.

Buýt đường sông Bạch Đằng – Thanh Đa là một phần trong kế hoạch giao thông công cộng đường thủy, nhưng giờ trở thành sản phẩm hóng mát của người dân Sài Gòn sau những chiều nóng bức. Công ty Thường Nhật chịu trách nhiệm phát triển tuyến buýt đường sông Bạch Đằng – Lò Gốm (Q8) nhiều năm nay không mở được bởi ai mà đi. Mà du lịch đường sông sao chịu nổi nước thối.

Bởi không ai nghĩ đến buýt đường sông phải nằm trong hệ thống giao thông công cộng kết nối với xe buýt, các điểm gửi xe máy và cả xe điện ngầm metro trong tương lai.

Trước dịch Covid-19, một quỹ phát triển du lịch quốc gia dự trù sẽ khơi từ 20 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Nhưng kế hoạch sau đó thì xẹp lép, bởi dịch kéo đến Vietnam Airlines và các hãng hàng không – nguồn bò sữa cho quỹ - lỗ chổng gọng.

Các chính quyền địa phương ngoài hội hè thì không làm gì được cả. Ngay cả chuyện quản lý trật tự, ổn định giá cả còn không xong thì khách làm sao mà đến.

Kích cầu du lịch ở các nước thì chính quyền các cấp phát phiếu giảm giá tour, trợ cấp tiền phòng và voucher mua sắm các loại để kích cầu.

Thuế má với việc vặt lông vịt làm hứng khởi thì du lịch chỉ còn lầm lũi mài dao cắt cổ vịt mà thôi.