Nhiều cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh

Sau khi điều chỉnh vào đầu tháng 6, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu hồi phục thậm chí nhiều mã đã thiết lập mức giá cao nhất kể từ khi lên sàn.

Đóng cửa ngày 29/6, VCB dừng ở mức 114.000 đồng/cp, mức giá (đã điều chỉnh) cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết trên HOSE. VCB cũng là mã ngân hàng duy nhất có giá 3 con số trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, VCB đã tăng giá trong 8/10 phiên gần nhất với tổng mức tăng 10,4%. Kết quả này giúp vốn hóa của Vietcombank vượt 400.000 tỷ đồng, bỏ xa Vingroup và gấp hơn 2 lần ngân hàng đứng kế sau là VietinBank.

Được biết, trong năm nay, Vietcombank lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm hai cấu phần. Trong đó, cấu phần thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng, qua đó nâng mức vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.

Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành. 

CTG cũng leo dốc mạnh trong những ngày gần đây và dẫn đầu ngành ngân hàng về tốc độ tăng giá trong tuần trước. So với đáy ngắn hạn được tạo lập vào ngày 8/6, CTG đã tăng 10% vào thiết lập mức kỷ lục 54.400 đồng/cp vào ngày 28/6.

Thông tin tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu này những ngày gần đây là kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 29%. Cụ thể, VietinBank đã chốt ngày 8/7 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức cho cổ đông. 

Bên phía các ngân hàng tư nhân, MBB tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng khi tăng 14% so với cuối tháng 5. Đà tăng của cổ phiếu này được hỗ trợ bởi thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 35%.

Tương tự, ACB cũng liên tục tăng giá trong 2 tuần gần đây và đang giao dịch vùng giá cao lịch sử. Trước đó, ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 11/6 để chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, MSB tâm điểm của thị trường chứng khoán trong ngày 28/6 khi cổ phiếu này tăng trần lên giá 30.300 đồng/cp, gấp đôi so với giá chào sàn vào cuối năm 2020. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong phiên ở mức 26,6 triệu đơn vị, chỉ thấp hơn phiên chào sàn với hơn 30 triệu cổ phiếu. 

Sự bùng nổ của MSB diễn ra sau khi cổ phiếu này được HoSE đã đưa ra khỏi danh sách không được cấp margin đi cùng kết quả kinh doanh ước tính nửa đầu năm 2021 được công bố với mức lãi trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2020.

Sau đợt điều chỉnh vào đầu tháng, HDB cũng đã lấy lại được những gì đã mất và chính thức thiết lập đỉnh mới tại mức 36.000 đồng/cp vào ngày 28/6. Trước đó, HĐQT HDBank đã có quyết định nâng vốn điều lệ thêm gần 4.200 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% và phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP.

z2583819526431-e4ad65fb0917136f056c331a36c49532-1625020281.jpg
Diễn biến một số cổ phiếu ngân hàng trong 3 tháng qua. (Nguồn: Tradingview)

Cổ phiếu ngân hàng có còn động lực tăng giá?

Đà tăng của một loạt cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong giai đoạn cận kề thời điểm chia cổ tức và công bố kết quả kinh doanh bán niên. 

Trong báo cáo mới đây đánh giá về thị trường chứng khoán, nhóm phân tích của FiinGroup nhận định yếu tố phát hành cổ phiếu một mặt có tác động rất tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá.

Cụ thể, trong tổng số 102.600 tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới (bao gồm đã thực hiện và dự kiến thực hiện trong năm 2021) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết thì các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22.000 tỷ đồng. Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020, theo tính toán của nhóm phân tích.

Trong năm nay, FiinGroup kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ tăng trưởng 23,8%. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao; đẩy mạnh cho vay sau khi tăng quy mô vốn chủ; áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không lớn nhờ Thông tư 03 và thu nhập từ hoạt động dịch vụ đang không ngừng tăng trưởng cao.

Về phía nhà đầu tư, các quỹ ngoại vẫn cho thấy niềm tin vững chắc vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ riêng 4 mã cổ phiếu "vua" gồm HDB của HDBank, CTG của VietinBank, MBB của ngân hàng Quân đội và TPB của ngân hàng Tiên Phong đã chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng danh mục trị giá gần 450 triệu euro (thời điểm 31/5/2021) của quỹ PYN Elite Fund.

Trong báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan nhận định lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng đặc biệt mạnh trong năm 2021 nhờ đánh giá lại các khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã trích trong năm trước.

"Các cổ phiếu ngân hàng (gồm HDB, CTG, MBB và TPB) hiện vẫn giữ vị trí rất quan trọng trong danh mục của PYN Elite với tổng tỷ trọng gần 40%. Các cổ phiếu ngân hàng chúng tôi nắm giữ có mức P/E dự phóng năm 2021 là 10,6 lần và tất cả các mã này đều tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh mẽ", PYN Elite Fund cho biết.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật thị trường chứng khoán 5 tháng đầu năm và năm 2021, Dragon Capital cho biết mặc dù đã tăng liên tục trong những tháng gần đây, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn khá rẻ so với các thị trường trong khu vực, nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận vượt trội. Năm 2022 có khả năng đà tăng trưởng sẽ chậm lại, tuy vậy Dragon Capital cho rằng định giá nhóm ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn.