Tại báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, ngành thép Việt Nam đang nắm bắt tốt các cơ hội từ nhu cầu phục hồi ở các nước nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và khả năng sản xuất ổn định bất chấp đại dịch. 

Trong mảng thép xây dựng, sản lượng bán hàng tăng mạnh trong 5 tháng năm 2021, nhưng nhu cầu nội địa có thể yếu hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 do tính thời vụ, giá bán cao và tác động tiêu cực của Covid-19. 

Cụ thể, doanh số bán thép xây dựng tăng 14% so với cùng kỳ trong 5 tháng và đạt 4,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa tăng 12%. Sau khi tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, sản lượng bán hàng của các nhà sản xuất thép nội địa đang yếu đi trong tháng 6. 

‘’Mùa mưa và làn sóng Covid-19 mới đã khiến cho hoạt động xây dựng trở nên trì trệ’’, VDSC nhận định.

Bên cạnh nhu cầu yếu từ ngành xây dựng, các đại lý cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thép tăng từ 14,5 triệu đồng/tấn trong tháng 3 lên 17,5 triệu đồng/tấn trong tháng 6 chưa bao gồm VAT. Vì vậy, nhu cầu trong nước trong quý 3 có thể thấp hơn so với quý 2 do mùa mưa và tác động của Covid-19. 

VDSC kỳ vọng các nhà sản xuất thép sẽ giảm giá bán trong tháng 7 trước khi điều chỉnh cho các tháng tiếp theo do sự tăng lên của giá nguyên liệu.

screen-shot-2021-06-30-at-11-00-13-am-1625069615.png
Nguồn: VDSC

Trong mảng tôn mạ, sản lượng tiêu thụ có mức tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021 và có thể duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm do hoạt động xuất khẩu thuận lợi. Sản lượng tiêu thụ tăng 45% trong 5 tháng 2021, đạt 2,1 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu tăng 132% và đóng góp 56,4% vào tổng sản lượng tiêu thụ, cao hơn so với mức 35,3% trong 5 tháng năm 2020.

Theo VDSC, nhu cầu thép tại Châu Âu và Bắc Mỹ hiện cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm ba năm nữa. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, chính sách này tiếp tục duy trì điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chênh lệch giá thép giữa Châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức biên lợi nhuận tốt cho các nhà xuất khẩu nội địa. 

“Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 như trong 6 tháng đầu năm’’, báo cáo của VDSC cho biết.

Nhóm phân tích cho rằng, các công ty với khả năng gia tăng sản lượng sản xuất đang chiếm lĩnh thị phần. Trong mảng thép xây dựng, Hòa Phát và Formosa tiếp tục giành thêm 2,0 và 1,4 điểm phần trăm thị phần trong 5 tháng 2021 so với năm 2020.

mt-h6-1625069737.png
Nguồn: VDSC

Trong mảng tôn mạ, Hoa Sen và Nam Kim đang nắm bắt tốt cơ hội xuất khẩu do các nhà máy còn dư địa tăng trưởng lớn. Thị phần của Hoa Sen tăng từ 33,4% trong năm 2020 lên 37,2% trong 5 tháng đầu năm 2021, trong khi, thị phần của Nam Kim cũng tăng từ 14,4% lên mức 16%.

Tại thị trường ống thép, thị phần của Hoa Sen và Nam Kim cũng tăng lần lượt 3,5 và 2,2 điểm phần trăm.

mt-h78-1-1625069704.png
Nguồn: VDSC

VDSC điều chỉnh giá mục tiêu HPG từ 50.100 đồng/cổ phiếu lên 55.200 đồng/cổ phiếu nhằm phản ánh triển vọng khả quan hơn của mảng thép cuộn cán nóng. Giá bán HRC của HPG đang tốt hơn kỳ vọng khi giá sản phẩm giao tháng 7 và tháng 8 đạt 1.020 USD/tấn và 970 USD/tấn. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của mảng thép xây dựng có thể giảm trong quý 3 so với quý 2 do nhu cầu yếu.

Vì vậy, ước tính lợi nhuận sau thuế của HPG sẽ vào khoảng 10.200 tỷ đồng trong quý 2 và 8.900 tỷ đồng trong quý 3. VDSC cũng điều chỉnh dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 17% từ 29.000 tỷ đồng lên 34.000 tỷ đồng.