Vào tháng 10/2021, tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Linacre College, một trường thuộc Viện Đại học Oxford (Anh), ngôi trường mà người con trai cả bà Thảo - Tommy Nguyễn đang theo học.

Theo đó, Linacre College sẽ nhận một khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh từ Sovico để đầu tư phát triển nghiên cứu giáo dục.

Mới đây trong cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lần đầu tiên lên tiếng chia sẻ thêm về khoản tài trợ này.

nguyen-thi-phuong-thao-1649053044.jpg
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Theo bà Thảo, đại học Oxford là cái nôi của tri thức, góp tiền cho trường là cơ hội tốt nhất mang giá trị đóng góp của mình đi nhanh hơn, gần hơn cho cộng đồng nhân loại, trong đó có người dân Việt Nam. Bà Thảo cũng cho biết đó là sự may mắn khi được đóng góp một phần trong lịch sử phát triển của trường đại học nổi tiếng thế giới.

Khi tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ký biên bản ghi nhớ (MoU) để tài trợ cho Linacre College 155 triệu bảng Anh có lẽ nhiều người cũng thắc mắc rằng tại sao khoản đầu tư này lại không dành cho một trường đại học trong nước?

Bà Phương Thảo cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể xây được một trường đại học hiện đại, tuy nhiên điểm “cản trở” lớn nhất là chưa có môi trường nghiên cứu học thuật và chưa thể trở thành môi trường lý tưởng mang các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Vì thế, khó có thể trở thành nơi thu hút các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, những kinh đô học thuật như đại học Oxford, Harvard lại hội tụ những điều kiện đó. Nữ tỷ phú này đã chia sẻ với Forbes Việt Nam rằng: “Mình làm sao để khoản đóng góp tạo ra giá trị tốt nhất, có ảnh hưởng lớn nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu không có mình thì sẽ có người khác. Những người được hưởng lợi là hệ thống giáo dục, là cộng đồng trong đó có thương hiệu của đất nước chúng ta”.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng tiết lộ: “Tôi có kế hoạch dành phần lớn tài sản của mình để phục vụ cộng đồng. Những dự án như việc quyên tặng cho đại học Oxford là một phần trong chương trình đó”.

college-3-1649053126.jpg
Linacre College

Theo tìm hiểu, khoản tài trợ 155 triệu bảng Anh của bà Thảo sẽ được chia làm 3 phần. Trong đó, một phần dùng để xây dựng quỹ học bổng, một phần dành tài trợ cho các dự án nghiên cứu theo chuyên đề giúp các nước đang phát triển như Việt Nam và một phần dành để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động học tập, nghiên cứu cho trường.

Linacre College cho biết, sau khi nhận được khoản quyên góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, trường sẽ xin ý kiến lên Hội đồng về việc đổi tên từ Linacre College thành Thao College nhằm mục đích ghi nhận món quà lớn này.

Nếu đúng theo dự tính, sau khi Linacre hoàn tất việc đổi tên thành "Thao College", sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên một trường học ở Anh mang tên một người Việt Nam. 

Linacre College là một trong những trường đại học đầu tiên trên thế giới đạt carbon-neutral – mức trung hòa carbon, vậy nên việc họ muốn đổi tên thành Thao College sau khi nhận được mức tài trợ lớn từ bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Tập đoàn Sovico,  nó nhận nhiều ý kiến phản đối từ nhiều người ở Viện Đại học Oxford.

Nguyên do bắt đầu từ chuyện: Tập đoàn Sovico hoạt động trong ngành hàng không và dầu khí. Theo The Guardian, các lợi ích kinh tế của Sovico đến từ ngành thăm dò dầu khí ngoài khơi, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam – Vietjet Air.

Còn tài sản tỷ đô của bà Thảo phần lớn đến từ cổ phần của bà trong hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, do Sovico kiểm soát. Sovico cũng đang là cổ đông lớn nhất của HD Bank và bà Thảo giữ vai trò Phó chủ tịch của ngân hàng này; mà họ đang là nhà tài trợ tài chính chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Trước đây, Climate Justice Campaign - Chiến dịch Công bằng Khí hậu của Oxford of University, đã kêu gọi các thành viên trong hệ thống nên loại bỏ tên các doanh nghiệp liên quan nhiều đến nhiên liệu hóa thạch khỏi các tòa nhà và học viện. Theo dại diện của Chiến dịch này, vụ việc nói trên có nguy cơ làm xói mòn các tiêu chuẩn về trung hòa carbon của Oxford of University.

Người phát ngôn của Chiến dịch nêu cụ thể: “Chúng tôi rất thất vọng khi biết rằng Linacre College đã chấp nhận đóng góp từ Tập đoàn Sovico - 1 doanh nghiệp có hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch, đe dọa sự tồn tại của hành tinh chúng ta.

Đây có thể xem là sự thất bại của Linacre College trong việc tiếp tục giữ niềm tự hào ‘là một trong những đại học đầu tiên có mức trung hòa carbon’, rõ ràng nói dễ hơn làm. Chúng tôi rất buồn khi biết những động thái mới nhất từ Linacre College, nó như đang nói với chúng tôi rằng: Linacre College coi trọng tiền bạc hơn con người và hành tinh này”.


Tiến sĩ Maria Kawthar Daouda, giảng viên văn học Pháp tại Oxford, cũng nói với Telegraph rằng: không nên thay đổi tên trường đại học chỉ đơn giản vì "đã nhận một món quà lớn từ ai đó". Bà Daouda chia sẻ: “Sự biết ơn đối với số tiền của bà Thảo có thể được thể hiện theo cách khác để không xóa bỏ ý nghĩa của việc quyên góp, chứ không nhất định phải đổi tên”.

Một người giấu tên khác tại Oxford of University, tỏ ra thoải mái hơn về sự thay đổi này. “Nếu đây là một trong những trường đại học có lịch sử vĩ đại thì người ta sẽ phải dè dặt sâu sắc. Nhưng đây chỉ là một trường đại học hiện đại và không có tài sản lớn, nên chúng ta dễ dàng hiểu được quyết định của họ. Nếu ai đó quyên góp một số tiền khổng lồ, thì việc đặt tên họ cho ngôi trường không phải là điều gì đó quá vô lý”.

Về Linacre College, đây là một trường trực thuộc Đại học Oxford, Anh. Trường đào tạo đa ngành và có đội ngũ sinh viên quốc tế tới từ 50 quốc gia khác nhau.

college1-1649051395.jpg
Theo tìm hiểu, Linacre là trường nhỏ nhất, ít được tài trợ nhất trong hệ thống Đại học Oxford

Trường được thành lập năm 1962 và được đặt tên theo một học giả nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng - ông Thomas Linacre (1460-1524). Theo tìm hiểu, Linacre là trường nhỏ nhất, ít được tài trợ nhất trong hệ thống Đại học Oxford.

Vào năm 2019, ông Stephen A. Schwarzman, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackstone (Mỹ) đã quyên góp cho Oxford 150 triệu bảng Anh. Đây là được ghi nhận là khoản quyên góp cá nhân lớn nhất cho trường này trong lịch sử.

Nếu khoản tiền quyên góp 155 triệu bảng Anh của bà Thảo hoàn thành thì bà sẽ phá kỷ lục về khoản tài trợ ở Oxford bởi MoU chỉ là ghi nhớ nên việc có thực hiện hay không thì ở thì tương lai. Đồng thời, khoản tiền này cũng được xem là khoản hiến tặng lớn nhất của một cá nhân cho đại học này trong 500 năm qua.