Ngày 17/3/2022 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và 8 ngân hàng lớn của Việt Nam.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ vai trò đầu mối thu xếp khoản hợp vốn tín dụng 35.000 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Dung Quất 2).
8 ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho Dung Quất 2 bao gồm: Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Đây là khoản vay lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các Ngân hàng, có thời hạn 7 năm, ân hạn 2 năm. Thời gian rút vốn là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết: “Khoản tín dụng 35.000 tỷ này của Vietcombank và 7 ngân hàng đồng tài trợ mang ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thành công của dự án. Với kinh nghiệm và thành công từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, Tập đoàn cam kết dự án Dung Quất 2 sẽ về đích đúng tiến độ, đảm bảo dòng vốn của các ngân hàng được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu suất cao nhất”.
Đồng thời, ông Trần Đình Long cũng chia sẻ thêm: “cách đây 3-4 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin Hoà Phát là doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất Việt Nam, hơn 40.000 tỷ, điều này cho thấy là chúng tôi vận hành tiền rất là kém, nó thể hiện tính cách ban lãnh đạo của Hoà Phát là tập trung cao độ cho Dung Quất 2 mặc dù tôi biết là nếu đồng tiền dùng vào việc khác thì có thể hiệu quả hơn nhưng không dám dùng. Chúng tôi đảm bảo phần đối ứng của Hoà Phát để thực hiện dự án tốt nhất, các chủ ngân hàng nói là Hoà Phát để tiền gửi ngân hàng như thế phí quá. Tôi cam kết đầy đủ vốn đối ứng thậm chí thừa, và tôi cam kết chắc chắn 100% là hiệu quả sử dụng vốn và trả ngân hàng đầy đủ", theo CafeF.
Đại diện các ngân hàng tin tưởng dự án Dung Quất 2 sẽ thành công, đồng thời cam kết luôn sẵn sàng đồng hành cùng Tập đoàn Hòa Phát, đem lại lợi ích chung cho các bên, thúc đẩy sự phát triển của ngành thép Việt Nam theo hướng thân thiện, hiện đại, quy mô lớn.
Tại thời điểm cuối năm 2021, Hòa Phát đang sở hữu lượng tiền gần 41.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm 22.500 tỷ đồng tiền mặt và hơn 18.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới một năm. Đồng thời, Hòa Phát cũng soán ngôi Vingroup trở thành doanh nghiệp sở hữu lượng tiền đứng đầu sàn chứng khoán Việt Nam. Theo ước tính trong năm 2021, lượng tiền của Hòa Phát đã tăng thêm tới gần 19.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khoản tiền mặt này sẽ đóng vai trò vốn đối ứng quan trọng của Hòa Phát khi thực hiện dự án Dung Quất 2.
Về dự án Dung Quất 2 có quy mô trên 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng. Dự kiến, Hòa Phát sẽ khởi công dự án Dung Quất 2 trong quý I/2022 và hoàn thành trong 3 năm kể từ ngày khởi công.
Với Dung Quất 2, Hòa Phát sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ đồng bộ, hiện đại nhất thế giới hiện nay, sản xuất thép cuộn cán nóng từ quặng sắt. Khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 14 triệu tấn/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của tập đoàn Hòa Phát là khoảng 178.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 90.780 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả là hơn 87.400 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên vốn chủ của Hòa Phát vượt lên trên nợ phải trả kể từ cuối năm 2018.
Đáng chú ý, khoản nợ phải trả của Hòa Phát giảm gần 2.900 tỷ đồng so với cuối quý liền trước do bởi tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản vào Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Đồng thời, 4 lò cao của nhà đã đưa vào hoạt động hết công suất trong năm 2021.
Lũy kế năm 2021, tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế lần 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.
Trong năm ngoái, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi so với cùng kỳ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid 19.
Với kết quả trên, Hòa Phát tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được HRC.