Hai bên đã gặp nhau hôm Chủ nhật (24/04) để thảo luận những đề xuất của ông Musk và đang có những triển vọng khá tích cực, một nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, không gì đảm bảo rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận.
Twitter được cho là ban đầu đã từ chối lời đề nghị mua lại của Musk hôm 14/04 vì không biết được ông sẽ thanh toán cho thương vụ này như thế nào. Nhưng sau khi gần đây ông chủ Tesla tiết lộ rằng mình có đến 46,2 tỷ USD đủ để thanh toán kèm theo cam kết tài trợ thương vụ, Twitter đã quay xe và đồng ý đàm phán.
Musk đã nói từ đầu rằng đề nghị 54,20 USD/cổ phiếu là "tốt nhất và cuối cùng" của ông, và ông đã nhắc lại với Chủ tịch Twitter Bret Taylor một lần nữa rằng ông sẽ không thay đổi giá cả. Cuộc trò chuyện giữa hai bên có thể sẽ tập trung vào các vấn đề bao gồm những gì ông Musk sẽ trả nếu thỏa thuận bị huỷ trước khi hoàn tất.
Twitter dự kiến sẽ báo cáo thu nhập quý đầu tiên vào thứ Năm tuần này (28/05) và dự kiến sẽ cân nhắc giá thầu sau đó.
Quyết định đột ngột của Twitter diễn ra sau cuộc gặp gỡ riêng với Musk hôm thứ Sáu (22/04) và một số cổ đông thảo luận các ưu điểm trong đề xuất của ông và đồng thời khẳng định hội đồng quản trị có quyết định "có-hoặc-không". Musk cũng cam kết sẽ giải quyết các vấn đề tự do ngôn luận mà ông cho là gây khó khăn trên nền tảng và đất nước với phạm vi rộng hơn, theo nguồn tin.
Nguồn tin cũng cho biết Musk trước đã đưa ra lời chào mời của mình với các cổ đông trong một loạt cuộc gọi điện video, tập trung vào các quỹ quản lý tích cực, với hy vọng rằng họ có thể làm thay đổi quyết định của công ty.
Musk tiết lộ rằng ban lãnh đạo Twitter sẽ không thể tự mình đưa cổ phiếu lên mức mà ông đề xuất bởi các vấn đề kinh doanh đang khó sửa chữa. Dù đã tweet liên tục về việc muốn giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo cũng như thực hiện các thay đổi đơn giản hơn, ví dụ cho phép các tweet dài hơn, nhưng Musk lại không nêu chi tiết làm thế nào để thực hiện được điều đó.
Một số cổ đông đã đứng về phía Musk sau các cuộc họp. Lauri Brunner, người quản lý quỹ tăng trưởng vốn hóa lớn của Thrivent Asset Management LLC, coi ông Musk là một nhà điều hành có kỹ năng.
“Ông ấy đã có một thành tích đáng ghi nhận tại Tesla. Ông ấy là chất xúc tác để mang lại hiệu suất hoạt động mạnh mẽ tại Twitter,” Brunner nói. Thrivent có trụ sở tại Minneapolis có khoảng 0,4% cổ phần của Twitter trị giá 160 triệu USD và cũng là một cổ đông của Tesla.
Musk nói rằng ông đang xem xét việc chào mua trực tiếp cho các cổ đông bằng cách tung ra một đề nghị đấu thầu. Ngay cả khi muốn nhận được sự ủng hộ đáng kể của cổ đông trong một đề nghị chào mua, Musk vẫn sẽ cần tìm cách để xoay sở ‘liều thuốc độc’ của công ty, một thủ thuật pháp lý mà công ty áp dụng để ngăn Musk sở hữu trên 15% cổ phần .
Cổ phiếu của Twitter đã được giao dịch dưới mức giá chào bán của Musk kể từ khi ông đưa ra giá thầu vào ngày 14/04, ở mức 48,93 USD. Ông Musk đã chỉ ra rằng nếu giá thầu hiện tại không thành công, ông có thể bán cổ phần của mình, tổng cộng hơn 9%.
Khoản tiền mà Musk sẽ thanh toán thương vụ, bao gồm khoản nợ hơn 25 tỷ USD đến từ hầu hết các ngân hàng đầu tư blue-chip toàn cầu, ngoại trừ hai ngân hàng tư vấn cho Twitter. Phần còn lại là 21 tỷ USD vốn chủ sở hữu mà ông Musk sẽ tự cung cấp, có khả năng bằng cách bán cổ phần hiện có trong các doanh nghiệp khác của ông như Tesla.
Hội đồng quản trị của Twitter nên đồng ý với ông Musk vì giá cổ phiếu đã “chẳng đi đến đâu” kể từ khi công ty niêm yết cách đây 8 năm, Jeff Gramm, một nhà quản lý danh mục đầu tư của Bandera Partners LLC, một quỹ đầu cơ ở New York với khoảng 385 triệu USD đang được quản lý, cho biết trước đó.
Ông Gramm cho biết hội đồng quản trị của Twitter không thể từ chối lời đề nghị của ông Musk nếu không cung cấp một giải pháp thay thế mang lại giá trị thực sự cho các cổ đông. “Tôi không chắc điều gì có thể xảy ra ở giai đoạn này ngoài việc tìm giá thầu cao hơn,” ông nói.