Vào ngày 19/10, Hayat – hãng sản xuất hàng tiêu dùng nhanh từ Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch tham gia thị trường tã trẻ em Việt Nam với thương hiệu Molfix, và kỳ vọng chiếm khoảng 30% thị phần ngành hàng này vào năm 2025.

Thống kê từ Nielsen cho thấy thị trường tã giấy Việt Nam rất tiềm năng với quy mô khoảng 600 triệu đô la Mỹ, trong đó 73% là tã quần, 21% là tã dán và 6% là miếng lót.

Ông Cetin Murat, tổng giám đốc Hayat Việt Nam cho biết tập đoàn đã nghiên cứu sâu thị trường Việt Nam từ năm 2018. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tả trẻ em tiềm năng nhất khu vực, với tốc độ phát triển dự báo đạt mốc 2 chữ số trong giai đoạn 2021-2027.

“Chúng tôi đã chọn Việt Nam là địa điểm để đầu tư, từ cánh cổng vàng của Việt Nam, chúng tôi thâm nhập được thị trường ASEAN. Sự phát triển của chúng tôi sẽ kéo theo sự phát triển những đối tác, chuỗi có liên quan”, ông Ugur Hasan Tahsin, Phó Chủ tịch Hayat, phụ trách thị trường châu Á chia sẻ.

Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số cao nhất thế giới hiện nay và chiếm gần 9% dân số toàn thế giới. Riêng Việt Nam là nước có dân số lớn thứ 3 trong khu vực khi tăng thêm gần 11 triệu người suốt hơn 10 năm qua.

Mỗi năm, Việt Nam có thêm 1,6 triệu trẻ em ra đời. Nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng với lượng người trẻ chiếm đa số. Hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dưới 15 tuổi. Trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 4.300 em bé chào đời, hiếm có gia đình nào không có trẻ dưới 10 tuổi.

hayat-2-1634728177.jpg
Cơ sở sản xuất của Hayat tại Bình Phước

Những con số này các ngành sản xuất sản phẩm mẹ và bé, đặc biệt là sản phẩm dành cho trẻ em rất tiềm năng ở khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vào cuối năm 2020, Hayat đã công bố khoảng đầu tư trị giá 250 triệu đô la Mỹ tại Bình Phước, nay đã hoàn thành giai đoạn một với ước tính ban đầu khoảng 100 triệu đô la Mỹ.

Trong giai đoạn hai, nhà máy Hayat tại Việt Nam sẽ cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác trong khối ASEAN như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia. Tổng giá trị xuất khẩu của Hayat Việt Nam ước tính đạt 50 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Bên cạnh hạng mục tã giấy cho em bé hiện có, Hayat cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm.

Hayat sở hữu 21 nhà máy tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hayat thuộc tập đoàn Hayat Holding (thành lập năm 1937), là tập đoàn đa quốc gia với 41 công ty thành viên.

Hayat là công ty chuyên về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu kinh doanh chất tẩy rửa vào năm 1987. 

Sau đó, tập đoàn mở rộng kinh doanh sản phẩm vệ sinh vào năm 1997 và 9 năm sau đó bắt đầu phát triển kinh doanh khăn giấy các loại. 

Hiện doanh nghiệp có doanh thu toàn cầu năm gần nhất khoảng 1,8 tỷ USD này sở hữu 15 nhãn hàng, trên 10.000 nhân viên ở 11 quốc gia và Việt Nam quốc gia thứ 12 Hayat hiện diện.

Hayat tự giới thiệu là nhà sản xuất khăn giấy lớn nhất ở Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi và lớn thứ 5 trên thế giới.